pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nguy cơ ảnh hưởng cột sống từ một số thói quen phổ biến khi trẻ quay lại trường học
Cong vẹo cột sống và gù lưng (gù cột sống) là tình trạng khá phổ biến ở trẻ thanh thiếu niên. Việc phát hiện sớm các vấn đề về cột sống rất quan trọng, giúp quá trình điều trị diễn ra hiệu quả hơn, đối với trẻ dưới 10 tuổi thì điều này đặc biệt quan trọng. Đây là lý do tại sao mà cha mẹ và người chăm sóc nên chú ý đến con trẻ để có thể nhận biết và chẩn đoán sớm các tình trạng liên quan đến cột sống.
1. Tình trạng liên quan đến cột sống trẻ dễ mắc phải
Trong độ tuổi trẻ bắt đầu vào cấp 1 và thanh thiếu niên, gù lưng hoặc cong vẹo cột sống là tình trạng thường gặp.
Cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong sang một bên hoặc xoay một cách bất thường. Chứng vẹo cột sống có được phân loại có 3 mức độ từ nhẹ, trung bình đến nặng. Những người bị vẹo cột sống nhẹ có thể chỉ cần theo dõi và khám định kỳ. Những trường hợp nặng hơn có thể cần niềng, nẹp hoặc phẫu thuật.
Gù lưng là tình trạng cột sống phát triển bất thường và quá mức nên bị cong tròn về phía sau. Gù lưng có thể khiến trẻ tự ti, ảnh hưởng đến chức năng vật lý hoặc tiêu hóa.
2. Một số thói quen khi trở lại trường học ảnh hưởng đến cột sống của trẻ
Gù lưng hoặc cong vẹo cột sống có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng trong đó một số thói quen tại trường học có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề cột sống này ở trẻ:
- Đeo cặp sách quá nặng
Ngày nay, chúng ta thường thấy học sinh phải mang theo những chiếc ba lô đi học rất to và nặng.
Tác động của việc mang cặp nặng lâu ngày thường khiến trẻ bị đau lưng, trong đó bé gái thường đau nhiều hơn bé trai. Ngoài ra, việc làm này gây ra tình trạng tư thế đầu hướng về phía trước, cơ thể nghiêng về phía trước ở hông để giữ thăng bằng và bù đắp cho trọng lượng nặng trên lưng, do đó gây ra tư thế không tự nhiên, lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ gù lưng hoặc cong vẹo cột sống.
Mặc dù đeo cặp nặng sẽ không dẫn đến biến dạng cột sống hoặc vẹo cột sống vĩnh viễn, trừ khi trẻ đã mắc những bệnh này từ trước. Điều này có nghĩa là, nếu một đứa trẻ đã có sẵn các vấn đề về cột sống, chẳng hạn như chứng vẹo cột sống, nhưng cha mẹ không biết về tình trạng này, thì việc mang ba lô nặng hàng ngày có thể khiến các vấn đề ở cột sống của trẻ trở nên tồi tệ hơn do trọng lượng tăng thêm đáng kể của cặp.
- Ngồi học sai tư thế
Ngồi học sai tư thế là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới cột sống của trẻ. Việc trẻ ngồi vặn vẹo, cúi quá thấp, tì ngực vào cạnh bàn hay thậm chí là nằm ra bàn trong lúc viết, học bài... có thể làm cong vẹo cột sống, gù lưng, đau lưng, đặc biệt còn ảnh hưởng tới mắt cũng như ảnh hưởng tới nhiều vấn đề sức khỏe khác.
3. Triệu chứng nhận biết cột sống của trẻ bị ảnh hưởng
Chứng cong vẹo cột sống thường không gây đau nên các triệu chứng thường không được chú ý. Cha mẹ hoặc người chăm sóc nên theo dõi các dấu hiệu sau ở con mình:
- Vai không đều.
- Liên tục nghiêng về một bên.
- Chiều dài chân không đều.
- Xương bả vai nhô lên
- Vòng eo không đều.
- Hông nâng cao.
Đối với trẻ bị gù lưng, các dấu hiệu có thể nhìn thấy như:
- Xuất hiện khối bướu ở lưng trên.
- Lưng trên bị cao bất thường khi uốn cong về trước.
- Đầu hầu như luôn cúi về phía trước.
- Nhìn hai vai tròn quá mức.
- Có sự khác biệt về chiều cao hay vị trí của vai hoặc bả vai.
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào ở trẻ, hãy đưa trẻ đi khám sớm nhất có thể để có hướng điều trị kịp thời nếu trẻ gặp vấn đề này.
4. Một số biện pháp bảo vệ cột sống cho trẻ
Cong vẹo cột sống hoặc gù cột sống có thể do di truyền hoặc không rõ nguyên nhân nhưng tư thế đúng là một yếu tố quan trọng để bảo vệ và phòng ngừa các tình trạng liên quan đến cột sống ở trẻ. Chính vì vậy, khi chuẩn bị vào năm học mới, cha mẹ nên có sự trang bị tốt cho con để bảo vệ tốt cột sống cho trẻ:
- Dạy trẻ cách ngồi học đúng tư thế: tư thế ngồi thoải mái nhưng cần giữ cho cột sống luôn ở tư thế thẳng đứng, vuông góc với mặt ghế ngồi. Hai chân thoải mái, không chân co chân duỗi. Hai tay phải đặt đúng điểm tựa, tay trái để xuôi theo chiều ngồi, giữ lấy mép vở cho khỏi xô lệch, đồng thời làm điểm tựa cho trọng lượng nửa người bên trái. Khoảng cách từ mắt đến vở 25-30 cm.
- Dạy trẻ đeo cặp đúng cách và giảm tải gánh nặng cho cặp của trẻ: khuyến khích trẻ đeo cặp hai bên vai, không đeo lệch sang một bên, giữ thẳng người khi đi, không cúi mặt về phía trước. Ngoài ra, cha mẹ nên mua cho trẻ những loại cặp quai đeo rộng và có đệm để giảm áp lực lên khu vực cổ và vai. Đề xuất với nhà trường để lại những loại sách quá nặng hoặc đồ dùng không cần dùng ở nhà tại lớp để giảm bớt đồ cho trẻ.
- Xây dựng cho trẻ chế độ ăn uống phù hợp: bổ sung nhiều thực phẩm giàu protein, vitamin và chất khoáng, cụ thể hơn là canxi.
- Tập luyện thể chất phù hợp: cha mẹ nên khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn nhưng không quá gắng sức, cho trẻ chơi các môn thể thao như đá bóng, chạy nhảy... Tập thể dục thường xuyên cũng có liên quan đến mật độ xương, giúp hệ thống xương của trẻ khỏe mạnh hơn về tổng thể.