Người giữ hồn đàn Chư ra bon giữa đại ngàn Hà Tĩnh

Người giữ hồn đàn Chư ra bon giữa đại ngàn Hà Tĩnh

Ở tuổi 60, bà Hồ Thị Lỉnh, người phụ nữ dân tộc Chứt duy nhất còn giữ được tiếng đàn Chư ra bon, vẫn đều đặn gảy những âm thanh thân thuộc giữa bản Rào Tre (xã Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh). Với bà, đó không chỉ là nhạc cụ, mà là linh hồn của cả một cộng đồng giữa đại ngàn.

Trong cái nắng oi bức của những ngày cuối tháng 5, tôi ghé đến nếp nhà sàn bằng gỗ của bà Hồ Thị Lỉnh ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). Con đường bê tông thẳng tắp dẫn vào bản như mở ra một thế giới khác, nơi những nếp nhà gỗ trầm mặc nằm nép mình giữa bạt ngàn xanh của núi rừng, ôm ấp một câu chuyện về bản sắc, về cội nguồn.

Tôi vẫn còn nguyên cảm giác xúc động khi hôm đó, gặp người khách lạ từ phương xa, bà Lỉnh, với dáng người gầy gò, lưng còng, hồ hởi mời uống nước và tất tả chạy lên nhà tìm cây đàn Chư ra bon để giới thiệu

Người giữ hồn đàn Chư ra bon giữa đại ngàn Hà Tĩnh- Ảnh 1.

Nghệ nhân chơi đàn Chư ra bon Hồ Thị Lỉnh.

Với bà, cây đàn không chỉ là một nhạc cụ, mà còn là một phần máu thịt, một phần ký ức của cuộc đời. Bà Lỉnh, 60 tuổi, là người dân tộc Chứt, và cũng là người cuối cùng ở bản Rào Tre còn biết chơi đàn Chư ra bon - một nhạc cụ truyền thống của đồng bào mình.

Người giữ hồn đàn Chư ra bon giữa đại ngàn Hà Tĩnh- Ảnh 2.

Bà Lỉnh là con gái của nghệ nhân Hồ Thị Sen, một người đã khuất nhưng tên tuổi vẫn còn vang vọng trong tâm trí những người yêu văn hóa dân tộc Chứt. "Tôi là con của nghệ nhân Hồ Thị Sen, người biết chơi đàn Chư ra bon, một nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Chứt", bà Lỉnh bắt đầu câu chuyện với đôi mắt xa xăm.

Người giữ hồn đàn Chư ra bon giữa đại ngàn Hà Tĩnh- Ảnh 3.

Nghệ nhân Hồ Thị Sen, mẹ của bà Hồ Thị Lỉnh.

Dường như, trong khoảnh khắc ấy, bà đang sống lại những ngày thơ ấu, khi tiếng đàn Chư ra bon đã sớm đi vào tiềm thức của một cô bé dân tộc Chứt mới chập chững bước vào đời. "Tôi được mẹ dạy từ lúc còn nhỏ, khoảng 5-6 tuổi đã được làm quen với tiếng đàn Chư ra bon", bà kể.

Tiếng đàn ấy, theo lời bà, "không khó mấy, cũng dễ thôi". Nhưng tôi tin rằng, để biến những thanh tre vô tri thành những giai điệu có hồn, người nghệ nhân phải dành trọn cả tâm huyết và tình yêu. Và bà Lỉnh đã làm được điều đó, bởi tình yêu dành cho tiếng đàn đã ngấm vào bà từ thuở nhỏ.

Cây đàn Chư ra bon của người Chứt được chế tác đơn giản: chỉ gồm 1 ống nứa, 2 dây cước chạy song song theo ống nứa và 1 thanh nứa mỏng dùng để kéo đàn. Bởi cây đàn thô sơ như vậy nên người Chứt còn gọi Chư ra bon là đàn nứa.

Thế nhưng, điều đáng buồn là hiện tại, bà Hồ Thị Lỉnh là người cuối cùng ở bản Rào Tre còn biết chơi đàn Chư ra bon. Ông Nguyễn Xuân Mận, Bí thư Chi bộ bản Rào Tre cũng xác nhận điều này. Đây cũng là nỗi trăn trở lớn trong lòng người nghệ nhân già: "Trước nguy cơ mai một và thất truyền, tôi đã quyết định gìn giữ tiếng đàn của đồng bào dân tộc Chứt", bà Lỉnh xúc động nói.

Người giữ hồn đàn Chư ra bon giữa đại ngàn Hà Tĩnh- Ảnh 4.

Đàn Chư ra bon được người Chứt làm từ ống nứa, có hai dây cước và một thanh nứa để kéo, nên còn gọi là đàn nứa.

Tiếng đàn Chư ra bon không chỉ là nhạc cụ mà còn gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần của người Chứt. Âm thanh của nó vang lên trong các dịp lễ truyền thống như Tết Chăm Cha Bới (12/11 âm lịch) - lễ mừng cơm mới sau vụ mùa, và Tết Lấp Lỗ (7/7 âm lịch) - lễ cúng sau khi gieo trồng, thể hiện lòng biết ơn trời đất và cầu mong mùa màng tốt tươi, cuộc sống an lành.

Không chỉ xuất hiện trong các lễ hội dân gian, tiếng đàn Chư ra bon còn góp mặt trong nhiều sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của bản làng, địa phương như Ngày thành lập Đảng, Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc, 30/4, 2/9, kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác Hồ,…

Trong đời sống thường nhật, bà Lỉnh – một người con của dân tộc Chứt – vẫn thường chơi đàn tại nhà, giữ cho âm điệu truyền thống ấy luôn vang vọng, như một cách kể chuyện về lịch sử và cuộc sống của đồng bào nơi rừng sâu.

Tiếng đàn kể lại hành trình người Chứt từ rừng sâu đến cuộc sống tươi sáng nhờ ơn Đảng, Bác Hồ.

Qua tiếng hát, tiếng đàn, người Chứt nhớ về những tháng ngày gian khó và biết ơn Đảng, Bác Hồ đã soi đường, mang lại cuộc sống đủ đầy, văn minh, con cháu được học hành, thoát khỏi mù chữ, bệnh tật và hủ tục. Tiếng đàn ấy chính là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, là lời tự sự lặng thầm của một dân tộc từng trải qua nhiều thăng trầm, nay đang vững bước đi lên.

Tuy nhiên, niềm trăn trở lớn nhất của bà Lỉnh là không ai trong số 4 người con của bà quan tâm hay muốn học đàn Chư ra bon. Các con bà đều đã lập gia đình, đi làm các ngành nghề khác và không ai biết chơi đàn. "Tôi cũng rất lo lắng", bà Lỉnh bộc bạch về nỗi lo một nét văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một.

Đây cũng là tiếng chuông báo động, nếu chẳng may bà Lỉnh vì già yếu và mất đi, thì sẽ không còn ai trên địa bàn biết chơi đàn nữa. Chúng tôi nhận thấy cần phải đẩy mạnh công tác truyền dạy, làm sao để thế hệ con em đồng bào người Chứt được học đàn, kế thừa tiếng đàn, tiếng nói của dân tộc mình. Làm sao để tiếng đàn này được tiếp nối mãi mãi, vì đây là một bản sắc rất riêng biệt của đồng bào người Chứt.”

Ông Nguyễn Xuân Mận, Bí thư Chi bộ bản Rào Tre

Người giữ hồn đàn Chư ra bon giữa đại ngàn Hà Tĩnh- Ảnh 5.

Đồng bào dân tộc Chứt vốn là nhóm cư dân thiểu số có dân số rất ít, từng sống biệt lập trong rừng sâu với tập quán du canh du cư, săn bắt hái lượm, đời sống hết sức khó khăn và lạc hậu. Năm 1991, nhờ sự phát hiện và vận động của bộ đội biên phòng, người Chứt đã chuyển về định cư tại bản Rào Tre. Bản làng nằm ở thượng nguồn sông Ngàn Sâu - nơi núi rừng trập trùng bao bọc - đã mở ra một hành trình mới cho cộng đồng Chứt, giúp họ từng bước tiếp cận với y tế, giáo dục, sản xuất nông nghiệp và hòa nhập vào cuộc sống hiện đại.

Gia đình bà Hồ Thị Lỉnh cũng nằm trong hành trình đổi thay đó. Dù đến nay cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng bà và người dân trong bản luôn nhận được sự quan tâm từ các cấp chính quyền. Những chính sách hỗ trợ như cấp bò giống, lúa giống, hỗ trợ cấy lúa, đào tạo nghề... đã góp phần ổn định đời sống, tạo thêm sinh kế cho người dân.

Người giữ hồn đàn Chư ra bon giữa đại ngàn Hà Tĩnh- Ảnh 6.

Ông Nguyễn Xuân Mận, Bí thư Chi bộ bản Rào Tre trao đổi với nghệ nhân Hồ Thị Lỉnh về việc bảo tồn tiếng đàn Chư ra bon.

Tuy nhiên, đối với bà Lỉnh, động lực lớn nhất để gắn bó với bản làng không chỉ nằm ở vật chất, mà chính là bởi tình yêu với cây đàn Chư ra bon – nhạc cụ truyền thống gắn bó với linh hồn của người Chứt. Trong bối cảnh đó, Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia được kỳ vọng như một điểm sáng. Không chỉ tập trung vào công tác bình đẳng giới, Dự án 8 còn hỗ trợ bảo tồn văn hóa truyền thống, tăng cường vai trò và sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số trong các hoạt động cộng đồng

Việc truyền dạy tiếng đàn Chư ra bon cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các em gái người Chứt, không chỉ giúp giữ gìn một nét văn hóa đang dần phai nhạt mà còn là cách trao quyền cho phụ nữ, giúp họ tự tin, vươn lên, tham gia vào các hoạt động xã hội và văn hóa. Đây cũng là hướng đi bền vững để đưa bản sắc dân tộc hòa quyện trong đời sống đương đại, thay vì chỉ nằm trong ký ức của những người già.

Người giữ hồn đàn Chư ra bon giữa đại ngàn Hà Tĩnh- Ảnh 7.

Tiếng đàn Chư ra bon – thứ âm thanh giản dị từ tre nứa – giờ đây đã trở thành biểu tượng của ký ức, của lòng biết ơn và của khát vọng bảo tồn văn hóa. Phía sau bà Hồ Thị Lỉnh là cả cộng đồng đang thức tỉnh ý thức gìn giữ, là những chính sách mang tầm nhìn dài hạn và là niềm tin rằng tiếng đàn ấy sẽ tiếp tục ngân vang giữa đại ngàn Trường Sơn – như linh hồn sống động của văn hóa Chứt.

Thực hiện: Trường Hùng

10/06/2025 14:45