Gần 10 năm qua, chị Hạnh đã miệt mài gieo những hạt mầm tri thức vào tâm hồn hai cậu con trai nhỏ: Đỗ Đình Anh Phúc (SN 2016) và Đỗ Đức Khoa (SN 2017), hiện đang là học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tô Hiệu (xã Nghĩa Trụ, Hưng Yên), biến việc đọc sách và tìm hiểu lịch sử trở thành niềm đam mê tự nhiên, lớn lên cùng các con mỗi ngày.
Tuổi thơ của chị Đinh Vũ Hoàng Hạnh trôi qua giữa những năm tháng chắt chiu của thập niên 80. Khi cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, với nhiều gia đình sách là món đồ xa xỉ, thì trong ngôi nhà nhỏ của chị, sách được nâng niu như một món quà quý giá. "Phần thưởng tuổi thơ của tôi ngoài kẹo bánh thì có một thứ bố mẹ luôn chú trọng, đó là sách", chị Hạnh bồi hồi nhớ lại. Những cuốn sách như "Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn" hay"Bác sĩ Ai-bô-lít" từng là cả một kho báu đối với cô bé Hạnh ngày ấy.
Chị Đinh Vũ Hoàng Hạnh kiên trì gần 10 năm gieo mầm đam mê đọc sách và tình yêu lịch sử cho 2 con trai.
Dù thu nhập khiêm tốn, nhưng cũng là những người ham đọc sách nên cha mẹ chị vẫn luôn dành tiền để mua sách cho con. Bằng sự chắt chiu thầm lặng ấy, chị lớn lên trong thế giới đậm đặc chữ nghĩa, nơi mỗi cuốn sách không chỉ đem đến kiến thức mà còn chứa đựng cả tình yêu, niềm tin và khát vọng.
Cũng từ những ký ức về tuổi thơ được làm bạn với sách, cùng với nhận thức được hoàn thiện hơn theo từng bước trưởng thành, thấu hiểu giá trị của việc đọc sách, chị đã luôn tâm niệm một điều: "Sau này làm mẹ, nhất định mình sẽ cùng con sống trong thế giới của sách".
Vì thế, khi con trai đầu lòng – bé Đỗ Đình Anh Phúc – chào đời, sách đã hiện diện như một người bạn thân thiết bên cạnh bé. Chị đọc thơ ru con ngủ, để con cầm nắm những cuốn sách như một món đồ chơi đầu tiên. Khi Phúc bắt đầu biết nhìn tranh, biết chỉ tay vào hình ảnh, chị cùng con gọi tên những con vật, ghép chữ hay tưởng tượng những cái kết khác nhau cho câu chuyện. Con trai thứ hai – Đỗ Đức Khoa – cũng bước vào hành trình ấy một cách tự nhiên, như thể tình yêu sách đã chảy trong huyết quản của gia đình từ những ngày đầu các con còn chưa biết đọc.
Từ những bước khởi đầu đó, chị Hạnh dần mở rộng thế giới đọc của các con bằng cách chọn sách phù hợp với lứa tuổi và cảm xúc. Những cuốn mang tính vỗ về như "Mẹ yêu con" (Nhã Nam), hay tác phẩm đầy nhân văn như "Heidi" (NXB Phụ nữ Việt Nam) - nơi con người sống chan hòa với nhau và với thiên nhiên - đều được mẹ con chị đọc đi đọc lại trong không gian ấm áp.
Khi lớn hơn, sở thích đọc của các con cũng bắt đầu rõ nét: Anh Phúc say mê văn học, thích những câu chuyện giàu trí tưởng tượng như: "Dế Mèn phiêu lưu ký" (Tô Hoài), "Kính vạn hoa" (Nguyễn Nhật Ánh), "Không gia đình" (Hector Malot),"Búp Sen Xanh" (Sơn Tùng)…; trong khi Đức Khoa lại đặc biệt hứng thú với các đề tài về khoa học, thiên nhiên và lịch sử.
Hai anh em Anh Phúc - Đức Khoa cùng nhau đọc tác phẩm Heidi (Johanna Spyri) – một ấn phẩm do NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành, năm 2023.
Việc đọc sách không chỉ diễn ra ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày, mà còn gần như trở thành một "nghi thức gia đình" vào mỗi tối – từ khoảng 9h kém đến 9h30 – trước giờ đi ngủ. Đó là khoảng thời gian ba mẹ con cùng đọc, cùng thảo luận, hoặc chơi các trò chơi liên quan đến sách. Đối với chị, đây không chỉ là thời gian truyền tri thức mà còn là lúc lắng nghe và thấu hiểu tâm hồn con trẻ.
Để tạo thêm hứng thú cho các con, cũng như để việc đọc trở nên sống động và gắn kết với thực tế, chị thường xuyên đưa các con đến các buổi ra mắt sách, những sự kiện đọc sách cộng đồng, các câu lạc bộ đọc sách hoặc đơn giản là những buổi dạo chơi trong nhà sách. Tại đó, các con được gặp gỡ tác giả, dịch giả, được tự tay chọn sách và khám phá thế giới tri thức từ nhiều chiều – một cách học tự nhiên, đầy cảm hứng.
Hai anh em Anh Phúc - Đức Khoa trong một buổi dạo chơi nhà sách cùng mẹ.
Chị Hạnh thường đưa các con tới nhà sách, sự kiện ra mắt sách và hoạt động đọc cộng đồng để tăng hứng thú và gắn kết thực tế.
Không chỉ đọc sách, vợ chồng chị còn tích lũy sách như thể muốn gom góp những hạt giống tri thức cho tương lai. "Tôi có thói quen mua sách hơi… hoang phí. Vì sợ sau này muốn đọc lại không mua được, nên nếu có cuốn sách nào mới ra mà tôi thấy hứng thú, thấy phù hợp hoặc hữu ích là tôi mua ngay. Có thể chưa đọc đến ngay, nhưng biết đâu một ngày nào đó tôi hoặc các con tôi sẽ cần", chị Hạnh chia sẻ.
Ngoài ra, khi các con bắt đầu đi học, tôi cũng rất chú ý mua những cuốn sách mà các con được đọc, được học trong chương trình ở nhà trường. Tôi muốn không chỉ là một trích đoạn, các con cần được đọc toàn bộ tác phẩm, tìm hiểu sâu hơn về tác giả để việc lĩnh hội kiến thức, thu nạp tri thức được tốt hơn. Cho nên, chúng tôi thường chi tiêu khá nhiều tiền vào việc mua sách, bù lại là cảm giác rất thư thái mỗi khi ngắm nhìn khối gia tài đó của mình".
Chị Đinh Vũ Hoàng Hạnh
Tất cả những điều ấy - từ cách đọc, cách sống, đến cách gìn giữ sách – đã được chị Hạnh duy trì bền bỉ suốt gần 1 thập kỷ, để hai con được lớn lên trong một không gian đậm đặc sách, đậm đặc yêu thương.
Chủ đề về lịch sử luôn là một trong những nội dung mà chị Hạnh đặc biệt chú trọng khi cùng con đọc sách. Ngay từ khi các con còn rất nhỏ, chị đã bắt đầu gieo vào tâm hồn con những mầm hiểu biết đầu tiên về lịch sử – không chỉ qua sách vở, mà còn bằng những câu chuyện gần gũi trong chính gia đình mình. Dành nhiều thời gian tìm hiểu các tài liệu về phương pháp nuôi dạy con và việc đồng hành cùng con trong những năm tháng đầu đời, có một quan điểm khiến chị đặc biệt tâm đắc, đó là: để học lịch sử, để yêu lịch sử, trước hết hãy bắt đầu từ chính "lịch sử" của gia đình.
Với chị, tìm hiểu lịch sử không chỉ là tìm hiểu về những mốc thời gian xa xôi hay những sự kiện được ghi chép trong sách vở, mà trước tiên là cần tìm hiểu về tổ tiên, ông bà, bố mẹ của mình. Có thể là những người thân yêu đã từng trải qua chiến tranh, đói nghèo, những mất mát không thể gọi tên. Những câu chuyện đã qua, dù người kể có thể không còn, nhưng ký ức thì vẫn sống mãi – như những lời thầm thì của quá khứ, dạy ta biết trân trọng cội nguồn. Chính điều đó, theo chị Hạnh, là nền tảng để gieo vào con trẻ lòng biết ơn, niềm tự hào và sự rung cảm sâu sắc- những điều không thể có được chỉ bằng những bài học trên lớp.
Bé Đức Khoa chăm chú đọc sách về chiến thắng Điện Biên Phủ (1954). Đây là những cuốn sách được mẹ lựa chọn kỹ lưỡng, dựa trên đề xuất và mong muốn tìm hiểu lịch sử của chính bé.
Gia đình bên ngoại của chị Hạnh có một người bác ruột là liệt sĩ. Đó là liệt sĩ Hoàng Đình Dương, từng là sinh viên trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) - người đã tình nguyện rời giảng đường khi mới là chàng sinh viên năm thứ 3 để lên đường nhập ngũ, tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và anh dũng hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1972.
Những câu chuyện về người bác đã nằm lại nơi đất lửa, cùng hình ảnh ông ngoại lặng lẽ ngồi bên hiên nhà, mắt hướng về nghĩa trang liệt sĩ với một nỗi đau không lời - đã ăn sâu vào ký ức của chị. Chính những trải nghiệm đó đã thôi thúc chị đọc, tìm hiểu và truyền lại cho các con những câu chuyện lịch sử bằng cả trái tim.
Chị Hạnh không chọn cách áp đặt mà âm thầm dẫn dắt các con đến với lịch sử bằng những hành động giản dị, gần gũi: đưa các con đến thăm khu di tích Cổ Loa (Hà Nội) kể về An Dương Vương, Cao Lỗ, đọc thơ về Mị Châu… Rồi những câu chuyện về Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, Phạm Ngũ Lão đâm đùi, Chu Văn An dâng sớ chém nịnh thần… cũng lần lượt được chị kể lại bằng sự hào hứng, bằng lời giải thích dễ hiểu để khơi gợi trí tưởng tượng và lòng cảm phục nơi con trẻ.
Không gò ép, không bắt buộc - chị lựa chọn sách theo sở thích, độ tuổi và cảm xúc của từng con. Bởi với chị, lịch sử nếu được kể bằng cảm xúc chân thành, bằng trải nghiệm thật và bằng niềm tự hào sâu sắc về cội nguồn, thì sẽ không còn là những trang sách khô khan, khó nhớ. Thay vào đó, nó trở thành một phần tự nhiên trong nhận thức, trong cảm xúc và trong cả hành trình lớn lên của con trẻ.
Niềm tin ấy càng được củng cố vào tháng 7 năm nay, nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), chị Hạnh đưa các con đến tham dự buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách "Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba" tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đối với chị, đây không chỉ là một sự kiện văn hóa, mà là dịp để gieo vào tâm hồn các con những mầm mống đầu đời về lòng yêu nước, biết ơn và khát vọng sống tử tế.
Đối với các con đang là học sinh tiểu học, đây là một cuốn sách không dễ đọc. Nên ngay từ đầu, chị Hạnh không đặt kỳ vọng con phải đọc hết, hiểu hết từng chi tiết. Thay vào đó, chị chọn đọc cùng con những đoạn trích gần gũi, chân thực và dễ chạm tới cảm xúc trẻ thơ: cảnh bà Đặng Kim Trâm (em gái liệt sĩ Đặng Thùy Trâm) chém rắn giữa rừng hoang để tự vệ, chuyện mò cua bắt ốc, tự tay làm đồ chơi nơi sơ tán... Những hình ảnh sinh động ấy khiến đã các bạn nhỏ bật cười, thích thú.
Hay đoạn viết về việc gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm nhận tin con hy sinh, không thể đọc tiếp vì quá xúc động, chị đã "nhờ" con đọc giúp, cũng là để các con trực tiếp đọc cuốn sách một cách tự nhiên. Bạn nhỏ đọc xong cũng lặng im hồi lâu rồi thì thầm: "Mẹ ơi, con thấy thương gia đình bà Đặng Thùy Trâm quá". Để giúp con ghi nhớ và hiểu sâu hơn, chị Hạnh còn nghĩ ra trò chơi nhỏ: cùng con vẽ sơ đồ gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm – để vừa theo dõi mạch truyện, vừa kết nối giữa nhân vật và bối cảnh lịch sử.
Biết các con là những em bé tò mò, ưa tìm hiểu, chị Hạnh tiếp tục gợi ý cho các con biết về một bộ phim có tên "Đừng đốt" - tác phẩm điện ảnh cảm động được xây dựng từ chính cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Và quả đúng như dự đoán, hai bạn nhỏ nói muốn được cùng mẹ xem phim. Ban đầu, chị cũng khá lo lắng khi các con còn nhỏ tuổi và có thể sẽ bị ám ảnh bởi những cảnh chiến tranh, mất mát.
Nhưng thấy con chăm chú và rất nghiêm túc, chị cũng yên tâm. Sau buổi xem, chị hỏi thì bạn lớn quay sang nói nhỏ: "Con ám ảnh thật mẹ ạ, nhưng phim hay lắm, con thích xem". Và chính những ám ảnh "đẹp" ấy, theo chị, lại là minh chứng sâu sắc rằng: lịch sử khi chạm được tới trái tim, sẽ ở lại rất lâu.
Từ những cảm xúc ấy, hai anh em Phúc và Khoa đã tự tay vẽ tranh về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và bà Đặng Kim Trâm, em gái liệt sĩ - rồi đến tặng tại buổi giao lưu như một cách bày tỏ lòng biết ơn. Chị nhẹ nhàng chia sẻ: "Tôi không kỳ vọng các con hiểu hết lịch sử. Nhưng nếu các con xúc động, nhớ và trân trọng - thế là đủ rồi".
Với chị Hạnh, việc đọc sách, đặc biệt là những dòng sách viết về con người và lịch sử, chưa bao giờ dừng lại ở mục tiêu truyền đạt kiến thức. Đó còn là cách gieo vào tâm hồn trẻ thơ những hạt giống của lòng biết ơn, sự đồng cảm, tinh thần trách nhiệm và niềm tự hào với cội nguồn – những giá trị nền tảng để các con lớn lên, trở thành người tử tế.
Hai anh em Anh Phúc - Đức Khoa tự tay vẽ chân dung liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm và sơ đồ gia đình liệt sĩ.
Hành trình gần 10 năm gieo mầm tri thức và tình yêu lịch sử của chị Đinh Vũ Hoàng Hạnh đã và đang đơm hoa kết trái. Hai cậu con trai của chị không chỉ là những cậu bé ham học, yêu sách mà còn là những mầm non tri thức, mang trong mình tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc. Anh Phúc và Đức Khoa đã chứng minh rằng, trong thời đại công nghệ số, sách vở và lịch sử vẫn có một vị trí không thể thay thế trong việc hình thành nhân cách và bồi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.
Chị Hạnh chia sẻ: "Đọc sách không chỉ để biết, mà còn là để sống tốt hơn, hiểu nhau hơn. Tôi đọc để đồng hành cùng con, để hiểu con đang nghĩ gì, yêu thích hay lo sợ điều gì, để từ đó nuôi con bằng tình yêu và sự tin tưởng". Việc đọc sách cũng giúp chị hiểu được sự trưởng thành trong suy nghĩ của các con.
Hai cậu con trai giờ đây không chỉ say mê đọc sách mà còn tự tin chia sẻ những điều mình biết trong lớp học. Cậu anh yêu văn học, đã bắt đầu tự viết những câu chuyện đầu tiên. Cậu em say mê thiên nhiên, sáng tác truyện về rừng xanh, về những sinh vật và thế giới cậu tưởng tượng ra. Các con kể về rừng Amazon, giới thiệu những cuốn sách mình yêu thích cho bạn bè.
Khi đã có tri thức tích lũy từ sách, các con trở nên mạnh dạn hơn, biết cách diễn đạt suy nghĩ và tham gia thảo luận sâu sắc hơn. Đặc biệt là khi nói về những cuốn sách hay những vùng đất mà các con từng đọc, từng khám phá qua trang sách.
Chị Hạnh nói: "Có thể sau này các con tôi không phải là những người thành đạt, nhưng nếu trở thành người tử tế, hiểu biết, có lòng biết ơn và sống có trách nhiệm thì đó đã là thành công rồi". Chị tin rằng, việc dành thời gian cho con là bắt buộc nếu muốn con hình thành được những giá trị tích cực. Chị Hạnh và chồng cũng là người yêu sách, luôn sát cánh với nhau trong hành trình này.
Trong tháng 7 tri ân này, khi cả nước tưởng nhớ 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, câu chuyện nhỏ của một người mẹ trở thành lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc: Yêu nước không phải những điều lớn lao xa xôi, mà bắt đầu từ việc biết nhớ, biết trân trọng, biết tri ân những người đã hy sinh – như chính cách chị Hạnh đang dạy các con mình mỗi ngày, qua từng trang sách.
Chị Đinh Vũ Hoàng Hạnh hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cha mẹ Đồ Sơn đọc sách cùng con (còn gọi CLB Búp Trà Xinh), thành lập từ tháng 4/2022. Câu lạc bộ quy tụ các gia đình yêu đọc sách, mong muốn đồng hành cùng con qua sách và trải nghiệm thực tế. Mỗi tháng sinh hoạt một lần, các buổi đọc sách được tổ chức ngoài trời, kết hợp với hoạt động gắn với nội dung sách như bảo vệ môi trường, tìm hiểu thiên nhiên, vẽ tranh, thăm các địa danh lịch sử…
Qua hơn 3 năm hoạt động, CLB đã tổ chức 36 buổi đọc sách, nhiều chuyến đi trải nghiệm và nhận được sự đồng hành của các tác giả, họa sĩ, đơn vị xuất bản uy tín. Năm 2025, CLB dự kiến tiếp tục duy trì hoạt động định kỳ, tổ chức “Chuyến đi mùa hè”, đồng hành với dự án “Tủ sách Nuôi em” và khởi động sáng tác “Khi trẻ là tác giả”.