Ngoài Ấn Độ, đại dịch Covid-19 còn đang đe dọa những nước nào ở châu Á?

N.A (tổng hợp)
29/04/2021 - 06:43
Ngoài Ấn Độ, đại dịch Covid-19 còn đang đe dọa những nước nào ở châu Á?

Một bệnh nhân Covid-19 được vận chuyển vào bên trong bệnh viện Đa khoa Sakura ở thị trấn Oguchi, tỉnh Aichi, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo

Ấn Độ đang oằn mình chống lại cơn khủng hoảng Covid-19 và số lượng người nhiễm bệnh đã lên đến 18.315.114 trường hợp (tính đến hết ngày 28/4/2021). Tuy nhiên, không chỉ Ấn Độ, rất nhiều các quốc gia khác ở châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Campuchia… cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Nhật Bản

Theo thống kê của Bộ Y tế Nhật Bản, chỉ tính riêng trong ngày 27/4, nước này đã có 828 ca mắc Covid-19, cao nhất kể từ ngày 26/1/2021. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang gấp rút xây dựng một trung tâm tiêm chủng quy mô chưa từng có ở thủ đô Tokyo. Trước đó, chính quyền Nhật Bản đã phải lần thứ 3 ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và một số thành phố lớn, đông dân.

Điều đáng lo ngại là biến thể virus corona dễ lây lan tại Ấn Độ đã xuất hiện ở Nhật Bản. Theo Reuters, Nhật Bản bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người lớn tuổi ngay trong tháng này, nhưng mới chỉ có khoảng 1,5% trong tổng số 126 triệu dân của nước này được tiêm chủng.

Ngoài Ấn Độ, đại dịch Covid-19 còn đang đe dọa những nước nào ở châu Á? - Ảnh 1.

Biến thể virus corona dễ lây lan tại Ấn Độ đã xuất hiện ở Nhật Bản. Ảnh: AFP

Chương trình tiêm chủng của Nhật Bản phụ thuộc phần lớn vào vaccine Pfizer. Mặc dù vậy, việc nhập khẩu loại vaccine này đang gặp khó khăn do số lượng vaccine nhập về rất nhỏ giọt. Nhật Bản đã đặt hàng 50 triệu liều vaccine Moderna và 120 triệu liều vaccine AstraZeneca. Tính đến hết ngày 28/4, Nhật Bản ghi nhận có 575.563 ca nhiễm Covid-19 trong đó có 10.055 trường hợp tử vong.

Hàn Quốc

Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), chỉ tính riêng trong ngày 28/4, nước này đã có thêm 775 ca nhiễm Covid-19, mức cao kỷ lục trong 4 ngày qua, trong khi số ca không truy vết được tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Trong số 775 ca nhiễm mới thì có 754 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 120.673 trường hợp. Trước đó, Hàn Quốc từng lập kỷ lục 785 ca mắc mới trong ngày 24/4, tăng mạnh so với mức trung bình 500 ca/ngày trong 2 ngày trước đó.

Ngoài Ấn Độ, đại dịch Covid-19 còn đang đe dọa những nước nào ở châu Á? - Ảnh 2.

Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), chỉ tính riêng trong ngày 28/4, nước này đã có thêm 775 ca nhiễm Covid-19, mức cao kỷ lục trong 4 ngày qua. Ảnh: Reuters

Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực tìm kiếm thêm nguồn cung vaccine với thỏa thuận mua thêm 40 triệu liều của hãng dược Pfizer (Hoa Kỳ), đồng thời kêu gọi người dân đi tiêm và có kế hoạch mở thêm nhiều cơ sở tiêm chủng.

Lượng vaccine nhập thêm từ Pfizer giúp Hàn Quốc có thể đẩy sớm thời điểm đạt được miễn dịch cộng đồng và chủ động đối phó với các nhu cầu phát sinh trong thời gian tới, như mở rộng tiêm phòng cho đối tượng dưới 18 tuổi, tiêm nhắc lại mũi thứ 3 để đối phó với các biến thể mới của Covid-19.

Các quốc gia Đông Nam Á

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới hết ngày 28/4, các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 18.248 ca nhiễm Covid-19 so với 1 ngày trước, và tổng số trường hợp tử vong là 67.179 người.

Indonesia vẫn là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất ASEAN với 1.657.035 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 45.116 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại "Đất nước vạn đảo" sau nhiều tháng bùng phát đã có xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với giai đoạn trước (thêm 5.241 ca nhiễm mới, trong đó có 177 trường hợp tử vong, chỉ tính riêng trong ngày 28/4).

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến quốc gia này thành ổ dịch nóng nhất khu vực. Diễn biến dịch bệnh ở Philippines trở nên nghiêm trọng khi số ca mắc mới/ngày cao hơn "tâm dịch" Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong chưa hề giảm so với các ngày trước.

Chỉ tính riêng trong ngày 28/4, Philippines có thêm 6.895 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm ở nước này lên con số 1.020.495 ca, trong đó có 17.031 trường hợp tử vong.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng lo ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Trong ngày 28/4, Thái Lan ghi nhận thêm 2.012 ca bệnh mới và có tới 15 ca tử vong.

Ngoài Ấn Độ, đại dịch Covid-19 còn đang đe dọa những nước nào ở châu Á? - Ảnh 3.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho một người dân ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: Khmer Times

Campuchia tiếp tục lập kỷ lục với 698 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 6 trường hợp tử vong chỉ tính riêng trong ngày 28/4. Thủ đô Phnom Penh vẫn là nơi tập trung dịch với 558 ca nhiễm Covid-19 mới, tiếp đó là tỉnh Kandal với 72 ca mới, Banteay Meanchey với 43 ca và Sihanoukville có 16 ca. Các tỉnh Kampong Speu, Takeo, Pursat... cũng ghi nhận từ 2 đến 3 ca. Như vậy, số lượng ca nhiễm Covid-19 của Campuchia đã tăng lên 11.761 trường hợp, trong đó có 88 ca tử vong.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen yêu cầu tất cả người dân tại thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal đều phải tiêm vaccine ngừa Covid-19. Quá trình tiêm chủng sẽ được bắt đầu với những người từ 18 tuổi trở lên, sinh sống tại các khu vực đỏ thuộc Phnom Penh và tỉnh Kandal.

Campuchia quy định khu vực cam là những điểm có khả năng kiểm soát lây nhiễm ở mức trung bình, trong khi khu vực vàng là những nơi chỉ có một vài ca lây nhiễm được ghi nhận. Các khu vực đỏ là những nơi bị đánh giá có tình trạng lây nhiễm dịch nghiêm trọng trong cộng đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm