pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nạn tảo hôn ở Pakistan gia tăng sau lũ lụt
Cô dâu trẻ em ở Pakistan
Tác động của thiên tai
Mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 9 rất quan trọng đối với sinh kế của hàng triệu nông dân Pakistan. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, biến đổi khí hậu đang làm tăng nguy cơ lở đất, lũ lụt và thiệt hại mùa màng.
Cơ quan quản lý thảm họa Pakistan (NDMA) cho biết, những trận mưa xối xả và lũ quét bắt đầu từ tháng 7/2024 đến nay đã khiến 187 người thiệt mạng và 333 người bị thương. Trong số những người thiệt mạng, có khoảng 96 trẻ em và 30 phụ nữ. Ngoài ra, có khoảng 350 vật nuôi đã chết, 2.293 ngôi nhà và 30 cây cầu bị hư hại do mưa lũ.
Hiện nhiều ngôi làng ở tỉnh nông nghiệp Sindh vẫn chưa phục hồi sau trận lũ lụt năm 2022. Trận lũ lịch sử này đã khiến 1/3 đất nước Pakistan bị nhấn chìm, hàng triệu người phải di dời và mùa màng bị phá hủy. Tình trạng này đã dẫn đến xu hướng "cô dâu mùa mưa".
Để sinh tồn, nhiều gia đình đã chọn cách gả con gái để đổi lấy tiền. Điển hình là Shamila (14 tuổi) và em gái Amina (13 tuổi) đã kết hôn để đổi lấy tiền, giúp gia đình sống sót sau mùa lũ lụt. Đám cưới của Shamila là với một người đàn ông gấp đôi tuổi cô bé.
"Tôi rất vui khi biết mình sắp kết hôn... Tôi nghĩ cuộc sống của mình sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nhưng thực tế là tồi tệ hơn khi mùa mưa về", Shamila nói.
Bà Mal Hajani, ở làng Khan Mohammad Mallah, Pakistan, chia sẻ: "Trước trận lụt năm 2022, chúng tôi thường gả con gái muộn nhưng giờ chúng tôi gả con gái sớm vì sau lụt, chúng tôi chẳng còn gì cả. Nghèo đói gia tăng, nhà cửa đổ sập. Đây là lý do tại sao chúng tôi nói rằng nếu gả con gái đi, gánh nặng sẽ vơi bớt".
Cha mẹ của các cô dâu thường tuyên bố họ vội gả con gái đi để cứu con khỏi cảnh nghèo đói chứ không phải là để đổi lấy tiền. Tuy nhiên, mẹ chồng của Shamila cho biết đã đưa 200.000 Rupee (tương đương gần 18 triệu đồng) cho cha mẹ cô dâu. Đây là một khoản tiền lớn ở một khu vực mà hầu hết các gia đình chỉ sống với khoảng 25.000 đồng/ngày.
Ông Mashooque Birhmani, Giám đốc điều hành Tổ chức bảo vệ người thiệt thòi Sujag Sansar (Pakistan), nói: "Nếu chúng ta nhìn vào các con số, xem xét đến tác động của biến đổi khí hậu, cụ thể là lũ lụt, sẽ thấy đã có 45 đám cưới của các bé gái trong năm nay tại làng Khan Muhammad Mallah, tỉnh Sindh, trong khi làng chỉ có 250 gia đình. 15 bé gái đã trở thành vợ người ta trong 3 tháng qua".
Vòng nghèo đói luẩn quẩn
Chồng của Najma Ali đã cưới cô khi cô mới 14 tuổi vào năm 2022. Nhà của bố mẹ Najma bị sập trong lũ lụt. Tất cả gia súc đều chết. Gia đình cô bé nói rằng vì không còn gì nên họ phải gả con đi.
Chú rể đưa cho bố mẹ cô dâu 250.000 Rupee (tương đương hơn 22 triệu đồng) nhưng đó thực ra là tiền đi vay mà đến nay, anh không có cách nào trả được. Giờ đây, Najma (16 tuổi) phải về nhà bố mẹ đẻ ở cùng với đứa con 6 tháng tuổi và người chồng 18 tuổi vì không có gì để nuôi thân.
Ngôi làng của họ nằm trên bờ kênh ở thung lũng Main Nara, cằn cỗi, ô nhiễm. "Chúng tôi từng có những cánh đồng lúa tươi tốt. Chúng tôi trồng nhiều loại rau nhưng tất cả đều chết hết vì đất nhiễm độc sau trận lũ lụt năm 2022", Hakim Zaadi (58 tuổi), mẹ của Najma, cho biết.
Tảo hôn là hiện tượng phổ biến ở một số vùng của Pakistan, nơi có số lượng lớn trẻ em gái kết hôn trước 18 tuổi. Độ tuổi kết hôn hợp pháp ở nước này là từ 16 lên 18 tuổi, tuỳ theo từng khu vực nhưng quy định về tuổi kết hôn hiếm khi được thực thi.
Cô bé Mehtab mới 10 tuổi khi người bố Dildar Ali Sheikh định gả cô bé đi sau khi trận lũ lụt xảy ra. May mắn là tổ chức Sujag Sansar đã can thiệp khiến đám cưới bị hoãn lại. Mehtab được ghi danh vào một xưởng may, giúp cô bé kiếm được một khoản thu nhập nhỏ trong khi vẫn tiếp tục đi học.
Hiện nay, khi những trận mưa đổ xuống, cô bé lo rằng cuộc hôn nhân được hứa hẹn trước đây sẽ lại xảy ra. "Tôi đã nói với bố rằng tôi muốn đi học. Tôi thấy những cô gái đã kết hôn xung quanh tôi có cuộc sống rất khó khăn và tôi không muốn điều này xảy ra với mình", Mehtab nói.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã báo cáo về "những bước tiến đáng kể" trong việc giảm tỷ lệ tảo hôn ở Pakistan. Thế nhưng, bằng chứng cho thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan đã đẩy trẻ em gái vào những rủi ro.
"Chúng tôi dự báo tỷ lệ tảo hôn ở Pakistan sẽ tăng 18%, tương đương với việc xóa bỏ 5 năm tiến bộ", báo cáo của UNICEF cho biết. Theo UNICEF, nghèo đói và cơ hội hạn chế không nên là cái cớ để dẫn đến tảo hôn.
Chính phủ Pakistan phải can thiệp bằng cả biện pháp trừng phạt những người đàn ông đang mua bán trẻ em gái. Cũng cần lưu ý rằng biến đổi khí hậu là một yếu tố chính gây ra làn sóng tảo hôn mới.
Hầu như mọi trường hợp tảo hôn gần đây đều liên quan đến những gia đình nghèo túng và vô gia cư do lũ lụt, động đất. Việc tăng cường đào tạo kỹ năng cho các nạn nhân của tảo hôn sẽ đảm bảo rằng họ không rơi vào cảnh nghèo đói hoặc tệ hơn.
Đồng thời, nó cũng sẽ giúp ích cho nền kinh tế địa phương bằng cách tạo điều kiện cho phụ nữ làm việc tại các doanh nghiệp và ngành công nghiệp nhỏ.