Nhận biết những dấu hiệu căng thẳng quá mức ở con và cách phòng tránh

Nguyễn Hạnh
30/04/2022 - 18:00
Nhận biết những dấu hiệu căng thẳng quá mức ở con và cách phòng tránh

Trẻ thay đổi đột ngột vì nhiều lý do.

Tính khí thất thường, bạo lực, nóng nảy, khó tập trung, khó ngủ, gặp ác mộng… có thể là những biểu hiện của căng thẳng và lo lắng ở trẻ.

Các dấu hiệu căng thẳng và lo lắng ở trẻ em thường xuất hiện những thay đổi về thể chất và hành vi. Phản ứng của mỗi trẻ em đối với căng thẳng khác nhau tùy theo độ tuổi, tính cách và kỹ năng đối phó.

Trẻ có thể không nhận ra sự lo lắng của mình và thường không thể giải thích đầy đủ vấn đề. Điều này có thể khiến nhiều bậc cha mẹ bỏ qua những nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi của con mình. Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ phải nhận ra các dấu hiệu căng thẳng ở con mình và hiểu các nguyên nhân có thể xảy ra. Người lớn cần giúp trẻ quản lý căng thẳng và lo lắng. Trong nhiều trường hợp, một số trẻ có thể bị rối loạn lo âu cần đến sự trợ giúp của chuyên gia.

Lo lắng có thể khiến trẻ hành xử theo những cách khiến cha mẹ thất vọng hoặc bối rối. Người chăm sóc cần nhận ra rằng những vấn đề về hành vi và cảm xúc này có thể liên quan đến cảm giác lo lắng.

Một số dấu hiệu và hành vi phổ biến của căng thẳng và lo lắng bao gồm: thay đổi tâm trạng, bạo lực, nóng nảy hay đeo bám; xuất hiện các thói quen thần kinh như cắn móng tay; khó tập trung; sợ bóng tối, một mình hoặc người lạ; gặp rắc rối ở trường; không chịu đi học.

Căng thẳng và lo lắng cũng có thể biểu hiện về mặt thể chất. Một số dấu hiệu bao gồm: thường xuyên đau bụng hoặc nhức đầu; buồn nôn, khó ngủ, gặp ác mộng hoặc các triệu chứng thể chất khác.

Cha mẹ nên theo dõi tần suất các dấu hiệu này xuất hiện trước hoặc sau một số hoạt động nhất định và các triệu chứng kèm theo như đau, sốt, phát ban hoặc tiêu chảy.

Nhận biết những dấu hiệu căng thẳng quá mức ở con và cách phòng tránh - Ảnh 1.

Cha mẹ hãy kiên nhẫn giúp con giải tỏa stress.

Nguyên nhân gây căng thẳng ở trẻ em

Nguồn gốc của lo lắng và căng thẳng ở trẻ em có thể xuất phát từ các yếu tố bên ngoài như những khó khăn ở trường học, những thay đổi trong gia đình hoặc xung đột với bạn bè.

Lo lắng cũng có thể do căng thẳng về cảm xúc bên trong gây ra, chẳng hạn như muốn học tốt ở trường hoặc giao tiếp xã hội với bạn bè đồng trang lứa.

Các nguyên nhân phổ biến gây căng thẳng ở trẻ em bao gồm:

Áp lực trường học: Theo Medline Plus, một trang web của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ và Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, trường học có thể là một nguồn áp lực chính đối với trẻ em: "Nhiều trẻ em lo lắng về điểm số và căng thẳng học tập. Ngoài ra, các vấn đề về bạn bè, bắt nạt hoặc áp lực từ bạn bè đều có thể khiến trẻ cảm thấy căng thẳng".

Những thay đổi lớn trong gia đình: Những gián đoạn lớn trong cuộc sống như cha mẹ ly hôn, mất người thân, chuyển nhà hoặc thêm anh chị em mới có thể làm lung lay cảm giác an toàn của trẻ, dẫn đến bối rối và lo lắng.

Chẳng hạn, khi cha mẹ sinh thêm con, trẻ có thể cảm thấy bị đe dọa và ghen tị; việc người thân đột ngột qua đời có thể khiến trẻ bị chấn động tâm lý, đau buồn dẫn đến chứng sợ hãi cái chết...

Lịch học dày đặc: Việc liên tục chạy hết lịch này sang lịch khác có thể khiến trẻ rất căng thẳng vì chúng cần thời gian để nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động thể chất.

Internet tiêu cực: Bạo lực, khủng bố và các điều tiêu cực trên Internet có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu. Khi nhìn thấy và nghe thấy những tin tức tiêu cực, một số trẻ có xu hướng lo lắng rằng những điều tồi tệ tương tự sẽ xảy ra với bản thân hoặc các thành viên trong gia đình.

Tuổi dậy thì: Trải qua những thay đổi về thể chất trong thời kỳ thanh thiếu niên cũng có thể gây căng thẳng. Khoảng thời gian này đầy rẫy những ẩn số khó chịu và khó xử có thể khiến trẻ căng thẳng.

Cách giúp con bạn đối phó với căng thẳng

Có nhiều cách lành mạnh để giúp trẻ đối phó với căng thẳng và lo lắng. Cái chúng cần là sự giúp đỡ và hướng dẫn của người lớn chứ không phải sự kiểm soát và điều khiển.

Bình tĩnh và kiên nhẫn: Điều quan trọng là phải bình tĩnh và thừa nhận cảm xúc của con bạn. Gửi thông điệp rằng bạn hiểu cảm xúc của con mình thông qua lời nói, ngôn ngữ cơ thể với giọng điệu yêu thương. Nếu trẻ không muốn đi học, hãy từ từ và kiên nhẫn thuyết phục để trẻ hiểu.

Tạo thói quen: Duy trì các thói quen như đi học, giờ ăn hoặc đi ngủ là điều cần thiết. Tiến sĩ Hackney cho biết: Các thói quen đặc biệt quan trọng đối với trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ vì thói quen có thể giúp trẻ cảm thấy kiểm soát được và "xây dựng cảm giác bình tĩnh ở mức độ nhất định".

Ngoài ra, việc duy trì giờ đi ngủ cố định cũng đặc biệt quan trọng vì trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể cảm thấy căng thẳng khi quá mệt mỏi. Để giúp con bạn đối phó với những căng thẳng trong cuộc sống, hãy đảm bảo con bạn ngủ đủ giấc, chế độ ăn uống lành mạnh và vận động hàng ngày.

Cho trẻ quyền lựa chọn: Hãy để con bạn kiểm soát, lựa chọn hoặc giải quyết một số vấn đề trong cuộc sống của chúng. Cha mẹ hãy ở bên con cái, cho chúng biết trước những thay đổi có thể xảy ra và thảo luận về những tình huống mới như chuyển nhà, chuyển trường,… Ngoài ra, người lớn nên hỗ trợ trẻ tham gia các hoạt động xã hội và thể chất để tạo cho trẻ lối sống năng động.

Chú ý đến những chương trình con bạn đang xem: Cha mẹ nên để ý đến các chương trình truyền hình, trò chơi điện tử, sách báo hoặc mạng xã hội của con mình. Những câu chuyện hư cấu cũng có thể gây ra lo lắng hoặc đau khổ ở trẻ em. Trẻ em có thể bị ảnh hưởng bởi bất kỳ tình huống đáng sợ, bạo lực hoặc khó chịu trong các tin tức đó.

Tăng thêm tình yêu thương bằng những cái ôm và nụ hôn: Những cái ôm và nụ hôn hàng ngày có thể giúp ích khi con bạn thích nghi với sự thay đổi.

Cho dù tác nhân gây căng thẳng là tích cực hay tiêu cực, việc nuôi dưỡng cảm xúc có thể giúp xây dựng sự tự tin và khả năng tự điều chỉnh của con bạn, giúp chúng linh hoạt và kiên cường hơn.

Nguồn: Parents
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm