Nhật Bản: Phát hiện giáo viên chính quy dạy ở trung tâm luyện thi sẽ sa thải

14/08/2018 - 12:19
Tại Nhật Bản, giáo viên ở các trường chính quy không được tham gia giảng dạy ở trung tâm luyện thi. Nếu người nào vi phạm sẽ bị sa thải, hiệu trưởng trường đó phải từ chức. Các trung tâm luyện thi này phải hoàn toàn độc lập, được cấp phép và trở thành ngành kinh doanh giáo dục lớn ở Nhật.

Juku dành cho trẻ ham học 

Tại Nhật Bản, hầu hết học sinh dành phần lớn quỹ thời gian cho việc học tập tại trường. Tuy nhiên, việc học trên lớp chỉ giải quyết được những vấn đề cơ bản nên nhiều trung tâm học thêm và luyện thi đã được ra đời để đáp ứng nhu cầu của những em ham học. Những trung tâm này có tên là juku (hay còn gọi là cram schools). Juku do tư nhân quản lý, nhằm bổ sung bài học ở trường và đặc biệt là để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển vào các cấp độ tiếp theo. 1/3 trẻ em ở Nhật được gửi đến những tổ chức này. Lớp học thêm thường được tổ chức vào chiều muộn hoặc buổi tối, thường là lúc trẻ em có thời gian rảnh rỗi.

juku.jpg
Tại Nhật Bản, hầu hết học sinh dành phần lớn quỹ thời gian cho việc học tập ở trường.

 

Hệ thống juku ở Nhật chủ yếu hướng tới việc truyền đạt kiến thức cho học sinh càng nhiều càng tốt trong thời gian ngắn nhất. Cũng nhiều người lên tiếng chỉ trích rằng giáo dục như vậy là “học vẹt”, thiếu sự đào sâu suy nghĩ và phân tích, làm cho học sinh bị mụ mị đầu óc và thiếu năng động.

 

Lực lượng giáo viên giáo dục chính quy và các trung tâm luyện thi, câu lạc bộ năng khiếu độc lập với nhau, không được làm việc lẫn lộn. Các trung tâm luyện thi, các câu lạc bộ năng khiếu nằm ngoài hệ thống giáo dục, nhưng phải đăng ký và đóng thuế thu nhập. Giáo viên nào bị phát hiện dạy thêm ngoài hoạt động chính quy sẽ bị sa thải, hiệu trưởng trường đó phải từ chức.

 

Ngày càng có nhiều bậc cha mẹ Nhật Bản muốn cho con theo học ở juku và họ có khả năng chi trả mức học phí rất cao ở những trường này. Bà Toshiko Matsumura, có con trai 12 tuổi, theo học một juku 4 ngày/tuần nhấn mạnh về lợi thế của trường tư. “Ngày nay, các trường tư cung cấp môi trường học tập tốt hơn so với các trường công. Giáo viên thực sự quan tâm đến học sinh, do vậy học sinh có thêm cơ hội đạt kết quả tốt”.

 

Chính lý do này nên dù học phí ở mức cao, các juku vẫn có đông học sinh tham gia. Học phí với học sinh lớp 6 vào khoảng 35.000 - 50.000 yen/tháng, mỗi ngày học 4 tiếng, mỗi tuần học 4 ngày. Học sinh cấp 2 phải trả mức học phí khoảng 30.000 yen/tháng, mỗi ngày học 3 tiếng, mỗi tuần học 3 ngày. Học phí của trường Rinkai Seminar - được coi là có mức học phí rất phải chăng - cũng lên tới 800.000 yen/năm đối với học sinh lớp 6. 

 

Những lưu ý dành cho phụ huynh 

Khắp Nhật Bản có hơn 50.000 juku, trường luyện thi đã trở thành một phần có mặt khắp nơi trong hệ thống giáo dục Nhật Bản, mang lại doanh thu 10 nghìn tỷ yen mỗi năm. Theo điều tra năm 2002 của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, 39% HS trường tiểu học công, 75% học sinh trường THCS công và 38% học sinh THPT công theo học ở các juku.

camdaythemonhatban-1.jpg
Một buổi dã ngoại của học sinh tiểu học Nhật Bản

 

Ngoài những trường hàng đầu, còn có hàng ngàn trường juku cỡ trung bình ở các địa phương và các trường nhỏ hơn với hơn chục giáo viên. Chị Kanako Kitamura (Tokyo) có con trai 12 tuổi vừa đỗ vào một trường danh tiếng sau khi theo học juku một năm, nói: “Các giáo viên của con tôi ở juku rất nghiêm túc và quan tâm tới học sinh. Quả thực, học phí 800.000 yen một năm thật lớn song cũng đáng tiền”.

 

Tuy nhiên, chính vì sự bùng nổ của hàng ngàn juku nên việc lựa chọn những juku tốt thật sự, vẫn khiến không ít phụ huynh đau đầu. Giống như các công ty khác, một cơ sở luyện thi phải có lợi nhuận thì mới tồn tại được. Vì vậy, ban quản lý muốn cung cấp dịch vụ tới càng nhiều học sinh càng tốt với lượng tối thiểu giáo viên. Điều này đôi khi dẫn đến các vấn đề như học sinh ở các trình độ và động cơ học tập khác nhau lại được xếp học cùng một lớp.

 

Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đang thảo luận về chương trình cải cách giáo dục, trong đó xem xét việc bãi bỏ bao cấp cho giáo dục bắt buộc. Các nhà quan sát nhận định, nếu nhà nước cắt trợ cấp cho ngành giáo dục, chính phủ sẽ được tự do hơn về tài chính cũng như về giám sát giáo dục.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm