Nguyên nhân thất bại và tố chất cần có của người khởi nghiệp

21/10/2019 - 16:02
Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công sau 5 năm chỉ từ 5 đến 10%. Rất nhiều doanh nghiệp thất bại ngay trong năm khởi nghiệp đầu tiên. 

20 nguyên nhân thất bại

Khảo sát của CBinsights đã chỉ ra 20 nguyên nhân khởi nghiệp thất bại, trong đó các nguyên nhân hàng đầu là: Không phù hợp với nhu cầu thị trường (42%), thiếu vốn (29%), lựa chọn đội ngũ không phù hợp (23%), không có lợi thế cạnh tranh (19%), định giá, chi phí (18%), sản phẩm không thân thiện với người dùng (17%), thiếu mô hình kinh doanh phù hợp (17%), marketing kém (14%), không quan tâm đến ý kiến khách hàng (14%), đưa sản phẩm ra thị trường sai thời điểm (13%)…

 

Ảnh minh họa

 

Ngoài ra, có những nguyên nhân khác có tác động trực tiếp đến thất bại khi khởi nghiệp:

- Tâm lý e ngại việc ý tưởng khởi nghiệp không phải “độc nhất vô nhị” và dễ bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

- Không có ý tưởng sáng tạo, khác biệt, đột phá. Khởi nghiệp theo tâm lý đám đông, sao chép ý tưởng người khác đã thành công.

- Thiếu kiên nhẫn, kiên trì theo đuổi mục tiêu, ý tưởng kinh doanh.

- Có ý tưởng kinh doanh nhưng không am hiểu, thiếu kiến thức về thị trường, nhu cầu xã hội, kinh nghiệm xây dựng mô hình quản lý, kinh doanh, cách thức vận hành doanh nghiệp.

- Không có vốn đầu tư ban đầu hoặc cho rằng khởi nghiệp mà không cần đồng vốn nào. Không tìm được nhà đầu tư vào doanh nghiệp.

- Thiếu người hướng dẫn, tư vấn (các startup thành công, các mentor).

- Không nhận được hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực…

- Môi trường kinh doanh còn ẩn chứa nhiều rủi ro, tính minh bạch kém. Tình trạng vi phạm bản quyền, hàng giả, hàng nhái… ảnh hưởng tiêu cực tới khởi nghiệp. 

4 tố chất cần có của người khởi nghiệp

 

CEO Nguyễn Cường

 

Theo doanh nhân Nguyễn Kiên Cường (CEO và Founder Bold Studio), để khởi nghiệp thành công, người khởi nghiệp là người sẵn sàng làm việc 16 giờ một ngày, 7 ngày một tuần liên tục trong một thời gian dài, có thể là trong suốt 3 – 4 năm đầu khởi nghiệp. Tuy nhiên, sẵn sàng làm việc trong nhiều giờ và nhiều ngày liên tục chưa đủ để bạn thành công khi khởi nghiệp. Từ kinh nghiệm khởi nghiệp của bản thân, CEO Cường đã đưa ra 4  tố chất quan trọng của người khởi nghiệp, đó là:

Chịu khó: Khởi nghiệp là giai đoạn khó khăn nhất, vất vả nhất, có hàng nghìn việc bạn phải tự tay làm trong khi bạn không có kinh nghiệm, không có sự giúp đỡ. Bạn mới ra khởi nghiệp thì mọi việc đều rất mới mẻ với bạn, bạn cũng chưa chứng mình được là mình sẽ thành công nên ít có ai sẵn sàng đi theo bạn, cũng không có hoặc rất ít người ủng hộ bạn. Tất cả đều dựa vào chính khả năng và con người bạn. Bạn bắt buộc phải chịu khó.

 

Ảnh minh họa

 

Tập trung: Vừa bước chân vào thị trường, bạn sẽ rất dễ rơi vào tình trạng đang kinh doanh sản phẩm này thấy bạn bè kinh doanh sản phẩm khác có lời hơn thì đổi sản phẩm, kiểu đứng núi này thấy núi kia cao hơn nên đi mãi vẫn chưa thấy đích đến. Hãy tập trung đầu tư vào khâu chọn sản phẩm thật kỹ, sau khi chọn được sản phẩm rồi thì tập trung phát triển nó, xây dựng thương hiệu, marketing và bán hàng. Không có sức mạnh nào lớn bằng sức mạnh của sự tập trung, chỉ khi thực sự tập trung bạn mới có thể khởi nghiệp thành công.

Kiên trì: Thành công thực sự không bao giờ đến trong thời gian ngắn, cũng không có con đường tắt để đi đến thành công. Tất cả cần phải có thời gian. Bạn phải kiên trì ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm mới mong chạm tay vào thành công.

 

Ảnh minh họa

 

Bản lĩnh: Khởi nghiệp luôn đầy rẫy khó khăn, đến liên tục và dồn dập. Sẽ có lúc bạn mệt mỏi rã rời, không có ai bên cạnh, cả thế giới như quay lưng lại với bạn, bạn muốn buông xuôi tất cả. Bạn phải không được sợ! Cứ từ từ, từ từ và từ từ giải quyết từng việc một, sau cơn mưa trời lại sáng. Những lúc như thế, bạn phải thật "lỳ đòn". "Lâm nguy bất loạn", bản lĩnh khởi nghiệp là ở chỗ đó, nếu vượt qua được thì bạn mới xứng đáng chạm đến thành công. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm