"Hello Mù Cang Chải"
La Pán Tẩn là một xã vùng cao thuộc huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái). La Pán Tẩn từng là một xã nghèo, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, La Pán Tẩn sở hữu bức tranh thiên nhiên cực kỳ đẹp với ruộng bậc thang, với núi đồi cao chót vót và nét văn hóa bản địa của đồng bào người Mông.
Nhận thấy quê hương có tiềm năng phát triển du lịch, vợ chồng chị Vàng Thị Lỳ (dân tộc Mông, xã La Pán Tẩn) đã nung nấu hoài bão làm du lịch homestay. "Ước mơ làm du lịch homestay của mình là tình cờ, cơ duyên một lần gặp được người nhà nói chuyện và giới thiệu việc làm du lịch homestay. Điều đó đã gợi cho tôi sự phấn khích, tò mò và quyết tâm theo học. Mình đã bắt đầu có ý thức học từ cách nấu ăn, giao tiếp với khách, tổ chức tour… Càng làm lại càng đam mê với cách làm du lịch homestay", chị Lỳ chia sẻ.
Sau khi bàn tính, năm 2017, vợ chồng chị quyết định nghỉ việc bắt đầu xây dựng cơ sở homestay.
Tuy nhiên, cái khó nhất với chị là vốn. Bởi xây dụng homestay cần số tiền lớn, trong khi vợ chồng chị chẳng có bao nhiêu. Biết được mong muốn của chị, Hội Phụ nữ xã đã tư vấn, hỗ trợ vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện được 50 triệu đồng. Sau đó, vợ chị thuyết phục gia đình đổi mảnh đất màu mỡ lấy mảnh đất rộng hơn nhưng cằn khô để đủ diện tích xây dựng Homestay.
Ngày đầu mọi thứ vô cùng khó khăn, trước hết là huy động vốn, vay mượn cả hai bên nội, ngoại, người thân và vay ngân hàng… được hơn 500 triệu đồng cho khởi nghiệp "Hello Mù Cang Chải". Vừa làm vừa hoàn thiện, vừa tháo gỡ khó khăn, tiền thiếu thì vay tín chấp sổ đỏ cho Ngân hàng. Thấy vợ chồng chị quyết tâm, họ hàng, bạn bè bắt đầu ủng hộ cho vay mượn thêm vốn. Có lúc bí quá chị đã phải liều vay lãi ngoài cao ngất ngưởng.
Sau một thời gian xây dựng, homestay "Hello Mù Cang Chải" của vợ chồng chị ra đời ngay trên đỉnh đồi ở độ cao trên 1.000m. Với địa thế này, du khách có thể thỏa thích ngắm nhìn La Pán Tẩn, một kiệt tác thiên nhiên đẹp mê hồn, hùng vĩ với những ruộng bậc thang lên đến tận trời cao; thấy được cuộc sống của người dân địa phương.
Chị bảo, homestay của mình đón nhiều khách du lịch quốc tế nên cần phải biết tiếng Anh. Tuy nhiên, vợ chồng chị vốn là đồng bào dân tộc, nên học tiếng Anh là một vấn đề. Thế là, chị đi thị xã Sa Pa (Lào Cai) vừa làm phục vụ nhà hàng và học tiếng Anh.
Trong 5 tháng học và làm phục vụ ở Sa Pa, có những lúc chị cũng muốn bỏ cuộc vì xa chồng, xa con. Hơn nữa, môi trường ở đó phần lớn không nói tiếng Việt, chỉ nói tiếng Anh nên cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, chị muốn quảng bá hình ảnh của Mù Cang Chải. Muốn đưa khách nước ngoài đi đây, đi đó để giới thiệu cho khách về cảnh quan, văn hóa của dân tộc Mông ở La Pán Tẩn nên lại cố gắng. Sau 5 tháng nỗ lực, chị đã có thể sử dụng tiếng Anh để giao tiếp.
Để quảng bá văn hóa bản địa, vợ chồng chị tích cực tuyên truyền, vận động, chia sẻ với chị em trong xã và các xã bạn về phát triển du lịch. Chị đã liên kết với một số hộ gia đình làm các sản phẩm thổ cẩm cho khách du lịch, tổ chức thành công cho khách du lịch trải nghiệm cuộc sống của người Mông. Vì thế, du khách đến homestay không chỉ được ngắm cảnh quan, mà còn được tham gia vào các sản phẩm du lịch độc đáo như việc nấu ăn, dạy tiếng Anh cho trẻ em trong bản, bắt cá suối, cày ruộng, cấy lúa.
"Trên bản làng, bà con làm gì thì du khách làm đúng như thế. Từ đó họ hiểu ra rằng cuộc sống ở đây như vậy. Khi quay về thì họ đánh giá được chân thật nhất về văn hóa, phong tục tập quán về nơi họ đã đặt chân đến", chị Lỳ chia sẻ.
Tạo việc làm cho lao động địa phương
Năm 2018, Homestay "Hello Mù Cang Chải" chính thức đưa vào hoạt động, đón trên 350 lượt khách với doanh thu trên 180 triệu đồng. Năm 2019, đón trên 600 lượt khách với doanh thu trên 250 triệu đồng. Năm 2020, trong điều kiện thích ứng với dịch bệnh Covid-19, Homestay được nâng cấp lên Doanh nghiệp "Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải" với câu slogan "Đi là thích - đến là mê", doanh thu đạt trên 250 triệu đồng. Công ty không những có homestay với 5 phòng đôi, 8 phòng riêng mà còn mở thành công một văn phòng tour tại trung tâm huyện, thiết kế và vận hành 15 tour du lịch trong huyện. Đặc biệt, chị đã mở và vận hành thành công tour leo núi tháp trời nối liền giữa thung lũng Cao Phạ và La Pán Tẩn.
Ngoài Homestay, chị Lỳ mong muốn người dân quê hương có việc làm tăng thu nhập, con em được đi học. Do đó, vợ chồng chị lập ra tổ hợp tác du lịch, liên kết các hộ kinh doanh homestay cùng phát triển. Chị cùng với người dân tham gia thiết kế đường leo núi, làm các dịch vụ vận chuyển đồ, hậu cần, phục vụ khách, trải nghiệm sinh hoạt cùng bà con trong bản.
Hiện tại, vợ chồng chị cũng đã tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 2 lao động thời vụ; giúp đỡ, hướng dẫn 7 người trở thành hướng dẫn viên du lịch địa phương; liên kết với 13 người làm xe ôm, 14 hộ mở thành công tour du lịch leo núi tháp trời cũng như liên kết với nhiều công ty du lịch để quảng bá về homestay của gia đình và du lịch địa phương.
Chị bảo, làm việc với du khách nước ngoài tiếng Anh là quan trọng nhất. Vì thế, vợ chồng chị vẫn tiếp tục học để nâng cao kỹ năng nghe, nói, đọc viết tiếng Anh. Ngoài ra, chị còn tổ chức các lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các bạn trẻ trong xã. Nhờ đó, nhiều người đã nói tiếng Anh khá lưu loát. Đến nay, công ty của gia đình chị đã 7 hướng dẫn viên tiếng Anh.
Em Lý Thị Cây (xã La Pán Tẩn) cho biết: "Ở đây có khá nhiều người nghỉ học xong đi lấy chồng, nhưng đối với cháu thì học thêm để hiểu biết nhiều hơn. Cháu thích học tiếng Anh bởi vì muốn cho người nước ngoài hiểu về văn hóa của mình hơn.
Thời gian tới, vợ chồng chị sẽ tiếp tục mở rộng các dịch vụ để thu hút ngày càng nhiều du khách đến trải nghiệm, nhất là khi ruộng bậc thang vào mùa nước đổ, mùa vàng. Từ đó, tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập cho bà con.
Mô hình du lịch cộng đồng thu hút hội viên, phụ nữ
Năm 2021, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 28, ngày 24/2/2021 về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư, hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển du lịch cho huyện Mù Cang Chải như: khuyến khích hội viên phụ nữ khai hoang ruộng bậc thang góp phần vào Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo để phát triển du lịch.
Bà Sùng Thị Mỷ, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mù Cang Chải cho biết, tranh thủ các nguồn lực, cũng như thtuwjc hiện Ngị quyết số 28, Hội LHPN huyện đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động hội viên tham gia phát triển về du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương. Hội cũng tổ chức tập huấn hoặc cử chị em đi học tập thực tế tại các địa phương có mô hình du lịch cộng đồng hiệu quả, chuyên nghiệp để học hỏi.
Sự quan tâm, thúc đẩy của tổ chức Hội đã khơi dậy tinh thần, khát vọng vươn lên của nhiều chị em phụ nữ. Đến nay, nhiều chị em mạnh dạn chuyển từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt sang mô hình nhà nghỉ cộng đồng.
Nhiều homestay do hội viên phụ nữ làm chủ bước đầu đã có kết quả và thu nhập tương đối ổn định như homestay của gia đình chị Lương Thị Pỏm (tổ 5, thị trấn Mù Cang Chải); chị Vàng Thị Panh, chị Hà Thị Địa xã Cao Phạ,... Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tăng cường vận động hội viên phụ nữ tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của huyện vào phát triển du lịch; nghiên cứu, tổ chức các lớp học tiếng Anh, tiếng Trung cho hội viên để có thể giao tiếp được với du khách.
Đồng thời, tranh thủ các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước nâng cao và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của hội viên phụ nữ trong huyện; tham gia rà soát, xây dựng mới, tôn tạo các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh để phục vụ cho phát triển du lịch; khuyến khích các tập thể, cá nhân có sáng kiến, kinh nghiệm áp dụng vào thực tiễn để giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn, nhằm nâng cao chất lượng du lịch huyện Mù Cang Chải, bà Mỷ chia sẻ.