Nên 'lượng hóa' hành vi quấy rối tình dục

06/12/2016 - 13:33
Theo nhiều chuyên gia, việc thêm quy định quấy rối tình dục vào Bộ luật Lao động sửa đổi là một bước tiến mới, tiến bộ. Tuy nhiên, để quy định này áp dụng hiệu quả thì nên 'lượng hóa' việc quấy rối tình dục.
Thực hiện chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và giúp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có thêm căn cứ đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động theo hướng bình đẳng giới và đảm bảo quyền, lợi ích của lao động nữ, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác kỹ thuật về nhân quyền gữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Australia giai đoạn 5, ngày 5/12, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên gia “Đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động”.
quay-roi-11.jpg
Các đại biểu tham dự buổi Hội thảo.
Tại buổi Hội thảo, nhiều đại biểu, chuyên gia đã quan tâm đến một vấn đề rất mới được đề cập đến trong Dự thảo, đó là việc quy định hành vi quấy rối tình dục.

Chuyên gia giới Trần Thị Vân Anh cho rằng, việc tổ soạn thảo đưa vấn đề quấy rối tình dục vào Dự thảo luật lần này là một bước tiến lớn. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất phức tạp và rất khó. “Khó nhất là định nghĩa thế nào là quấy rối tình dục? Bởi ở Việt Nam, cụm từ này chưa xuất hiện trong một văn bản luật nào. Định nghĩa này cần bao hàm toàn bộ hoặc gần như toàn bộ những hành vi quấy rối, đồng thời cần lượng hóa được hành vi này”, chuyên gia Trần Thị Vân Anh nói.

Cũng theo chuyên gia này, trên thực tế, các quy định về quấy rối tình dục sẽ chỉ có giá trị trên giấy nếu như nạn nhân không lên tiếng. Vì thế, cần làm rõ quyền lợi và các nguyên tắc của việc thưa kiện. Bởi lẽ, thông thường những người gây ra quấy rối tình dục trong các doanh nghiệp cơ sở sản xuất… thường là những người có chức vụ, quyền lực nên không dễ để nạn nhân lên tiếng. Mặt khác, cần bảo đảm danh dự, nhân phẩm cũng như quyền, lợi ích của nạn nhân thì họ mới có thể an tâm đứng lên vạch trần những hành vi quấy rối đó.
quay-roi-2.jpg
Nguyên Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng, cần làm rõ khái niệm Quấy rối tình dục khi đưa vào luật.
Nguyên Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thanh Hòa cũng đề cập đến vấn đề quấy rối tình dục người lao động. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, cần làm rõ khái niệm quấy rối tình dục và cụ thể hóa hành vi nào thì được coi là xâm hại tình dục.
 
Theo bà Nguyễn Thị Vân (Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH), ở nước ta hiện nay chưa có thống kê chính thức về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, mặc dù tình trạng này là khá bổ biến. Lý giải nguyên nhân việc này, bà Vân cho rằng tâm lý Á Đông vẫn xem đây là chuyện tế nhị, nên nhiều chị em đã chấp nhận bỏ qua.

Ngoài ra, bà Vân cũng đề cập đến vấn đề như chuyên gia giới Trần Thị Vân Anh nói, vì người quấy rối là cấp trên nên người bị quấy rối sợ nói ra. “Nhiều trường hợp, người quấy rối là cấp trên nên nạn nhân không dám tố cáo vì sợ bị trù úm, trả thù. Mặt khác, người sử dụng lao động phần nhiều bỏ qua, giả vờ không nghe, không biết sự việc xảy ra, hoặc phê bình, nhắc nhở theo cách chiếu lệ”, bà Vân cho biết.
 
Ông Hà Duy Bốn, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ LĐTB&XH, Tổ trưởng tổ Soạn thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, hoan nghênh Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức một buổi Hội thảo quy mô, với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý để lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo.

Thay mặt Tổ soạn thảo, ông Bốn đánh giá cao những ý kiến góp ý, phân tích của các đại biểu đối với Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi và cam kết sẽ quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới, quyền lợi của lao động nữ trong quá trình biên soạn, bổ sung Bộ luật này.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: “Việc thảo luận về các vấn đề liên quan đến đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động có ý nghĩa quan trọng, góp phần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, các chủ trương, đường lối của Đảng; tạo ra sự đồng bộ các chính sách, chương trình và đặc biệt là để phát huy vai trò, tiềm năng của lao động nữ, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm