pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mong phụ nữ Đề Thám có cơ hội quảng bá, tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm
Chị Trần Thị Thu Lan, thôn Nà Pài, Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ nông lâm sản Bản Quyền đã khởi nghiệp thành công với mô hình "“Trà hoa hồi Lan Ngọc”
Là một trong 4 xã vùng thấp của huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, với 5 dân tộc anh em Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa chung sống, xin chị cho biết, phong trào hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN xã Đề Thám thời gian qua phát triển thế nào?
Thực hiện sự chỉ đạo của Hội LHPN huyện Tràng Định và Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn, trong những năm qua, Hội LHPN xã Đề Thám luôn xác định phát triển kinh tế là mục tiêu vững chắc để xây dựng phát triển tổ chức Hội. Do đó, Hội LHPN xã đã quan tâm đặc biệt đến việc hỗ trợ, định hướng cho toàn thể chị em hội viên muốn khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình. Cụ thể, thông qua các lớp học nghề cho lao động nông thôn, Hội sẽ cử hội viên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng thạch đen, hồi, quế, lúa Vetgap… để chị em có thêm kiến thức và nắm vững kỹ thuật với từng loại cây trồng.
Hội LHPN xã cũng hỗ trợ xây dựng các ý tưởng khởi nghiệp cho chị em hội viên khi tham gia ngày hội khởi nghiệp cấp tỉnh, ví như: Năm 2022, ý tưởng "Chăn nuôi gà, vịt sạch" của chị Trương Thị Phượng, ý tưởng "Trà hoa hồi Lan Ngọc" của chị Trần Thị Thu Lan… Đến nay, các chị đã thành công với mô hình khởi nghiệp của mình và đang phát triển ngày một vươn xa.
Ngoài ra, trong năm 2023, Hội phụ nữ chúng tôi đã triển khai thực hiện mô hình "Đồng hành cùng phụ nữ làm kinh tế", hỗ trợ nuôi lợn nái xoay vòng cho chị em hội viên. Mô hình này được thực hiện theo cách hỗ trợ lợn nái giống, đến khi lợn trưởng thành, sinh sản thì hội viên đó sẽ hoàn lại 80% giá trị lợn giống ban đầu. Hội LHPN xã tiếp tục hỗ trợ các hội viên khác phát triển kinh tế gia đình và ngày càng nhân rộng mô hình ở 11 thôn, chi hội của địa phương.
- Với một địa phương miền núi biên giới xứ Lạng có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, trong quá trình thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp cho hội viên phụ nữ, Hội LHPN xã Đề Thám gặp những khó khăn gì, thưa chị?
Với một địa phương miền núi vùng biên, việc khởi nghiệp của hội viên phụ nữ chúng tôi vẫn chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và tự tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo trong quá trình thực hiện của từng mô hình. Do đó, các chị em thường gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong việc thực hiện một số quy định của Nhà nước về thành lập hợp tác xã, hay việc bảo hộ sản phẩm do mình làm ra. Bên cạnh đó, còn có các quy định liên quan đến chuyển đổi đất tại địa phương còn khá phức tạp, khiến chị em gặp không ít khó khăn trong quá trình khởi nghiệp.
Đặc biệt, nhiều chị em có ý định khởi nghiệp, nhưng khó khăn lớn nhất ở địa phương vùng biên giới là vay vốn và tìm đầu ra bền vững cho mỗi sản phẩm mình.
Để khắc phục khó khăn từ thực tế, giúp chị em Đề Thám có nhiều cơ hội khởi nghiệp tốt hơn, ổn định hơn, Hội LHPN xã mong muốn điều gì?
Với vai trò, trách nhiệm của Hội phụ nữ cấp cơ sở, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ, động viên các chị em hội viên tự tin khởi nghiệp bằng chính thế mạnh, lợi thế của địa phương mình.
Song, với một địa phương ở vùng biên giới Lạng Sơn còn hạn chế về thông tin, về kiến thức hội nhập sâu rộng của thời đại mới, Hội LHPN xã Đề Thám rất mong Hội LHPN các cấp quan tâm, hỗ trợ địa phương tổ chức hoặc tham gia nhiều hơn các hội chợ quảng bá sản phẩm của chị em, giúp chị em hội viên kết nối đầu ra ổn định cho từng sản phẩm.
Chúng tôi cũng mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, cũng như có các chính sách phù hợp với địa bàn miền núi vùng biên như Đề Thám, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy hội viên phụ nữ địa phương khởi nghiệp thành công, góp phần xây dựng quê hương phát triển.