pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhà vườn săn lan đột biến như chơi "xổ số"
Ông Chử Văn Cao bên vườn lan của gia đình
Thời gian qua, dư luận xôn xao trước các vụ giao dịch lan đột biến với giá hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng/kie. Trong đó, nổi tiếng nhất là vụ giao dịch Ngọc Sơn Cước với giá 250 tỷ đồng, còn các giao dịch hàng chục tỷ đồng nhiều không đếm xuể. Cũng vì lan đột biến trở thành hàng hót, nên nhiều người đã lấy tiền tiết kiệm, vay người thân, thậm chí thế chấp giấy tờ nhà đất để đầu tư lan đột biến. Trong các vụ giao dịch ấy, có nhiều người thu được những món lợi kếch xù, nhưng cũng có hàng trăm người lãnh hậu quả do bị lừa bán sai mặt hoa.
Ông Chử Văn Cao (huyện Văn Giang, Hưng Yên) là một trong những nhà vườn lan đột biến lớn ở địa phương. Không chỉ bởi trồng và chơi lan đột biến, ông còn có một loại lan đột biến đặt tên mình- Lan Văn Cao.
Ông Cao cho biết, lan đột biến thường là lan rừng. Nó "đột biến" là do tự nhiên, do thay đổi khí hậu, thổ nhưỡng mà ra mặt hoa đẹp. Nếu như có sự can thiệp của khoa học, của con người như cấy mô,… thì đó không thể gọi là đột biến.
Để tìm lan đột biến, nhà vườn thường lấy lan rừng về trồng. Tuy nhiên, lan đột biến rất hiếm, thậm chí có người trồng cả tạ, cả tấn lan rừng nhưng chẳng được cây lan đột biến nào. Ai mà trúng được cây lan đột biến thì xem như trúng xổ sổ. Lan Văn Cao của ông cũng là trường hợp ông trúng xổ số.
Ông Cao cho biết, gia đình đã có hơn 20 năm chơi lan và thường mua lan rừng về để chia giò chăm sóc. Tháng 2/2016, vợ chồng ông đặt mua 30kg lan rừng của một nhà xe lấy từ miền núi về. Chuyến xe đó chở cả tấn lan rừng về bán cho nhiều nhà vườn và ông là người cuối cùng lấy hàng ở chuyến xe đó.
Sau khi lấy lan rừng về, ông chia thành các giò nhỏ để chăm sóc. Tháng 4/2016, trong 30kg lan rừng mới mua về, có một khóm lan ra hoa màu trắng rất đẹp, mặt hoa khác biệt hẳn những loại lan thông thường. Sau khi kiểm tra, đánh giá ông thấy loại lan này chưa có mặt trên thị trường nên mừng húm. Ông xác định mình đã trúng khóm lan đột biến nên đưa riêng ra và đặt tên là lan Văn Cao.
Sau khi chăm sóc, vợ chồng ông tách kie, nhân giống loại lan này. Khoảng 2 năm trước, lan Văn Cao nở hoa lần 2. Vợ chồng ông nhắn trên mạng xã hội mời giới chơi lan đột biến về ngắm mặt hoa. "Trong suốt một tuần, tôi chỉ ở nhà đun nước pha trà tiếp khách, hết đoàn này đến đoàn khác. Bởi giới chơi lan từ khắp nơi kéo về ngắm hoa rất đông", vợ ông Cao kể lại.
Theo ông Cao, những người khác bán lan theo kie, theo cm. Tuy nhiên, ông bán theo giò. Với lan Văn Cao, đến nay ông đã bán được hơn chục giò, trong đó giò cao nhất được bán gần 500 triệu đồng. Các giò còn lại được bán với giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. "Lan đột biến không có giá cố định mà theo cảm xúc. Ví dụ, giò lan này tôi định giá 500 triệu đồng, nếu tôi quý khách mua thì bán 450 triệu đồng. Nếu không, thì phải đúng 500 triệu đồng mới bán", ông Cao chia sẻ.
Ngoài lan Văn Cao, ông Cao cũng sưu tầm nhiều loại lan có mặt hoa đẹp khác có tên như "5 cánh trắng Đại tướng", "Đa Hòa", "6 mắt Thái Bình", 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng Hòa Bình,... Mỗi một giò, ông ghi tên lên một tờ giấy nhắc, đánh giấu để nhận dạng theo cách của mình. Đồng thời, ông cũng không ngừng mua thêm lan rừng, trồng, chăm sóc để hy vọng có thể trúng sổ số một lần nữa.
Cũng theo ông Cao, hầu hết người mua bán lan đột biến hiện nay là theo niềm tin. Nếu chỉ nhìn cây, lá thì chẳng thể phân biệt đâu là lan đột biến, đâu là lan rừng mà phải nhìn mặt hoa. "Như bản thân tôi, dù có thâm niên hơn 20 năm chơi lan, nhưng cũng chẳng thể xác định đâu là lan đột biến nếu không nhìn mặt hoa. Vì vậy, với việc chỉ mua lan đột biến bằng niềm tin, số người chơi lan đột biến mua sai mặt hoa rất nhiều, nhất là với người mới đầu tư vào lan đột biến", ông Cao chia sẻ.