pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gia tăng giá trị hạt điều ở Cát Tiên
Chị Tường Thị Thùy Anh, Hợp tác xã Lê Gia
Tận dụng nguyên liệu tại chỗ
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hưng Yên, chị Tường Thị Thùy Anh theo gia đình vào huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, phát triển kinh tế từ năm 2000 và gắn bó với mảnh đất này từ đó đến nay. Cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào trồng lúa nước và cây điều.
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Đà Lạt, chị quyết định khởi nghiệp. "Từ những lần chở hàng cho đại lý, cha tôi đã học nghề sơ chế hạt điều và áp dụng để làm. Gia đình tôi cùng những hộ gia đình trong xóm cùng nhau sơ chế hạt điều từ những dụng cụ thô sơ nhưng cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Tôi càng ngày càng nhận ra có thể khai thác, chế biến nhiều sản phẩm hơn thế", Thuỳ Anh cho biết.
Theo chị Thùy Anh, cây điều ở Cát Tiên có giá trị dinh dưỡng cao do hợp với thổ nhưỡng, cho hạt to, chắc, mẩy, năng suất cao. Tuy nhiên, ở địa phương lại không có cơ sở chế biến, bà con chủ yếu bán cho thương lái, thường xuyên bị ép giá. Trong khi nhu cầu hạt điều được chế biến sẵn của thị trường lại cao nên Thùy Anh đã tìm hiểu thị trường và cho ra các sản phẩm như: Hạt điều rang muối, hạt điều sấy nguyên vị, điều sữa, điều rang bơ...
Sản phẩm được thị trường đón nhận, chị Thùy Anh cùng bố mạnh dạn thành lập Hợp tác xã (HTX) Lê Gia để chuyên nghiệp hóa sản xuất, kinh doanh. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện tiếp cận vốn vay làm kinh tế, đến nay, HTX của chị Thùy Anh đã mua sắm được nhiều máy móc hiện đại phục vụ cho việc sản xuất, giải quyết được nguồn nguyên liệu tại chỗ. Cùng với lợi thế về vùng nguyên liệu, HTX Lê Gia đã tận dụng nguồn lao động lúc nông nhàn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Hướng đi mới
Có lẽ, ai đến HTX Lê Gia cũng cảm thấy thú vị vì ở đây hạt điều được chẻ bằng tay cho ra những hạt đẹp, đều. Để làm được điều này, HTX đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn trong quá trình chế biến. Chị Thùy Anh nhớ lại, vào năm 2012, xưởng mua sắm máy chẻ tự động, sản lượng đạt 30 tấn/ngày nhưng hạt điều sau khi được chẻ ra bị nhiễm dầu, không đẹp nên giá bán không được cao. Sau nhiều ngày suy tính, cuối cùng chị quyết định dừng việc chẻ máy mà chuyển sang chẻ tay.
Chị Thùy Anh cho biết, HTX cũng được chính quyền địa phương tạo điều kiện để giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, chương trình giới thiệu hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, việc quảng bá sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều năm liền, HTX là mô hình điểm của huyện trong giải quyết lao động tại địa phương.