pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục bị coi là quấy rối tình dục: Mơ hồ và khó chứng minh
Những hành vi nhạy cảm, không được đối phương chấp nhận được xem là quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Ảnh minh họa
Làm cách nào để thu thập bằng chứng?
"Tôi thấy một số quy định trong dự thảo Bộ quy tắc này chưa hợp lý, chưa phù hợp với môi trường công sở. Chẳng hạn, một cái nháy mắt bạn bè trêu nhau thì không thể tính là hành vi quấy rối tình dục. Hành vi quấy rối tình dục nơi công sở rất khó xử lý nếu khổ chủ không trình bày, không nói ra, cộng với bằng chứng thì phải có ghi âm hoặc camera ghi hình. Nếu dự thảo áp dụng rộng rãi dễ gây tâm lý mọi người dè chừng nhau hơn, không còn cởi mở, thân thiện với nhau", chị Lê Thị Quỳnh (35 tuổi), một nhân viên văn phòng, bày tỏ.
Anh Tuấn Anh, một viên chức tại Hà Nội, cho biết, những khái niệm này rất mơ hồ, có thể dẫn đến những tranh chấp, thậm chí bôi nhọ vì mục đích trả thù cá nhân.
"Có thước nào đo, nhận biết cách nhìn và độ liên tục của cái nháy mắt để biết ở mức nào thì quy vào quấy rối tình dục không? Nhìn gợi tình bị coi là quấy rối tình dục thì làm cách nào để thu thập bằng chứng? Nếu quy định như vậy thì phải lắp camera ở rất nhiều nơi, nhiều góc, độ phân giải phải cực cao mới có bằng chứng tố cáo đồng nghiệp nào đó quấy rối tình dục bằng mắt được. Muốn tố ai đó quấy rối tình dục mình với cái nhìn gợi tình thì phải chụp ảnh trực diện, ngay khoảnh khắc đó rồi còn phải lập ra một hội đồng để phán xét xem ánh mắt như thế có phải là gợi tình hay không. Tôi cho rằng bộ quy tắc này không phù hợp", anh Tuấn Anh nói.
Nhiều người cho rằng, dù Bộ quy tắc không phải điều luật nhưng một khi được đưa vào nội quy cơ quan, công sở thì sẽ liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo, xử lý, kỷ luật, nghĩa là liên quan đến danh dự con người nên cần rõ ràng.
Dễ thành công cụ tố nhau?
Trao đổi với PV Báo PNVN, ông Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), cho rằng, rất khó để xác định việc quấy rối tình dục nơi công sở, nhất là với hành vi, lời nói thoáng qua, hay cử chỉ như nháy mắt, nhìn gợi tình... "Tôi cho rằng không cần tới Bộ quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, những công nhân, lao động, cán bộ, công nhân, viên chức vẫn thực hiện tốt điều này. Quan trọng nhất là mỗi thành viên cần thực hiện tốt, chuẩn mực các nguyên tắc ứng xử nơi công cộng, nơi làm việc vì trong nội quy nơi làm việc cũng có đề cập tới các vấn đề này", ông Bình nói.
Cũng theo ông Trịnh Hòa Bình, rất khó để làm rõ các khái niệm, định nghĩa, hành vi, nhất là hành vi kiểu nháy mắt, để quy kết liệu nó có phải là quấy rối tình dục hay không. Đó là chưa kể, ngoài mặt có thể người tiếp nhận không thể hiện là không đồng thuận nhưng trong lòng thì không thấy thoải mái, vui vẻ về các hành vi này. Nhiều trường hợp nạn nhân bị quấy rối tình dục là cấp dưới và việc thể hiện "không đồng thuận" là rất khó. "Ban hành thì dễ nhưng thực hiện thế nào cho đúng, chuẩn mực thì rất khó. Đó là chưa kể tới việc nếu không đưa ra được các tiêu chí đánh giá, giám sát, báo cáo cụ thể thì có thể nó sẽ là kênh để tố nhau khi không vừa lòng một ai đó", ông Bình nói.
Ông Bình cho rằng, Bộ quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc thể hiện sự máy móc, thậm chí không thể giải quyết được. "Khi xây dựng Bộ quy tắc ứng xử hay quy định của một văn bản quy phạm pháp luật, việc đầu tiên là phải dễ hiểu và không thể hiểu nhiều cách khác nhau. Nếu càng đi vào chi tiết càng phải đòi hỏi độ chính xác cao. Đối với những quy định mơ hồ, không xác định được tính chất của hành vi thì không áp dụng được vào thực tế", ông Bình nói.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan vào dự thảo Bộ quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Theo đó, quấy rối tình dục tại nơi làm việc được định nghĩa là hành vi "có tính chất tình dục của bất kỳ người nào với người khác mà đối phương không mong muốn hoặc không chấp nhận". Dự thảo phân chia quấy rối tình dục tại nơi làm việc dưới 3 hình thức, gồm:
- Quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất như có hành động, cử chỉ, tiếp xúc cơ thể hoặc cố tình động chạm, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp... cho tới cưỡng dâm, hiếp dâm.
- Quấy rối bằng lời nói trực tiếp, qua điện thoại, phương tiện điện tử có nội dung tình dục, kể truyện cười gợi ý về tình dục, có lời lẽ khiếm nhã về trang phục, cơ thể của người nào đó khi có mặt hoặc nhằm vào họ, mời đi chơi mang tính cá nhân, riêng tư một cách liên tục...
- Quấy rối tình dục phi lời nói gồm dùng ngôn ngữ cơ thể, nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, dùng cử chỉ ngón tay, phô bày tài liệu khiêu dâm, gửi ảnh, đồ vật, tin nhắn liên quan tới tình dục.
Ngược lại, các hành vi không được coi là quấy rối tình dục bao gồm: khen ngợi, khích lệ thông thường. Còn hành vi giao cấu đồng thuận (trừ hành vi cấm như giao cấu với trẻ em) được đối phương đáp ứng lại dù không được xem là quấy rối nhưng có thể vi phạm kỷ luật lao động doanh nghiệp nếu có trong nội quy công ty.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể xảy ra dưới nhiều hình thức, dạng trao đổi như gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy lợi ích, hoặc không nhằm mục đích trao đổi nhưng khiến môi trường làm việc khó chịu và bất an. Do đó, các hành vi này cần ngăn chặn, phòng ngừa qua các quy tắc cụ thể.