pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhức nhối tình trạng lao động trẻ em ở Lục địa Đen
Đổi mạng kiếm tiền dưới các hầm mỏ
Bên cạnh nghèo đói, lạc hậu và bệnh tật, một vấn đề nữa mà các quốc gia châu Phi đang phải đối mặt là việc sử dụng bất hợp pháp lao động trẻ em. 73 triệu trẻ em đang bị bóc lột sức lao động, trong đó hơn 1 triệu trẻ em đang làm việc tại các khu mỏ ở châu Phi với điều kiện lao động hết sức ngặt nghèo. Với một trữ lượng khổng lồ vàng, kim cương, cobalt … cùng nhiều khoáng sản có giá trị cao khác đòi hỏi một số lượng nhân công khổng lồ. Trẻ em là đối tượng bị lôi kéo nhiều nhất do chi phí nhân công rẻ và việc bắt buộc trẻ em làm việc dễ hơn nhiều so với người lớn, các em không có đòi hỏi về điều kiện lao động.
Tháng 12/2019, Tòa án liên bang tại Washington (Mỹ) nhận được một đơn kiện, tố cáo Tập đoàn Công nghệ Alphabet (công ty mẹ của Google, Apple, Tesla, Microsoft và Dell) tội áp bức lao động trẻ em tại Congo, một quốc gia ở Trung Phi. Một loạt báo cáo, hình ảnh làm bằng chứng cũng được gửi kèm. Nó cho thấy thực trạng bóc lột lao động trẻ em tàn tệ nhất thế kỷ 21. Nguyên đơn là nhóm Ủng hộ Nhân quyền Quốc tế (IRA). Họ thay mặt cho các gia đình Congo có con em ngày ngày cực khổ khai thác cobalt trong các mỏ quặng nhiễm độc.
Congo là đất nước cung cấp một nửa sản lượng coban, vật liệu bắt buộc phải có để sản xuất điện thoại thông minh, máy tính xách tay ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, quặng cobalt có độc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người khai thác. Khoảng 35.000 lao động chưa thành niên bị ném vào các mỏ khai thác, phải đào, đãi coban liên tục suốt 12 giờ/ngày, 6 ngày/tuần với mức tiền công chỉ 1,5 USD/ngày.
Sau cuộc điều tra của Sky News về nạn bóc lột lao động trẻ em trong khai thác Cobalt tại châu Phi, hình ảnh những đứa trẻ bị tàn tật hoặc mất chân tay cũng đã được đính kèm trong các tài liệu thụ án tại tòa án của Mỹ ở Washington DC. 6 trong số 14 trẻ em được nêu trong nguyên đơn đã thiệt mạng trong các vụ sập hầm, trong khi những em nhỏ khác bị chấn thương ảnh hưởng vĩnh viễn cuộc sống còn lại, bao gồm cả tê liệt.
Còn người dân Burkina Faso luôn là nạn nhân của các cuộc đảo chính quân sự và tình trạng hạn hán kéo dài. Cuộc sống nghèo khó khiến đào vàng giờ là nguồn sống duy nhất của rất nhiều người. Một sự thật đáng buồn là phần lớn thợ đào vàng ở đây lại là trẻ em. Mỗi ngày, các em phải liều mình chui xuống các hầm đào vàng tự chế để kiếm tiền sống qua ngày. Ước tính, có khoảng 700.000 trẻ em và thanh thiếu niên đang làm việc tại các mỏ vàng trái phép ở Burkina Faso.
Thách thức mang tính cấp thiết
Nhiều trẻ em ở châu Phi còn phải giúp việc cho các gia đình giàu có, làm việc trên các đồn điền hoặc bán dâm để có tiền giúp đỡ gia đình. Các em đã bị đánh cắp tuổi thơ, sống trong nghèo khó và không được đến trường. Diallo Assitan Fofana, Chủ tịch Hiệp hội thúc đẩy và bảo vệ quyền lao động nữ và trẻ em ở Mali nói rằng, ở Mali, hàng nghìn cô gái trẻ di chuyển từ nông thôn đến thành phố.
Họ là những người lao động nhập cư làm việc trong các hộ gia đình để giúp đỡ cha mẹ. Nhiều người là trẻ vị thành niên chưa từng đến trường hoặc đã bỏ học. Tổ chức Lao động Quốc tế Liên hợp quốc (ILO) quy định độ tuổi lao động tối thiểu là 15. Tuy nhiên, tiêu chuẩn quốc tế thường chỉ được đưa vào một phần trong luật quốc gia.
Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cam kết chấm dứt lao động trẻ em vào năm 2025. Tuy nhiên, xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em đã trở thành một trong những thách thức mang tính cấp thiết nhất hiện nay nhằm tránh gây tổn thương lâu dài về thể chất, tâm lý và tinh thần cho các em. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, các quốc gia cần phải nỗ lực hơn nữa, đồng thời phát triển các chính sách và chương trình thúc đẩy tiến bộ thực sự trong loại trừ lao động trẻ em và hành động tập thể để thúc đẩy phong trào toàn cầu chống lao động trẻ em.
Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) mới đây kêu gọi các nước thành viên và các đối tác hợp tác cùng nỗ lực xóa bỏ nạn lao động trẻ em. Kết quả đạt được trong việc hạn chế vấn đề này được kỳ vọng giúp giảm thiểu làn sóng di cư, một trong những vấn đề gai góc nhất ở "Lục địa Đen".
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ), các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp cho những thách thức trọng tâm của "Lục địa Đen", trong đó có vấn đề sử dụng lao động trẻ em. Theo các chuyên gia, trẻ em châu Phi không được tiếp cận các nguồn lực học tập như các bạn đồng trang lứa ở các nước phát triển, dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh trong thời đại số.
Giải pháp được đưa ra là thúc đẩy đầu tư vào giáo dục, trong đó có các dự án truyền đạt kỹ năng mới cho trẻ. Bạo lực và nghèo đói là một phần lý do khiến trẻ em tại châu Phi phải bỏ nhà cửa để tìm nơi an toàn. Hạn chế, tiến tới loại bỏ các nguyên nhân sử dụng lao động trẻ em sẽ giúp giảm tình trạng di cư, qua đó đưa kinh tế lục địa này thoát khỏi sự trì trệ.