Người phụ nữ Khmer truyền cảm hứng cho mô hình trồng rau an toàn

27/12/2018 - 14:57
Chị Quách Thị Út là tổ trưởng của tổ trồng rau an toàn với 32 thành viên, trong đó có nhiều người không biết chữ. Chị không chỉ hỗ trợ chị em trồng trọt theo tiêu chuẩn an toàn mà có nhiều nghiên cứu, sáng tạo, trồng nhiều loại rau mới thích ứng với biến đổi khí hậu, cho năng suất cao.

Từng khó khăn, lúng túng trong tìm hướng đi cho rau an toàn

 

Chị là Quách Thị Út (SN 1960), hiện là Tổ trưởng Tổ Hợp tác trồng rau an toàn xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

 

Chị Út sinh ra và lớn lên tại xã An Quảng Hữu – một xã ven biển đặc biệt khó khăn. Cũng giống như các cô gái Khmer khác trong xã, chị chỉ được theo học hết lớp 6 thì nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình rồi lấy chồng và sinh con. Cuộc sống của chị và người dân trong xã vốn khó khăn với nghề trồng lúa, rau màu và chăn nuôi nhỏ lẻ. Cho đến những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường khiến năng suất cây trồng bị giảm, đời sống của người dân lại càng khó khăn hơn.

 

Năm 2009, nhận thấy nhu cầu về rau an toàn của người dân ngày một cao hơn, Ban Chấp hành Hội LHPN xã đã chỉ đạo thành lập Tổ hợp tác trồng rau an toàn tại ấp Phố, xã An Quảng Hữu. Chị Út cùng 32 thành viên đăng ký tham gia.

 

Từ khi thành lập cho đến cuối 2016, tổ vẫn duy trì mô hình trồng rau an toàn tuy nhiên, chị Út và các chị em trong tổ từng gặp không ít khó khăn, hạn chế bởi sự ảnh hưởng thất thường của thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, môi trường và phong tục tập quán của địa phương, vẫn phải sử dụng các loại phân bón thông dụng, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, không kiểm soát được chất lượng, an toàn của sản phẩm, chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, thu nhập thấp…

 

Nhiều sáng tạo trong vai trò trưởng nhóm

 

Đầu năm 2017, TW Hội LHPN Việt Nam đã chọn Tổ Hợp tác trồng rau an toàn xã An Quảng Hữu để triển khai Đề tài Khoa học “Dự án thử nghiệm mở rộng mô hình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ DTTS tỉnh Trà Vinh thích ứng với biến đổi khí hậu”. Có 10 thành viên (từ Tổ hợp tác cũ, trong đó có chị Út) tham gia thử nghiệm, được hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật trồng mới thích ứng với biến đổi khí hậu trên diện tích ban đầu là 5.000m2…

 

Ngay từ khi bắt đầu tham gia Dự án, chị Út rất tích cực tham gia các buổi tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn, lựa chọn thêm các giống rau phù hợp với đất trồng của mình từ đó tự đề xuất những giải pháp phát triển mô hình phù hợp với điều kiện, trình độ sản xuất, khí hậu, môi trường, tập quán canh tác, tri thức bản địa của phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương; giảm nhẹ rủi ro và tăng thu nhập...

 

Trong quá trình thử nghiệm, các cán bộ kỹ thuật từng gặp không ít khó khăn do trình độ của các thành viên của tổ hạn chế, ngôn ngữ bất đồng, nhiều chị không thông thạo, viết tiếng phổ thông, không thể ghi chép thông tin từ cán bộ kỹ thuật… Để hỗ trợ cán bộ và chị em, chị Út - trong vai trò trưởng nhóm - đã cẩn thận ghi chép và trực tiếp thực hành nhiều lần sau đó phiên dịch, hướng dẫn lại tận tình, chuẩn xác cho chị em…

img_20181226_113252.jpg
Chị Quách Thị Út thường thử nghiệm các kỹ thuật nhiều lần tại mảnh vườn nhà mình sau đó sẽ hướng dẫn lại cho các chị em....
img_20181226_113214.jpg
 

Trong các buổi sinh hoạt định kỳ vào cuối tháng của nhóm, chị là người tận tình hướng dẫn chị em lập kế hoạch sản xuất, phân công hộ gieo trồng theo chủng loại rau, quyết định thời điểm thu hoạch để rau bán được giá cao nhất; hướng dẫn cách xen canh gối vụ; cách tập hợp, kiểm soát thông tin về doanh thu, chi phí của từng hộ trồng rau một cách khoa học, chính xác…

 

Về những lựa chọn liên quan đến các giống rau mới, lạ, nghịch mùa, cho năng suất, thu nhập cao… chị Út cho biết là mình rất chú trọng tìm tòi, học hỏi qua nhiều kênh thông tin như xem tivi, nghe đài, đọc báo sau đó chị lặn lội đi tìm mua giống ở Phòng Nông nghiệp huyện; Thậm chí, khi nghe được thông tin có giống rau mới ở Đà Lạt, chị cũng đã chủ động tìm cách nhờ người tìm mua hộ... Sau đó, chính chị là người trồng thử nghiệm trước (thậm chí là chấp nhận chịu lỗ cho đến khi thành công, có hiệu quả thì mới bắt đầu chuyển giao kỹ thuật cho chị em khác trong nhóm).

img_20180817_105538.jpg
Ngoài các loại rau đã trồng thường xuyên trước đây như: cải ngọt, cải xanh, xà lách, mồng tơi, hành hẹ… chị Út cùng thành viên trong tổ đã tự tin thử nghiệm một số loại rau “độc”, “lạ” có giá trị cao, được thị trường ưa chuộng như: rau xà lách xoăn, cải thảo, xà lách tím...
img_20180817_105600.jpg 

Về việc tuân thủ sản xuất rau an toàn, chị Út còn là người đi đầu trong việc đưa ra sáng kiến nuôi nhái để bắt sâu cho rau; diệt sâu bằng phương pháp sinh học (dùng tỏi, gừng ngâm ủ theo liều lượng và quy trình để phun tưới cho rau), không sử dụng thuốc trừ sâu, chỉ sử dụng ít phân bón hóa học ở giai đoạn đầu gieo trồng, tuân thủ đúng liều lượng, thời gian cách ly khi thu hoạch, sử dụng phân vi sinh…

img_20181226_113310.jpg
Các chị đã có sáng kiến nuôi nhái để bắt sâu cho rau...

Về hoạt động tiêu thụ, nhận thấy việc thương lái ép giá, dẫn đến giá bán thấp khi thu hoạch, chị Út có sáng tạo trong việc hỗ trợ 6 thành viên trong mô hình đứng ra làm đầu mối thu mua rau của các thành viên trong tổ để bán lẻ, giúp việc tiêu thụ tốt hơn, giữ được chữ tín với khách hàng, cho thu nhập cao hơn… Ngoài ra, chị Út còn là người đứng ra ký hợp đồng với các nhà cung cấp giống, phân bón để nhận ưu đãi về giá cho các thành viên…

 

Kết quả, sau 2 năm thử nghiệm cùng nỗ lực với bản thân chị Út đã có được thành quả. Vườn trồng rau của gia đình chị đã có thể xen canh gối vụ được 10 vụ/năm với thu nhập trung bình khoảng 8-10 triệu/tháng (với các thành viên khác trong tổ thì bình quân 6-7 vụ/1 năm với thu nhập trung bình khoảng 5-7 triệu đồng/tháng).

 

So sánh với trồng rau, nuôi bò trước đây, chị Út cho biết: “Trước đó cả nhà chỉ có được khoảng đạt 5 triệu đồng/năm vì nuôi bò sinh sản thì 2 năm mới đẻ được 1 hoặc 2 con. Việc trồng rau an toàn đã cho thu nhập cao hơn trước nhiều, góp phần giảm dần hộ nghèo, giúp các hộ vươn lên thoát nghèo. Năm 2017, đã có 2/5 hộ tham gia mô hình là hộ cận nghèo thoát nghèo. Năm 2018, đã có 3/3 hộ cận nghèo còn lại thoát nghèo”…

2.jpg
Sản phẩm rau an toàn của tổ đưa ra thị trường và được đánh giá cao...
Theo chị Thạch Thị Sa Rane (ở ấp Phố, thành viên trong tổ trồng rau an toàn): “Trước đây tôi là hộ nghèo, gia đình khó khăn chỉ có 1.500m2 trồng lúa. Lúa chỉ làm 2 vụ không có năng suất không đủ chi tiêu nên vợ chồng tôi phải đi làm mướn mà ngày công thấp lắm. Tôi được chị Út vận động vào tổ trồng rau. Chị Út nói với tôi: Chị em mình cùng vươn lên thoát nghèo. Sau đó chị rất nhiệt tình, giúp đỡ tôi. Khi tham gia tập huấn kỹ thuật có những chỗ tôi không hiểu chị tới tận vườn rau của tôi để hướng dẫn… nên giờ vụ nào tôi trồng cũng được năng suất cao, lợi nhuận tăng gấp 3, 4 lần so với trước. Có được cuộc sống sung túc như hiện nay là nhờ có chị Út".

Hiện tại, kỹ thuật trồng rau an toàn sử dụng phân bón vi sinh đã được các thành viên trong mô hình, đặc biệt là chị Út phổ biến không chỉ cho toàn tổ hợp tác mà còn lan rộng, “truyền cảm hứng” phát triển sinh kế cho 22 chị em khác (không phải là thành viên của tổ thử nghiệm).

 

Mặc dù các chị em này không được hỗ trợ về giống, phân bón như các thành viên của tổ, nhưng rất tích cực học hỏi, tuân thủ, áp dụng theo lịch trồng cấy và chăm bón của mô hình… Từ diện tích 5.000m2 thử nghiệm ban đầu, 10 thành viên của tổ đã tự nguyện nhân thêm diện tích lên thành tổng 16.500m2 và cùng 22 chị ngoài tổ đã nâng tổng diện tích trồng rau an toàn ở đây lên 55.000m2. 

img_20181226_113202.jpg
 
Theo thông tin từ Hội LHPN xã An Quảng Hữu: "Sản phẩm của tổ chị Út cùng các chị em luôn được Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm tra định kỳ và luôn đạt theo tiêu chuẩn quy định về rau an toàn. Hiện mô hình trên đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên trong nhóm, góp phần đưa sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng và từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất trong từng hộ trồng màu ở địa phương theo hướng an toàn sinh học… Hội LHPN xã hiện cũng có chính sách tranh thủ nguồn vốn để đầu tư vào tổ trồng rau, mời kỹ sư nông nghiệp xuống tập huấn cho tổ và sẽ tiếp tục tranh thủ vốn để đầu tư cho chị em phụ nữ để tổ trồng rau an toàn ngày càng mở rộng về quy mô"...

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm