Những bà bầu “bất đắc dĩ” ở Chile

Những bà bầu "bất đắc dĩ" ở Chile


Ít nhất 170 phụ nữ ở Chile cho biết đã mang thai khi dùng Anulette, một loại thuốc tránh thai do Silesia - công ty con của Công ty dược phẩm Đức Grünenthal - sản xuất.

Câu chuyện của Tabita Rojas

Tháng 3/2020, Tabita Rojas được phát hiện có một khối u nang buồng trứng trong người. Bác sĩ cho biết có thể là do que cấy ngừa thai gây ra. Sau đó, bác sĩ khuyên cô nên ngừa thai bằng việc uống thuốc tránh thai và kê đơn Anulette cho cô. Rojas không suy nghĩ nhiều về việc thay đổi phương pháp tránh thai. Trước đó, cô từng uống thuốc tránh thai và hiểu rằng điều này không ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân.

Năm 17 tuổi, Rojas đã phải nghỉ việc khi đang làm trong một chương trình về tội phạm vì cô mang thai. Sau đó 2 năm, Rojas mang thai đứa con thứ hai. Cô cho biết: "Tôi đã phải gạt tất cả mọi điều sang một bên và dành hết tâm trí cho con trai mình".

Tuy nhiên, đầu năm 2020, mọi thứ một lần nữa đã thay đổi cuộc đời Rojas. Hai con trai cô, hiện 11 tuổi và 9 tuổi, đã tự lập hơn. Rojas cũng được cấp một mảnh đất nhỏ để xây nhà. Cô đã tiết kiệm tiền và dự định chuyển ra khỏi nhà cũ - nơi cô và các con sống cùng 3 thành viên khác trong gia đình.

Những bà bầu “bất đắc dĩ” ở Chile - Ảnh 1.

Lần siêu âm vào tháng 9/2020 của Rojas cho thấy cô đang mang thai khoảng 6 tuần.

Sau đó, Rojas gặp người yêu mới. Cô và bạn trai đã quyết định không có con chung. "Chúng tôi không đủ khả năng tài chính sinh thêm con nữa", cô tâm sự.

Nhưng vào tháng 9/2020, chỉ 5 tháng sau khi Rojas bắt đầu dùng Anulette, cô phát hiện ra mình có thai lần nữa. Sau đó, cô thấy các bài đăng về Anulette trên Facebook với thông tin số thuốc này đã được Viện Y tế Cộng đồng Chile - Instituto de Salud Pública de Chile (ISP) thu hồi vào tháng trước.

"Tôi định uống hết hộp thứ 2 (3 hộp theo quy định) thì tôi phát hiện ra chúng có vấn đề", cô nói. Lúc đó Rojas đã mang thai được 6 tuần.

Những bà bầu “bất đắc dĩ” ở Chile - Ảnh 2.

Ngày 21/2/2021, cơ quan y tế Chile đã gửi thư trả lời Tabita Rojas về Anulette (ảnh trái); Cảnh báo được đưa ra vào ngày 24/8/2020 của ISP về việc thu hồi lô thuốc Anulette bị lỗi đầu tiên (ảnh phải). Nguồn: Tabita Rojas, ISP

Những bà bầu “bất đắc dĩ” ở Chile - Ảnh 3.

Các vỉ thuốc tránh thai Anulette mà Rojas đã uống gần 3 tháng trước khi phát hiện ra chúng đã bị thu hồi vào tháng 8/2020.

Câu chuyện của Melanie Riffo

Melanie Riffo, một cô gái 20 tuổi ở Chile, cũng mang thai ngoài ý muốn do uống Anulette.

Riffo cho biết cô đã uống thuốc tránh thai nhưng không có tác dụng. Cô và bạn trai đã cẩn thận về vấn đề mang thai. Bạn trai cô thậm chí còn được các bác sĩ cho biết rằng một căn bệnh anh mắc phải khi nhỏ có thể khiến anh bị vô sinh.

Những bà bầu “bất đắc dĩ” ở Chile - Ảnh 2.

Riffo và bạn trai. Ảnh: The New York Times

Riffo là nhân viên thu ngân tại một nhà hàng sushi ở thành phố Chile. Cô gái trẻ không biết gì về việc thuốc tránh thai Anulette bị lỗi. Trước đây, Riffo sống với mẹ mình, sau đó cô sống chung với bạn trai trong 6 tháng. Ý nghĩ mang thai một đứa trẻ khiến Riffo vô cùng hoảng loạn.

"Tôi không có nghề nghiệp, không có bất cứ thứ gì ổn định, tôi không có nhà để cho con tôi một chỗ ở an toàn. Nhưng tôi vẫn phải sinh con, tôi không còn lựa nào khác vì luật phá thai ở Chile rất nghiêm ngặt" - lời chia sẻ của Riffo

Trong những tuần gần đây, khi bụng to lên, Riffo cho biết cô đã phải chống chọi với chứng trầm cảm và lo lắng đến mức được kê thuốc an thần và phải xin nghỉ việc. Cô chia sẻ khoảnh khắc mà cô và bạn trai cho rằng thật đáng sợ lại là điều mà nhiều bà mẹ khác mong ước.

"Tôi không mong con mình chào đời trong hoàn cảnh này. Điều đó làm cho tôi cảm thấy thật khủng khiếp", Riffo chia sẻ.

Câu chuyện của González

Nhiều câu chuyện tương tự cũng đã diễn ra trên khắp Chile.

"Tôi chưa bao giờ hạnh phúc với lần mang thai này. Mỗi đêm tôi đã khóc vì nghĩ rằng mình không muốn có em bé. Tôi không có lựa chọn nào khác" - González chia sẻ.

González, bà mẹ 4 con ở Chile, đã mang thai lần thứ 5 vào tháng 5/2020. Cô uống Anulette trong vòng 8 tháng. González cho biết cô uống Anulette đều đặn mỗi sáng. González cũng nhấn mạnh rằng: "Phụ nữ chúng tôi luôn đặt nhắc nhở cho những vấn đề như thế". Khi nghe tin tức về Anulette, cô hoàn toàn không dám tin mọi chuyện là thật. Cuộc sống cá nhân của cô rất phức tạp, còn tài chính thì vô cùng hạn hẹp sau khi mất công việc bán quần áo cũ ở quầy hàng trong một khu chợ.

Theo đó, luật phá thai ở Chile rất nghiêm ngặt, cấm phụ nữ bỏ thai ngoại trừ 3 trường nếu việc mang thai là do bị cưỡng hiếp, khi thai nhi được xác định là không có ý thức hoặc nếu tính mạng của người mẹ gặp nguy hiểm. González kể về nổi khổ của bản thân và cách cô cố gắng che giấu phần bụng ngày càng lớn của mình.

Những bà bầu “bất đắc dĩ” ở Chile - Ảnh 7.

Một cuộc biểu tình ủng hộ quyền phá thai ở Santiago, Chile, vào năm 2017. Ảnh: The New York Times

"Tôi đã giấu chuyện mang thai trong một thời gian dài, để mọi người không hỏi tôi đó là con của ai, bởi vì tôi không sống cùng chồng, cũng như việc phải giải thích rằng chúng tôi đã ly thân. Với bản thân tôi, đây là một việc rất phức tạp rồi, huống chi là người khác".

Thu hồi Anulette do lỗi sản xuất

Anulette là thuốc tránh thai dạng uống kết hợp 28 ngày. Vỉ thuốc gồm 21 viên chứa hormone có tác dụng ngăn trứng rụng và 7 viên giả dược để duy trì uống hàng ngày trong chu kỳ kinh nguyệt.

Theo đó, thuốc tránh thai hoạt động bằng cách kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt để tránh thai. Có nhiều loại thuốc tránh thai khác nhau nhưng một trong những loại phổ biến nhất là viên uống tránh thai kết hợp 28 ngày. Với những loại thuốc này, người sử dụng uống 1 viên mỗi ngày đều đặn trong 28 ngày.

Với những phụ nữ ở Chile, loại thuốc tránh thai do ISP cấp phát này đã bị lỗi. Theo đó, trong 1 lô, các viên giả dược (màu xanh) và viên có hormone (màu vàng) bị sắp xếp lẫn lộn và sai vị trí. Trong 1 lô khác, thuốc còn bị thiếu hoặc bị vỡ. Người dùng thuốc cho biết những điều này dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn.

Những bà bầu “bất đắc dĩ” ở Chile - Ảnh 6.

Ảnh minh họa các viên thuốc bị xếp không theo thứ tự hoặc bị nát

Ngày 24/8/2020, lô đầu tiên gồm 139.160 gói thuốc Anulette đã bị thu hồi sau khi nhân viên y tế tại một phòng khám sức khỏe ở một vùng nông thôn cho biết có 6 vỉ thuốc bị lỗi. Theo đó dựa trên thông tin từ ISP, người ta phát hiện viên giả dược (viên màu xanh) đã được tìm thấy ở vị trí của viên hormone (viên màu vàng) và ngược lại - Thông tin về lần thu hồi Anulette đầu tiên

Trong thông báo được công bố vào ngày 29/8/2020, ISP cho biết đơn vị sản xuất Anulette, công ty Laboratorios Silesia SA (Silesia), đã được thông tin về điều này và hiện đang thu hồi lô hàng bị lỗi. ISP sau đó khuyến cáo các trung tâm y tế để riêng số thuốc bị lỗi.

Sau đó, một bài đăng trên Twitter từ tài khoản của ISP cảnh báo những người sử dụng Anulette về việc thu hồi. Tuy nhiên, nếu không có một chiến dịch toàn quốc thông báo trực tiếp đến cho người dân thì việc thu hồi hầu như không được chú ý.

Một tuần sau lần thu hồi đầu tiên, vào ngày 3/9/2020, lỗi tương tự cũng được phát hiện trong 6 vỉ thuốc từ một lô khác tại một phòng khám ở Santiago, Chile. Theo ISP, lần này các vỉ thuốc bị thiếu mất một số viên, trong khi một số khác bị nghiền nát. Vào thời điểm phát hiện vấn đề, Silesia cho biết họ đã phân phát 137.730 vỉ thuốc cho các trung tâm y tế.

Lần này ISP cho biết họ sẽ đình chỉ đăng ký của Công ty Silesia cho tới khi công ty này cải thiện quy trình sản xuất và chất lượng. Nhưng điều đó lại quá muộn. Theo tài khoản của nhà sản xuất, tổng cộng 276.890 vỉ Anulette từ hai lô bị lỗi, tất cả đều có hạn sử dụng vào tháng 1/2022 đã được phân phối đến các trung tâm kế hoạch hóa gia đình trên khắp Chile.

Vào ngày 8/9/2020, chưa đầy một tuần sau khi Silesia bị đình chỉ, ISP đã ban hành một văn bản khác thay đổi quyết định trước đó. Trong văn bản đăng tải trên trang web, cơ quan y tế cho biết Anulette một lần nữa có thể được phân phối. Cơ quan này tuyên bố rằng các sai sót trong bao bì có thể dễ dàng được phát hiện và các nhân viên y tế có trách nhiệm thông báo cho người sử dụng thuốc. Giám đốc ISP, Heriberto Garcia, ủng hộ quyết định đưa Anulette trở lại thị trường.

Bộ Y tế Chile cho biết họ đã thông báo cho dịch vụ y tế công cộng để thông báo cho người dùng đã sử dụng Anullette và có lựa chọn thích hợp, đồng thời nói rằng họ đã cung cấp hỗ trợ và tư vấn cho nhân viên sức khỏe sinh sản để hỗ trợ những phụ nữ có thể đã bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về chất lượng của các biện pháp tránh thai.

Tuy nhiên, Rojas cho biết cô chỉ được phòng khám địa phương thông báo về những viên thuốc bị lỗi sau khi cô đi khám sức khỏe tiền sản. Trong khi đó, Rodriguez nói rằng không ai liên lạc với cô ấy.

Những bà bầu “bất đắc dĩ” ở Chile - Ảnh 10.

Javiera Canales là giám đốc điều hành của Miles, một nhóm bảo vệ quyền sinh sản. Ảnh: The New York Times

Những bà bầu “bất đắc dĩ” ở Chile - Ảnh 10.

Laura Dragnic, điều phối viên Pháp lý của Miles

Do đó, để giúp nhiều phụ nữ biết đến vấn đề này, tổ chức về quyền sinh sản và tình dục mang tên Miles đã thực hiện một chiến dịch truyền thông và sử dụng mạng xã hội để thông tin vấn đề.

Điều phối viên pháp lý Laura Dragnic của Miles cho biết: "Sau khi đăng thông tin lên Instagram, chúng tôi bắt đầu nhận được email từ những phụ nữ, nói rằng họ đã mang thai do uống Anulette".

Đến tháng 10/2020, khoảng 40 phụ nữ đã liên lạc với tổ chức này. Theo Miles, sau nhiều lần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, đã có thêm 70 phụ nữ nữa liên hệ. Con số hiện tại là 170 nhưng Dragnic cho biết con số này rất có thể sẽ tăng lên khi phụ nữ nông thôn hoặc những người không có internet hoặc tivi được thông tin vấn đề.

"Chúng tôi cho rằng có nhiều phụ nữ gặp rắc rối với vấn đề này, đặc biệt là bởi chính phủ không nhận bất kỳ trách nhiệm nào. Ngoài ra, chính phủ cũng không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc quy định đặc biệt nào về việc phá thai đối với những phụ nữ mang thai do uống phải thuốc Anulette lỗi" - Laura Dragnic cho biết

6 tháng sau lần thu hồi đầu tiên, cơ quan y tế thông báo rằng sản xuất của Anulette đã bị phạt số tiền khoảng 66,5 triệu peso Chile (khoảng 2,1 tỉ đồng).

Miles và nhiều tổ chức khác đang kêu gọi chính phủ bồi thường cho những phụ nữ bị ảnh hưởng bởi Anualette, đồng thời cho phép những người không muốn giữ thai tiếp cận phá thai an toàn và hợp pháp.

Không phải là trường hợp đầu tiên

Sự việc thu hồi thuốc như trên không phải là lần đầu tiên diễn ra ở Chile. Trước đó, các vấn đề sản xuất bắt đầu ngay sau khi nhà máy Grünenthal mở cửa và đã ảnh hưởng đến một loạt các loại thuốc tránh thai không chỉ được bán bởi Silesia mà còn cả công ty con khác của Grünenthal ở Chile.

Vào năm 2018, Tinelle, một loại thuốc tránh thai trong danh mục đầu tư của Silesia, đã rút khỏi thị trường sau khi chuyển đổi thứ tự của viên hormone và giả dược (giữ nguyên số lượng của mỗi viên nhưng được sắp xếp theo thứ tự khác nhau). Người phát ngôn của Grunenthal, Florian Dieckmann, cho biết: "Điều này khiến người sử dụng bối rối về trình tự mới của những viên thuốc". Sau đó, số thuốc này đã được đưa trở lại thị trường sau khi Silesia bổ sung vào phần hướng dẫn trên về cách uống các viên thuốc theo đúng trình tự.

Hai loại thuốc tránh thai khác, Minigest 15 và 20, được sản xuất bởi Andrómaco tại nhà máy Grünenthal Chile, đã bị thu hồi vào tháng 10/2020 sau khi qua quá trình kiểm tra độ ổn định của cơ quan y tế công cộng, ISP nhận thấy chúng không chứa đủ lượng hoạt chất hormone.

Người phát ngôn của Grunenthal cho biết tại thời điểm đóng gói, các viên thuốc có thành phần hoạt chất đúng tiêu chuẩn. Các viên thuốc đã tiếp xúc với nhiệt độ và độ ẩm quá cao trong toàn bộ thời hạn sử dụng của sản phẩm trong điều kiện phòng thí nghiệm. Có khả năng lý do là số thuốc này tiếp xúc với những điều kiện không tốt như thế trong một thời gian dài nên mới gây ra vấn đề trên.

Từ ngày 6/8 đến ngày 18/11/2020, các phòng khám sức khỏe trên khắp Chile đã báo cáo một loạt các vấn đề bao gồm các lỗ nhỏ được tìm thấy trên viên thuốc; viên thuốc có màu cam và đốm đen; thuốc bị ẩm và bị nghiền nát; hay việc không thể lấy hết toàn bộ viên thuốc ra ngoài, luôn để lại một lượng nhỏ thuốc còn lại bên trong.

Tổng cộng, ISP đã nhận được 26 đơn khiếu nại khác nhau về 15 lô thuốc Anulette nhưng chỉ có 2 lô được thu hồi.

Những bà bầu “bất đắc dĩ” ở Chile - Ảnh 8.

Ảnh minh họa

"Điều quan trọng là cần làm rõ rằng không phải tất cả các khiếu nại về sản phẩm đều dẫn đến việc thu hồi trên thị trường", ISP giải thích. "Sản phẩm bị thu hồi là những sản phẩm đã phát hiện ra các lỗi nghiêm trọng. Đây là trường hợp các lô hàng được thu hồi".

Ngoài việc công bố chi tiết về các vụ thu hồi nói trên trên trang web của mình, ISP đã không thông báo rộng rãi cho phụ nữ Chile về sự cố này. Bất chấp những thách thức của nó, Grünenthal vẫn là nhà cung cấp thuốc tránh thai hàng đầu của chính phủ Chile.

Theo ISP, 382.871 phụ nữ được kê đơn dùng Anulette và từ tháng 5/2019 đến tháng 1/2020.

Anulette và câu chuyện "họ Đổ tên Thừa"

Trong khi không ai phủ nhận các vấn đề sản xuất, Grünenthal, các công ty con ở Chile và đại diện chính phủ, dường như đều đang đỗ lỗi vấn đề cho nhau.

Dieckmann giải thích rằng công ty phát hiện ra việc thuốc tránh thai bị lỗi bắt nguồn từ một vấn đề trong dây chuyền sản xuất khiến một số viên thuốc bị dịch chuyển trong quá trình đóng gói. Điều đó dẫn đến tình trạng một số viên bị thiếu, đặt sai vị trí hoặc bị vỡ.

Người phát ngôn cũng chỉ ra rằng các viên thuốc tránh thai kết hợp sẽ không hiệu quả 100%. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong trường hợp được sử dụng đúng cách và phù hợp thì hàng năm, cứ 100 người thì có ít hơn 1 người mang thai.

Người phát ngôn của Grünenthal cho biết công ty chưa được liên hệ trực tiếp với bất kỳ phụ nữ bị ảnh hưởng nào.

Tháng 12/2020, vấn đề gây tranh cãi này được đưa lên sóng truyền hình công cộng Chile. Giám đốc y tế của Silesia, Leonardo Lourtau, cho biết ngoài việc công ty chịu trách nhiệm kiểm tra bao bì, các quan chức y tế cũng phải có trách nhiệm này và những người sử dụng thuốc đáng lý ra cũng nên như vậy.

Việc thu hồi thuốc không phải là điều bất thường nhưng nhà máy sản xuất của Grünenthal vẫn tiếp tục tiếp cận 168 triệu phụ nữ ở Mỹ Latinh, trong khi họ uống thuốc của công ty nhưng phải luôn cảnh giác với nguy cơ mang thai. Các nhóm bảo vệ quyền sinh sản cho biết rủi ro ngày càng cao hơn, bởi thực tế là những phụ nữ này vốn đã nghèo khó và bị thiệt thòi, không thể trông chờ vào sự hỗ trợ của chính phủ nếu có điều không như mong đợi xảy đến.

Bà Paula Avila Guillen, Giám đốc điều hành tại Trung tâm Bình đẳng Phụ nữ New York, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ và giám sát quyền sinh sản ở Mỹ Latinh cho biết nếu vụ thu hồi là về thịt hay thực phẩm không đảm bảo, cả nước sẽ biết ngay lập tức và sản phẩm ngay lập tức sẽ được rút khỏi thị trường. "Nhưng khi nói đến phụ nữ và vấn đề sức khỏe sinh sản, nhiều người lại không quan tâm", bà nói.

Vì vậy, Miles cùng những tổ chức đối tác khác đã viết thư gửi đến Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ và Liên Hợp Quốc, trong đó gọi sự việc này là "một trường hợp rõ ràng về phân biệt đối xử có hệ thống đối với phụ nữ".

Kim Ngọc
CNN