Dễ thấy, phía sau con số khổng lồ hơn 400.000 tờ báo là biết bao công sức, tâm huyết cùng niềm say mê đặc biệt dành cho lịch sử báo chí nước nhà, nhất là những tờ báo phụ nữ - nơi ghi lại tiếng nói bền bỉ, tinh tế của nửa thế giới qua các thời kỳ. Song, điều đáng quý hơn cả là câu chuyện về người đã dày công gom góp, lưu giữ và nâng niu chúng.
Ông Nguyễn Phi Dũng, người con của mảnh đất Nam Định (nay thuộc phường Nam Định, tỉnh Ninh Bình), không phải là một nhà báo hay nhà sử học. Ông là một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin, một công việc đòi hỏi sự nhạy bén, logic và thực tế. Thế nhưng, đằng sau vẻ ngoài của một người làm kinh tế, ông lại ấp ủ một niềm đam mê cháy bỏng với những tờ báo cũ kỹ, sờn màu thời gian.
Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng bên kho báo giấy quý giá của mình
Từ năm 2016, ông bắt đầu hành trình sưu tầm báo xưa, báo cổ, báo cũ phát hành tại Việt Nam. Ban đầu, đó có thể chỉ là sự tò mò, muốn tìm lại những mảnh ký ức về thời thơ ấu, về những tờ báo mà cha ông từng trân quý.
Cha ông, cụ Nguyễn Phi Hùng (1934-2020), là người đầu tiên gieo mầm tình yêu đối với báo giấy trong lòng ông Dũng. Ngày xưa, trong những năm tháng đất nước còn nhiều khó khăn, cụ Hùng thường đóng báo thành tập để lưu giữ. Thế nhưng, vì hoàn cảnh eo hẹp, đôi khi cụ buộc phải bán đi những tập báo quý giá ấy để có tiền mua những ấn phẩm mới.
Một lần tình cờ, ông Dũng thấy một tờ báo cũ giống hệt tờ mà cha mình từng giữ. Cảm xúc trào dâng, ông mua về tặng lại cho cha. Từ khoảnh khắc đó, như một định mệnh, ông Dũng dần dấn thân sâu hơn vào con đường sưu tầm báo giấy phát hành tại Việt Nam, không chỉ để hoài niệm về cha, về gia đình, mà còn để giữ lại một phần ký ức của cả một thời đại đã qua.
Cụ Nguyễn Phi Hùng (1934-2020) trong kho sưu tầm báo giấy của con trai
Điều đặc biệt là ông Dũng không chỉ sưu tầm những tờ báo có tuổi đời hàng chục năm, mà còn chú trọng đến việc lưu giữ những số báo cuối cùng hoặc đầu tiên của các tỉnh, đặc biệt trong giai đoạn sát nhập hành chính. Chẳng hạn, khi tỉnh Nam Định in số báo cuối cùng trước khi sáp nhập, ông đã đặt in tới 200 bản. Cùng lúc, ông cũng đặt thêm các số báo đầu tiên và cuối cùng của tỉnh Ninh Bình và Hà Nam, tổng cộng khoảng 600 tờ, để có thể trao đổi với những nhà sưu tầm khác, bổ sung vào kho tàng chung.
Hiện nay, ông chuyển dần sang việc sưu tầm theo chủ đề, giúp thu hẹp phạm vi nhưng vẫn giữ được giá trị tư liệu cần thiết. Các bộ báo kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, các số đặc biệt về ngày Giải phóng miền Nam 30/4, hay bộ sưu tập báo chí viết về Lễ Quốc tang cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là những ví dụ tiêu biểu cho hướng đi mới này.
Kho báo số 1 rộng 50m² trên tầng 4 của nhà sưu tầm báo giấy Nguyễn Phi Dũng
Từ một vài tờ báo đầu tiên, đến nay, bộ sưu tập của ông Dũng đã lên tới con số khổng lồ: khoảng 400.000 tờ báo của hơn 1.000 đầu báo các loại, tổng số nặng 23 tấn. Trong đó, có hơn 100 đầu báo được phát hành tại Việt Nam trước năm 1954, mang giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt quý hiếm.
Vào đúng ngày kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chính thức xác lập kỷ lục, công nhận ông Nguyễn Phi Dũng là nhà sưu tầm báo giấy phát hành tại Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến nay với số lượng nhiều nhất. Niềm vinh dự này không chỉ là của riêng ông mà còn là minh chứng cho sự kiên trì, tâm huyết của cả một gia đình gắn bó với những trang báo cũ.
Trong bộ sưu tập đồ sộ của ông Nguyễn Phi Dũng, mảng báo chí nữ là một phát hiện bất ngờ và đầy ý nghĩa. Ông Dũng chia sẻ, trước đây, ông cũng như nhiều người, thường nghĩ rằng phụ nữ thời phong kiến hay thuộc địa ít có cơ hội tham gia vào đời sống xã hội, tiếng nói của họ bị hạn chế. Tuy nhiên, khi lật giở từng trang báo cũ, ông mới vỡ lẽ: thực tế hoàn toàn khác.
Thời kỳ này, hàng loạt tờ báo phụ nữ đã ra đời, như: Phụ nữ Tân Văn (xuất bản số đầu năm 1929 tại Sài Gòn), Đàn Bà, Nữ Lưu, Em, Việt Nữ,... Đây là những dấu hiệu rõ nét cho thấy ý thức đấu tranh vì quyền lợi và vị thế của phụ nữ đã nhen nhóm từ rất sớm. Những tờ báo này không chỉ lên tiếng bảo vệ quyền của phụ nữ mà còn đề cập đến các vấn đề trẻ em, bởi phụ nữ và trẻ em luôn gắn liền với nhau. Đặc biệt, nhiều tờ còn do chính nữ giới làm chủ bút và điều hành, thể hiện vai trò tiên phong của họ trong lĩnh vực báo chí.
Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng giới thiệu tờ Phụ nữ Tân Văn số ra ngày 31/10/1930
Các tờ báo cổ thuộc dòng báo nữ Việt Nam, xuất bản trước năm 1954, được lưu giữ trong kho sưu tầm của nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng
Ông Dũng đã sưu tầm được hàng chục số của Phụ nữ Tân Văn - một tờ báo rất đặc biệt, ra đời từ năm 1929 đến khoảng 1935. Ông cũng ấn tượng sâu sắc với tờ Đàn Bà với nội dung mộc mạc, gần gũi, tập trung vào đời sống gia đình, vai trò người mẹ, người vợ. Thậm chí, có bài viết trong số báo này còn bàn về việc phụ nữ sau khi lấy chồng thường bị mất tên riêng - một thực tế buồn nhưng có thật trong xã hội phong kiến xưa, cho thấy sự nhạy cảm và thấu hiểu của những người làm báo nữ.
"Trong khi báo dành cho phụ nữ rất nhiều thì lại rất hiếm thấy một tờ báo nào dành riêng cho đàn ông", ông Dũng bộc bạch. Mãi về sau mới có vài tờ như Tạp chí Đàn ông nhưng số lượng không đáng kể. Điều đó cho thấy, phụ nữ Việt Nam từ rất sớm đã có nhu cầu được cất lên tiếng nói riêng, được khẳng định mình trong xã hội và báo chí là kênh quan trọng để họ thực hiện điều đó.
Sau năm 1954, đặc biệt là giai đoạn sau năm 1975, các tờ báo phụ nữ tiếp tục phát triển mạnh mẽ với những tên tuổi lớn như Phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ Thủ đô, Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh (trước là Phụ nữ Sài Gòn). Dù là báo tuần hay báo tháng, những ấn phẩm này vẫn đóng góp vào việc phản ánh các hoạt động xã hội, chính trị của phụ nữ và góp phần xây dựng đất nước. Ông Dũng sở hữu nhiều số báo Phụ nữ Việt Nam từ những năm 1960-1970, và gần như đủ bộ từ năm 1993-2009.
Ông cũng đặc biệt yêu thích những số báo Tết của báo Phụ nữ Việt Nam, từ năm 1974-1990, trong đó có cả những năm ghi dấu các sự kiện đặc biệt như 1975, 1986. Những ấn phẩm này thường rất công phu, hình minh họa đẹp, được vẽ tay chứ không phải ảnh chụp như bây giờ.
Ngoài những tờ báo quý giá, ông Dũng còn tình cờ sưu tầm được một giấy khen từ năm 1961 của Báo Phụ nữ Việt Nam tặng bà Hoàng Thanh Thủy, Thường trực Ban Chấp hành Hội LHPN khu Cầu Đất (Hà Nội), vì đã có thành tích liên tục làm công tác phát hành Báo Phụ nữ Việt Nam từ năm 1955 và xây dựng được 10 Tổ đọc báo Phụ nữ tốt. "Đó không chỉ là một tờ giấy, mà là minh chứng sống động cho vai trò thực tiễn của báo chí trong đời sống cộng đồng", ông nhấn mạnh.
Giấy khen năm 1961 của Báo Phụ nữ Việt Nam, một tư liệu quý hiếm được ông Nguyễn Phi Dũng sưu tầm,ghi nhận đóng góp của bà Hoàng Thanh Thủy trong việc phát hành và xây dựng các Tổ đọc báo Phụ nữ
Những ấn phẩm của Báo Phụ nữ Việt Nam nói riêng và dòng báo nữ nói chung suốt nhiều thập niên qua đã không chỉ là kênh thông tin, tuyên truyền chính sách mà còn là diễn đàn, là nơi lan tỏa tri thức, vun đắp ý thức làm chủ, nâng cao vị thế, đời sống tinh thần của phụ nữ - qua đó góp phần bền bỉ xây dựng gia đình, cộng đồng và xã hội.
Việc tìm hiểu sâu về dòng báo phụ nữ đã khiến ông Dũng nhận ra rằng, từ thời Pháp thuộc, phụ nữ Việt Nam đã có tiếng nói độc lập và mạnh mẽ thông qua báo chí. Ông tin chắc rằng trong những tòa soạn xuất bản báo dành cho phụ nữ thời đó, chắc chắn có sự tham gia của nhiều nữ phóng viên và biên tập viên, bởi "chỉ có phụ nữ mới có thể hiểu thấu đáo và viết về tâm lý, đời sống, và các vấn đề riêng của phụ nữ".
Hành trình sưu tầm và bảo quản kho tàng báo chí khổng lồ này không hề trải hoa hồng. Ông Dũng đã dành riêng 2 tầng (tầng 3, 4) với tổng diện tích khoảng 400 mét vuông tại tòa nhà của mình để lưu trữ báo. Khi không sử dụng, các kho được đóng kín. Vào mùa nồm, ông bật máy hút ẩm, vào mùa khô có thể bật thêm điều hòa để duy trì nhiệt độ phòng ổn định khoảng 22 độ C.
Những tờ báo được ông phân loại kỹ lưỡng theo từng năm, tờ nào càng lâu đời càng được ưu tiên bảo quản cẩn thận. Ông thường cho chúng vào túi nylon khóa zip, rồi xếp gọn trong thùng nhựa hoặc thùng tôn để hạn chế tác động của côn trùng, mối mọt, độ ẩm và ánh sáng. Riêng những tờ đặc biệt quý hiếm, ông bọc từng tờ bằng giấy nylon, cuộn lại và đặt vào các thùng nhựa đóng kín, sau đó cất trong kho lưu trữ tại nhà - một cách làm vừa độc đáo vừa hiệu quả để gìn giữ nguyên vẹn giá trị của chúng.
Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng dành toàn bộ tầng 3 của tòa nhà, với diện tích 350m², làm kho số 2 để lưu trữ và bảo quản báo giấy.
Việc sưu tầm báo giấy phát hành tại Việt Nam, đặc biệt là báo cũ, là một công việc âm thầm, gian khó và tốn kém. "Mua báo cũ thì dễ nhưng bán thì gần như không ai mua", ông Dũng thẳng thắn. Báo giấy cũ không có giá trị thương mại rõ rệt như các vật phẩm sưu tầm khác. Chúng không dễ chuyển nhượng, cũng không ai đầu tư để mong sinh lợi từ việc bán lại. Điều này buộc ông phải dốc toàn bộ tâm sức, thời gian và tiền bạc tích lũy từ công việc kinh doanh công nghệ thông tin của mình để duy trì đam mê. Việc dành không gian quý giá ở đô thị để chứa báo là điều "hầu như không tưởng" đối với nhiều người.
Khó khăn lớn nhất chính là tìm được những tờ báo cũ, đặc biệt là các ấn phẩm phụ nữ của miền Nam trước năm 1975, vốn vô cùng hiếm hoi. "Không phải vì chúng kém giá trị, mà bởi số lượng còn lại rất ít, khó có cơ hội xuất hiện trên thị trường," ông Dũng chia sẻ. Để sở hữu được một tờ báo như vậy, đôi khi ông phải chờ đợi nhiều năm, kiên nhẫn dò tìm qua các nhà sưu tầm khác hoặc dõi theo những trang mua bán sách báo cũ trên mạng xã hội Facebook, tỉ mỉ liên hệ, thương lượng từng chút một. Mỗi lần may mắn có được, ông nâng niu như chạm vào một phần hồn của quá khứ, rồi cẩn thận bảo quản để lưu giữ trọn vẹn dấu vết thời gian trên những trang giấy mỏng manh ấy.
Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng dùng kính lúp tỉ mỉ quan sát tờ “Đàn Bà” - một ấn phẩm thuộc dòng báo nữ, ra ngày 19/5/1944.
Thế nhưng, hành trình sưu tầm không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm mà còn kéo theo thách thức lớn về bảo quản. Báo giấy rất dễ mốc, dễ hư hại, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nếu lưu trữ không cẩn thận. Ông Dũng đã đầu tư một hệ thống phòng chứa riêng, tách biệt hoàn toàn với không gian sinh hoạt gia đình nhưng vẫn luôn trăn trở về sự bền vững lâu dài của kho tàng này. "Nếu không làm tốt, chúng có nguy cơ hư hỏng, mất mát, thậm chí cháy nổ, gây tổn thất không thể tính được", ông Dũng lo lắng.
Đó cũng là lý do vì sao trong giới sưu tầm, ông Dũng nổi tiếng là người "chịu chơi", sẵn sàng chi mạnh tay cho những lô báo quý để bù đắp vào bộ sưu tập ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, lô báo trước năm 1954 mà ông mua vào năm 2018 có giá lên tới cả trăm triệu đồng, gồm nhiều ấn phẩm hiếm như Phụ nữ Tân văn - tờ báo gắn liền với lịch sử báo chí nữ giới ở miền Nam trước năm 1945. Ông còn lưu giữ hơn 20 số Phụ nữ Tân văn, nhiều tờ có bìa vẽ minh họa tuyệt đẹp, minh chứng sống động cho giá trị thẩm mỹ tinh tế của báo chí thời kỳ đầu.
Trong ảnh là các số báo Phụ nữ Tân Văn xuất bản năm 1930-1931, được nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng kỳ công sưu tầm. Đây những tư liệu quý giá phản ánh đời sống, tư tưởng và vai trò của phụ nữ Nam Kỳ đầu thế kỷ 20
Đằng sau những nỗ lực phi thường của ông Nguyễn Phi Dũng là sự đồng hành thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng của gia đình, đặc biệt là người vợ - bà Đỗ Kim Chi (SN 1964). Ban đầu, bà Chi cũng không mấy vui vẻ khi chồng bỏ ra những khoản tiền lớn cho những tờ báo cũ kỹ, bụi bặm, rách nát. Việc tự nhiên tốn một khoản tiền lớn vào những thứ tưởng chừng vô giá trị như vậy đã khiến bà không khỏi chạnh lòng.
Tuy nhiên, khi việc làm của ông dần được cộng đồng biết đến và xã hội ghi nhận, vợ cùng các con ông cũng thay đổi quan điểm. "Khi thấy việc tôi làm được đánh giá cao, được nhiều người trân trọng, vợ tôi và các con đã nhìn nhận khác đi, không còn phản đối như trước", ông Dũng chia sẻ. Từ chỗ hoài nghi, bà Chi và các con nay trở thành những người đồng hành tích cực, luôn động viên và hỗ trợ ông rất nhiều trên hành trình đầy gian nan này.
Bà Đỗ Kim Chi cùng chồng - nhà sưu tầm báo giấy Nguyễn Phi Dũng - đón nhận xác lập kỷ lục Việt Nam cho bộ sưu tầm báo giấy của ông, gồm khoảng 400.000 tờ báo phát hành tại Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến nay, số lượng nhiều nhất do một cá nhân lưu giữ.
Chẳng hạn, khi ông muốn sưu tầm trọn bộ các tờ báo in trên cả nước đã đưa tin về Lễ Quốc tang cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2024, cả vợ, con gái và con dâu đều cùng chung tay tìm mọi mối quan hệ để giúp ông hoàn thiện. "Cả nhà ai cũng sốt sắng, vợ, con gái, con dâu đều tập trung liên hệ khắp nơi để cố gắng sưu tầm cho tôi đầy đủ", ông Dũng kể, ánh mắt ánh lên niềm tự hào.
Trong ngày thường, bà Chi chủ yếu hỗ trợ chồng ở các công việc tổ chức sự kiện, như làm MC cho những buổi giới thiệu dự án số hóa hoặc hát phục vụ chương trình. Bà tham gia nhiệt tình trong khả năng của mình, giúp ông có thêm thời gian và tâm sức tập trung cho việc sưu tầm.
Dù vậy, tôi không muốn bất cứ ai can thiệp sâu vào công đoạn sắp xếp, phân loại, tìm kiếm hiện vật. Vì ai để đâu thì người đó mới nhớ, và chỉ có tôi mới biết chính xác từng tờ báo quý hiếm được đặt ở đâu để tìm lại khi cần".
Nhà sưu tầm báo giấy Nguyễn Phi Dũng
Tình yêu báo giấy của ông đã lan tỏa sang cả gia đình, biến sự phản đối ban đầu thành đồng lòng và thấu hiểu. Ông vẫn thường nói đùa với vợ: "Đấy nhá, đồng lõa rồi nhá, thế nên đừng có nói gì nữa!". Chính sự ủng hộ từ hậu phương vững chắc này đã góp phần hoàn thiện bộ sưu tập báo giấy, đặc biệt là những ấn phẩm quý giá thuộc dòng báo chí nữ và củng cố thêm quyết tâm của ông trong việc gìn giữ di sản này cho các thế hệ mai sau. Giờ đây, gia đình gần như chắc chắn sẽ tiếp tục đồng hành cùng ông trên con đường sưu tầm đầy ý nghĩa ấy.
Ông Dũng và bà Chi tham dự Hội Báo toàn quốc trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) tại Hà Nội
Với trăn trở về việc bảo tồn lâu dài kho tàng báo giấy khổng lồ, đặc biệt là những tờ đã có tuổi đời gần 1 thế kỷ, ông Nguyễn Phi Dũng quyết định thực hiện một bước đi đột phá: số hóa toàn bộ bộ sưu tập. Đây được xem là giải pháp then chốt để giữ gìn di sản tư liệu văn hóa và lịch sử Việt Nam, giúp bảo quản các tờ báo quý hiếm khỏi nguy cơ xuống cấp do thời gian và môi trường.
Ngày 24/6/2025, ông chính thức ra mắt Dự án Số hóa kho báo giấy, với sự đồng hành của Công ty Công nghệ NTQ và đặc biệt là sự hỗ trợ của ông Nguyễn Thành Nam - một trong những người sáng lập Tập đoàn FPT, người đã giới thiệu đơn vị có năng lực để hiện thực hóa dự án.
Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng ra mắt Dự án Số hóa kho báo giấy, ngày 24/6/2025.
Quy trình số hóa được tiến hành bài bản với công nghệ cao, từ thu thập tư liệu gốc, quét hình ảnh chất lượng cao, xử lý và chuẩn hóa dữ liệu, cho tới lưu trữ an toàn và phân phối qua nền tảng web, ứng dụng. Ông đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành số hóa các tờ báo quý, báo cổ - những ấn phẩm gần như chưa từng được số hóa - trong khoảng 2 năm tới.
Thông qua dự án này, dữ liệu sẽ phục vụ cho trưng bày, triển lãm số, thư viện trực tuyến, giáo dục và nghiên cứu. Việc số hóa cũng giúp hạn chế tác động trực tiếp lên các tờ báo gốc, qua đó kéo dài tuổi thọ của hiện vật. Ông Dũng hy vọng phần mềm số hóa sau này sẽ được hoàn thiện hơn, cho phép tra cứu nội dung dễ dàng giống như Thư viện Quốc gia nhưng với hình ảnh sắc nét hơn, giúp người xem đọc thuận tiện. Với ông, đây không chỉ là một dự án công nghệ, mà còn là khát vọng gìn giữ di sản, để kết nối quá khứ với tương lai.
Thay vì nặng nề về việc lập bảo tàng theo cách truyền thống, ông cho rằng trưng bày online sẽ lan tỏa nhanh và rộng hơn, đến được với cả những người ở xa. "Vào các dịp kỷ niệm, tôi có thể chia sẻ những tờ báo liên quan lên Zalo, Facebook, để giới báo chí và công chúng quan tâm cùng lan tỏa", ông Dũng nói.
Dù tuổi đã cao, quỹ thời gian không còn nhiều, công việc thì đồ sộ và đòi hỏi tính kế thừa, ông Dũng vẫn kiên định với phương châm "tự lực cánh sinh là chính". Ông không trông chờ vào nguồn lực từ Nhà nước, coi đây là trách nhiệm và đam mê cá nhân. Điều ông mong mỏi nhất là sẽ có những tổ chức, cá nhân hay các quỹ phi chính phủ nhận ra giá trị của công việc gìn giữ tri thức, di sản văn hóa báo chí này, từ đó tiếp sức cho ông cả về tinh thần, vật chất lẫn chuyên môn.
Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng giới thiệu một ấn phẩm thuộc dòng báo nữ trên mạng xã hội Facebook,góp phần lan tỏa giá trị tư liệu quý tới cộng đồng
Trong cuộc đời mình, ông Nguyễn Phi Dũng luôn tâm niệm rằng nhu cầu cá nhân của mình rất thấp. "Tôi chỉ mong muốn để lại một điều gì đó có ích cho thế hệ sau và cho xã hội', ông Dũng bộc bạch. Khi việc mình làm được xã hội ghi nhận, đó là niềm vui lớn lao. Ngay cả khi chưa được các cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương quan tâm đúng mức, ông vẫn coi đây là niềm đam mê và tự nhủ cứ làm tốt phần việc của mình, rồi thời gian và xã hội sẽ đánh giá. Ông không đặt nặng vấn đề tài chính hay lợi nhuận, bởi số tiền bỏ ra cho việc sưu tầm này là rất lớn, không ai có thể nghĩ đến việc thu lại.
Việc được xác lập kỷ lục sưu tầm báo giấy phát hành tại Việt Nam - thậm chí có thể là bộ sưu tập lớn nhất ở Đông Nam Á, châu Á với hơn 400.000 tờ - là niềm tự hào không chỉ của riêng ông mà còn cho cả truyền thống gia đình. Ông Dũng xúc động nói: "Nếu cha tôi hiện đang có mặt ở đây, nhìn thấy những gì tôi đã làm được, chắc ông sẽ rất vui". Rồi ông ngừng lại giây lát, như đang gửi lời nhắn tới cha: "Con sẽ tiếp tục con đường cha đã khởi đầu, gắn bó với bộ sưu tập này cho đến hơi thở cuối cùng, để giữ lại càng nhiều càng tốt cho các thế hệ mai sau".
Ông Dũng chăm sóc cha mình lúc sinh thời
Bên cạnh việc triển khai dự án số hóa, ông Dũng vẫn thường xuyên mở cửa đón tiếp các đoàn học sinh, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cùng nhiều phóng viên tới tìm hiểu, khai thác tư liệu. "Có đoàn lên tới 70 người đến tham quan", ông kể. Nhờ kho lưu trữ và khuôn viên nhà khá rộng rãi, ông có thể thoải mái tổ chức đón tiếp đông người. Sau mỗi buổi gặp gỡ, ông thường chụp ảnh lưu niệm cùng khách rồi chia sẻ lên mạng xã hội, như một cách lan tỏa giá trị của bộ sưu tập báo giấy quý giá này đến cộng đồng.
Sự cống hiến của ông Dũng đã được ghi nhận trong cuốn sách "100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam" của Thông tấn xã Việt Nam. Ông đã đóng góp khá nhiều hình ảnh cho cuốn sách này, đặc biệt là những tờ báo trước năm 1954 như: Cờ Giải Phóng, Đồng Minh, Độc Lập, Cứu Quốc, Bình Dân, Lao Động, Sự Thật, Tiền Phong... "Việc tôi làm là tự nguyện, không vì mục đích thương mại. Được giới truyền thông và mọi người ghi nhận là tôi đã hạnh phúc rồi", ông Dũng bày tỏ sự mãn nguyện.
Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng đã cung cấp nhiều tư liệu báo chí quý hiếm cho cuốn sách “100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”
Ông Nguyễn Phi Dũng tin rằng báo chí không chỉ đơn thuần là những tờ giấy in chữ, mà là "ký ức, là lịch sử, là một phần của tiến trình phát triển văn hóa dân tộc". Đó là một di sản vô giá cần được gìn giữ và trân trọng cho các thế hệ mai sau. "Chạm tay vào một tờ báo xưa, nhiều khi đã là một xúc cảm rồi. Nhất là những tờ báo phụ nữ có tranh, có hình - chúng mang tính nghệ thuật rất rõ", ông Dũng chia sẻ, ánh mắt lấp lánh niềm say mê.
Theo ông Dũng, Thư viện Quốc gia Việt Nam hay các trung tâm lưu trữ chỉ có thể thu thập, bảo quản sách và tài liệu tổng hợp, trong khi báo chí đòi hỏi một hướng lưu giữ, nghiên cứu và trưng bày chuyên sâu - điều mà chỉ một bảo tàng chuyên ngành mới có thể làm được một cách bài bản và đầy đủ.
Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng tại gian trưng bày của Báo Phụ nữ Việt Nam trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2025
Cuối cùng, với ông, những di sản của báo giấy nói chung, đặc biệt là báo giấy thuộc dòng báo nữ Việt Nam, mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Chúng không chỉ truyền tải chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước đến với chị em phụ nữ, mà còn là phương tiện giải trí, truyền cảm hứng, góp phần gìn giữ gia đình, nâng cao tri thức và nuôi dưỡng vẻ đẹp cả bên trong lẫn bên ngoài.
Ông Dũng coi việc sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ và lan tỏa giá trị của những tờ báo ấy chính là cách để tiếp nối tiếng nói bền bỉ, thổi hồn cho di sản báo chí nữ Việt Nam - để dòng chảy ấy không chỉ dừng lại ở ký ức mà còn tiếp tục sống động, truyền cảm hứng cho hôm nay và cả mai sau.
| Thực hiện: Trường Hùng