Người phụ nữ truyền cảm hứng cho nhiều chị em dân tộc thiểu số làm chủ kinh tế

An Khê
02/11/2023 - 10:00
Người phụ nữ truyền cảm hứng cho nhiều chị em dân tộc thiểu số làm chủ kinh tế
Từ một người phụ nữ nghèo người dân tộc Nùng sống ở thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, chị Lý Thị Niên (SN 1981) đã quyết tâm “thoát nghèo” bằng việc sản xuất và kinh doanh bún, phở thủ công. Quá trình vươn lên làm giàu của người phụ nữ dân tộc Nùng đã truyền cảm hứng cho nhiều chị em dân tộc thiểu số đứng lên làm chủ kinh tế.

Được biết, trước khi trở thành Giám đốc HTX bún phở Quỳnh Niên, chị là một phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Chị hãy chia sẻ câu chuyện vươn lên thoát nghèo của mình khi đó?

Trước kia, do gia đình nghèo nên tôi kết hôn sớm để mong thoát nghèo. Nhưng cuộc sống không hạnh phúc nên tôi ly hôn và ra đi với hai bàn tay trắng. Tài sản tôi mang theo là một con nhỏ 6 tuổi cùng gánh nợ 30 triệu đồng từ nhà chồng cũ. Lúc đó, tôi phải đi mua nợ từ cái nồi, cái bát để mở cửa hàng làm bánh cuốn bán đồ ăn sáng. Rồi tiền đi thuê nhà, tiền mua xe máy làm phương tiện đi lại. Cuộc sống vất vả cứ thế trôi đi, tôi luôn trăn trở làm thế nào để thoát nghèo, làm giàu và có tiền nuôi con ăn học.

Người phụ nữ dân tộc Nùng đã truyền cảm hứng cho nhiều chị em dân tộc thiểu số làm chủ kinh tế - Ảnh 1.

Chị Lý Thị Niên thoát nghèo bằng việc sản xuất và kinh doanh bún, phở thủ công

Quan sát hơn 1 năm, tôi nhận ra bà con địa phương trồng rất nhiều gạo bao thai, loại gạo rất phù hợp để làm bún phở đạt độ dai, ngọt do thổ nhưỡng và khí hậu đặc trưng của địa phương tạo nên. Vậy nhưng nhiều cửa hàng lại đi nhập bún, phở từ nơi khác, không rõ nguồn gốc về bán cho bà con và phục vụ các quán ăn sáng. Ý tưởng làm bún, phở của tôi xuất phát từ đó.

Chị đã bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình như thế nào?

Ban đầu tôi mua gạo bao thai của bà con về làm bánh, tráng bằng phương pháp thủ công phục vụ các quán xung quanh nhưng rất vất vả và không năng suất. Tôi đã tìm hiểu thêm và biết về máy tráng phở nhưng bất lực vì không có tiền để mua. Tôi đã "cầu cứu" bố mẹ đẻ. Thương tôi, bố mẹ đã lấy sổ đỏ căn nhà của gia đình đang ở để đứng tên vay ngân hàng giúp tôi một số tiền.

Trân trọng số tiền ấy, tôi đã tính toán kỹ để mua máy móc gia công hiện đại. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm, tôi đã làm hỏng mấy tấn gạo. Nhưng nghĩ nếu mình bỏ cuộc thì số nợ ngân hàng của gia đình sẽ không trả nổi, tôi đã cố gắng kiên trì vừa làm vừa nghiên cứu, thay đổi công thức. Cuối cùng tôi đã có thể làm ra sản phẩm bún, phở tươi ngon, đảm bảo chất lượng.

Người phụ nữ dân tộc Nùng đã truyền cảm hứng cho nhiều chị em dân tộc thiểu số làm chủ kinh tế - Ảnh 2.

Sản phẩm của chị đã được phân hạng và công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh

Làm ra sản phẩm rồi, chị có khó khăn trong việc tìm đầu ra không?

Có chứ, sau khi có sản phẩm tôi đã lặn lội đi chào hàng tại các quán trong và ngoài huyện, tặng cho khách hàng dùng thử. Rất may mắn là sản phẩm được đón nhận, khách đặt mua nhiều và truyền tai nhau đến mua.

Năm 2017, tôi đã mạnh dạn thành lập HTX bún phở Quỳnh Niên để đẩy mạnh phát triển kinh tế và quảng bá sản phẩm. Đồng thời vận động bà con góp vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Được bà con ủng hộ nhiệt tình, sau khi HTX được thành lập, chúng tôi đã sản xuất thêm nhiều sản phẩm khác như phở ngốt, phở khô, bún khô để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Sản phẩm được phân phối ở những cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị, đặc biệt là vào được hệ thống Big C. Đến năm 2019, sản phẩm Bún khô Quỳnh Niên và Phở khô Quỳnh Niên đã được phân hạng và công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2020 được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Người phụ nữ dân tộc Nùng đã truyền cảm hứng cho nhiều chị em dân tộc thiểu số làm chủ kinh tế - Ảnh 3.

Các sản phẩm của HTX đã có mặt tại nhiều hội chợ và các gia đình

Hiện nay doanh thu của HTX đạt như thế nào, thưa chị?

Những năm trước thì chưa nhiều, nhưng năm 2022 thì doanh thu đạt 1,7 tỷ đồng, tạo việc làm cho 5 lao động với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng. HTX có 15 thành viên và đa số là người dân tộc thiểu số, một số hộ nghèo. Ngoài ra, với nguyên liệu đầu vào là gạo bao thai ở địa phương, HTX cũng tạo cơ hội cho một số bà con nông dân có thu nhập từ lúa gạo. 

Tôi mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện để được kết nối, tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn.

Xin cảm ơn chị về những chia sẻ trên!


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm