Theo bà Lan, điều này được phát hiện trong quá trình khảo sát của Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM. Đối với những trường hợp này, Ban tiến hành phạt “thẳng tay” và sẽ tiến tới công khai tên tuổi những nhà hàng, khách sạn này cho người tiêu dùng biết.
Nói về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM hiện nay, bà Lan cho biết, thành phố vẫn còn có "khoảng tối" về thực phẩm.
Trả lời cho câu hỏi: Tại sao vẫn có đất để thực phẩm bẩn tồn tại? Bà Lan cho rằng, có nhiều nguyên nhân nhưng lớn nhất là do vấn đề kinh tế, chênh lệch về giá cả giữa thực phẩm sạch với các loại thực phẩm thông thường có mặt trên thị trường.
“Tinh thần thì ai cũng muốn sử dụng thực phẩm sạch nhưng khi cân nhắc về vấn đề giá cả thì lại là vấn đề khác. Đặc biệt là khi thực phẩm sạch phải cạnh tranh với những hành vi làm trái, trộn lẫn chất cấm… với mục đích giảm giá thành sản phẩm xuống mức thấp nhất đến tay người tiêu dùng”, bà Lan nói.
Cũng theo Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, một khó khăn nữa trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm là do chính sách pháp luật. Trong một chừng mực nào đó, mức xử phạt các trường hợp vi phạm còn nhẹ; năng lực của đội ngũ quản lý, thanh tra vẫn chưa đủ sức để ngăn chặn thực phẩm bẩn. “Nói một cách đơn giản là phạt như gãi ngứa vậy, chẳng ăn thua gì cả”, bà Lan ví von.
Bà Lan khẳng định, nhiệm vụ của Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố là phải làm song song 2 việc. Thứ nhất là “nhổ cỏ dại”, làm sao để trong quyền hạn của mình, khi thống nhất lại lực lượng có thể phản ứng kịp thời, quyết liệt với những sai phạm về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó sẽ cùng với doanh nghiệp tìm đầu ra cho thực phẩm, nhắm vào 2 đối tượng lớn nhất là các bếp ăn tập thể cho hệ thống các trường học và công nhân các khu chế xuất - khu công nghiệp.
“Tôi nghĩ người dân thành phố vẫn còn thiếu thông tin. Cứ nghe thực phẩm chỗ này, chỗ kia bẩn, trộn cái này cái kia rồi hoảng sợ. Thực phẩm sạch thì không biết tìm ở đâu”, bà Lan chia sẻ.