Người phụ nữ xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động

Người xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái

Tại huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) khi nhắc đến bà Nguyễn Thị Bình (xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu) ai cũng cảm phục nghị lực phi thường của người phụ nữ nhỏ bé này. Bởi lẽ, những đóng góp của bà đã làm đổi thay cả một vùng quê nghèo, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.

 Người phụ nữ xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động  - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Bình, người phụ nữ đã làm thay đổi cả miền quê Phổng Lái

Bà Nguyễn Thị Bình cho biết, gốc gia đình ở Thái Bình. Những năm 1960, bố mẹ từ Thái Bình lên vùng đất Phổng Lái để khai hoang, lập nghiệp. Đến năm 1971, bà được sinh ra ở Phổng Lái và gắn bó với mảnh đất ở đây đến tận bây giờ.

 Người phụ nữ xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động  - Ảnh 3.

Đồi chè xanh mướt mắt, là vùng nguyên liệu ở Phổng Lái

Ngày từ khi còn nhỏ, cuộc sống của bà đã gắn liền với cây chè. Cũng vì thế, bà hiểu được những nỗi khó khăn, vất vả của người trồng chè ở gần nhà. Bà mong muốn góp sức mình để chia sẻ khó khăn với người dân trong bản, đồng thời tăng thu nhập cho bà con.

Nhận thấy điều kiện tự nhiên, khí hậu của xã Phổng Lái phù hợp với phát triển cây chè, sau khi khảo sát, nắm bắt nhu cầu thị trường, với sự hỗ trợ của Hội LHPN địa phương, năm 2013, bà đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Bình Thuận. Mục tiêu của HTX Bình Thuận là sản xuất chè, làm thương hiệu để cung cấp cho thị trường, góp phần nâng cao giá bán chè cho người dân địa phương.

 Người phụ nữ xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động  - Ảnh 4.

Người nông dân Phổng Lái thu hoạch chè

Ban đầu HTX chỉ sơ chế rồi tiến tới xuất khẩu sản phẩm chè thô sang thị trường Đài Loan thông qua một đơn vị trung gian. Tuy nhiên, chỉ được ít lâu, đơn vị trung gian gặp khó khăn, nên HTX cũng rất vất vả trong việc thu mua và bao tiêu sản phẩm chè cho bà con.

Trước tình hình đó, bà Bình cũng HTX đã quyết định thay đổi chiến lược. Theo đó, HTX Bình Thuận đã ứng dụng công nghệ cao và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình sản xuất chè. Đến năm 2019, HTX được cấp Giấy chứng nhận VIETGAP năm 2019, và giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

 Người phụ nữ xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động  - Ảnh 5.

Sản phẩm chè Trọng Nguyên- Phổng Lái Thuận Châu

Bà nhận thấy, sản phẩm chè làm ra không có thương hiệu, không có chỉ dẫn địa lý thì giá bán không cao, hơn nữa đối tác cũng e dè mỗi khi đặt hàng. Vì thế, ngoài chất lượng, HTX Bình Thuận đã chú trọng xây dựng thương hiệu chè của Phổng Lái. Năm 2018 HTX đã được UBND huyện Thuận Châu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể "Chè Phổng Lái - Thuận Châu" trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến cuối năm 2019, HTX đã xây dựng thành công thương hiệu "Chè Trọng Nguyên – Phổng Lái Thuận Châu".

 Người phụ nữ xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động  - Ảnh 6.

Trụ sở của HTX Bình Thuận

Sản phẩm chè của HTX được người tiêu dùng đón nhận. Hiện tại, sản phẩm chè của HTX Được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Đài Loan và Thái Lan. "Mỗi năm, tại thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 30 - 40 tấn chè Trọng Nguyên. Đặc biệt, thị trường Đài Loan tiêu thụ khoảng 500 - 600 tấn chè búp khô, tương đương gần 3.000 tấn chè búp tươi", bà Bình chia sẻ.

Cuối năm 2019, sản phẩm chè Phổng Lái - Thuận Châu của HTX đã được UBND tỉnh Sơn La chứng nhận là sản phẩm OCOP và đạt hạng sản phẩm 4 sao. Năm 2019, HTX được UBND tỉnh Sơn La cấp chứng nhận "Chè Trọng Nguyên – Phổng Lái Thuận Châu" là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Tháng 9/2020 sản phẩm Chè Trọng Nguyên - Phổng lái Thuận Châu được Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Chứng nhận là sản phẩm đạt danh hiệu "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019".

Ngoài tạo việc làm cho hội viên, HTX Bình Thuận đã liên kết sản xuất với 500 hộ nông dân ở các xã như Phổng Lái, xã Chiềng Pha, Xã Mường E (huyện Thuận Châu), giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương với thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/người/ tháng.

 Người phụ nữ xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động  - Ảnh 8.

Sản phẩm chè Trọng Nguyên đã có thương hiệu trên thị trường

Đặc biệt khi HTX mở rộng liên kết trồng chè đã giúp người dân sản xuất ổn định giảm hẳn việc khai thác rừng trái phép; 100% các hộ dân được trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường, kiến thức về sử dụng phân bón, về sử dụng thuốc trừ sâu theo nguyên tắc IPM đặc biệt trong sản xuất bền vững không sử dụng thuốc diệt cỏ. Do vậy, ý thức bảo vệ môi trường của người trồng chè là một tiêu chí sản xuất chè bền vững khi tham gia liên kết với HTX Bình Thuận, bà Bình chia sẻ.

 Người phụ nữ xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động  - Ảnh 9.

Bà con dân tộc thu hoạch chè ở Phổng Lái

Gắn sản xuất chè với du lịch trải nghiệm

Để có được kết quả như ngày hôm nay, bà Bình đã trải qua không ít khó khăn. Bà cho biết, những năm đầu tiên HTX mới thành lập, do sản phẩm chè bán giá thấp lại khó bán. Vì thế, nhiều bà con đã muốn phá bỏ vùng chè để trồng cây cà phê. Bà cùng các thành viên chủ chốt của HTX đã phải xuống từng nhà động viên, tuyên truyền để bà con nông dân tiếp tục vững tin vào cây chè. Dần dần, bà con đã tin tưởng, không phá bỏ mà còn tăng diện tích trồng cây chè. Vì thế, diện tích trồng chè đã tăng từ hơn 300ha (năm 2013) đến nay đã lên tới 1.300ha. Nhiều đơn vị, công ty và HTX cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nên giá cả đã ổn định.

 Người phụ nữ xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động  - Ảnh 10.

Cơ quan chức năng đánh giá chất lượng vùng nguyên liệu chè Phổng Lái

Đặc biệt, năm 2016 khi tất cả các đơn vị xuất khẩu chè đều gặp phải rào cản dư lượng chất cấm và tiêu chí đánh giá chất lượng đến từ thị trường Đài Loan. HTX Bình Thuận cũng phải rất vất vả. Sau đó, với sự vào cuộc, giúp đỡ của các đơn vị cũng như chính quyền địa phương, nhận thức trong sản xuất của bà con trồng chè đã được nâng cao, qua đó có thể đảm bảo những yêu cầu từ thị trường khó tính như Đài Loan.

 Người phụ nữ xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động  - Ảnh 11.

Du khách tham quan vùng chè Phổng Lái kết hợp với du lịch trải nghiệm

Bà cũng cho biết, khi HTX mới thành lập thì công việc nhiều. Bản thân bà đi lại suốt, ít khi ở nhà. Trong khi đó, các con vẫn đang còn nhỏ, còn đang đi học, chồng thì công tác. Những lúc thăng trầm đấy thì cùng nhau chia sẻ cùng bà con, cùng HTX rồi cùng gia đình đều cố gắng bình tĩnh giải quyết từng bước một để làm thế nào đấy nó có cái kết quả tốt nhất.

 Người phụ nữ xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động  - Ảnh 12.

Cây chè đã giúp đời sống người dân Phổng Lái thay đổi

Ngoài sản xuất chè, nhận thấy tiềm năng sẵn có tại địa phương, năm 2020, HTX của bà đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để làm du lịch trên diện tích 9ha. Trong đó, 5 ha rừng nguyên sinh tạo nên khu du lịch, trải nghiệm Bình Thuận farm. Nằm trên khu vực đỉnh đổi có khí hậu mát mẻ, cảnh quan nơi đây được tạo nên bởi các loại hoa nở 4 mùa, các hệ thống vui chơi, giải trí, xây dựng 2 khu nghỉ dưỡng là các mẫu nhà sàn của dân tộc Thái, nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ lại của khách.

 Người phụ nữ xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động  - Ảnh 13.

Vùng chè nguyên liệu Phổng Lái nhìn từ trên cao

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, dù chưa được quảng bá nhiều, nhưng đã có nhiều du khách trong tỉnh đến tham quan, trải nghiệm. Một trong những điều hấp dẫn du khách khi đến đây là được hòa mình vào công việc của bà con vùng chè, cũng như ghi lại những khoảnh khắc đẹp, ấn tượng của bản thân;  được ăn những món ăn ngon đậm đà bản sắc các dân tộc Tây Bắc. "Ngoài sản xuất, HTX cũng đang hướng tới là du lịch trải nghiệm nông nghiệp, giúp du khách nghỉ ngơi và hiểu thêm về quy trình để có ấm chè uống mỗi ngày. Ngoài ra, điều này cũng sẽ tạo công ăn việc làm thêm cho một số lao động địa phương có thu nhập ổn định và có công ăn việc làm ổn định", bà Bình chia sẻ.

Linh Trần (thực hiện)

Xuất bản: 22/09/2022