Chính trị - Xã hội

Những “bóng hồng” can trường của biệt động Sài Gòn

Chung Quốc Hưng 30/04/2020 - 08:04 AM
Những năm chống Mỹ, không ai không biết đến những trận đánh “kinh thiêng động địa” vào sào huyệt của chính quyền Sài Gòn và quân đội Mỹ. Những trận đánh đầy mưu trí, sáng tạo, anh dũng đó luôn gắn tên của lực lượng biệt động – binh chủng có một không hai, sống và đánh địch ngay trong lòng địch. Nhưng ít ai biết được, đằng sau những chiến công hiển hách đó là đóng góp, hy sinh thầm lặng mà can trường của những người vợ biệt động Sài Gòn.

Dịp lễ 30/4 năm nay, rất đông bạn trẻ trong và ngoài nước tìm đến các điểm di tích lịch sử về biệt động Sài Gòn. Nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi trong lòng địch, Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Trần Văn Lai lại xây dựng được 1 hầm bí mật chứa đến 2 tấn vũ khí để chuẩn bị cho chiến dịch xuân Mậu Thân. 

Và không ai hình dung, chính bà Đặng Thị Thiệp, vợ của vị anh hùng này mới là người quyết định chọn mua nhà và góp ý xây hầm đúng theo yêu cầu vừa chứa đủ vừa bảo đảm bí mật theo lệnh của tổ chức. "Tìm nhiều nơi nhưng tôi thấy không ổn. Đến khi tới căn nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu, tôi xem xong bảo với nhà tôi ngay, đắt rẻ bao nhiêu cũng phải mua. Mua căn chính giữa, xong, nhà 2 bên, người ta kêu bán luôn. Tôi bảo ngay, nếu mua được luôn thì rất tốt. Vì khi mình đào hầm căn chính giữa, nếu có động chạm thì cũng chỉ 2 căn bên của mình, không ai thưa kiện, không bị lộ. Quá trình đào hầm, tôi cũng sát cánh với nhà tôi suốt 1 năm trời mới xong", bà Thiệp kể.

Lặng lẽ, giản dị, sống trong 1 con hẻm nhỏ ở quận Bình Tân, ít ai biết, bà Tô Thị Hai là vợ của Anh hùng Lực lượng vũ trang, liệt sĩ Trần Văn Đang, cháu gái của Nguyên Phó Tư lệnh quân khu 7, nguyên Chánh án Tòa án quân sự Trung ương – Tô Ký. Chồng bà, không chỉ là một biệt động trẻ, dũng cảm, chiến công hiển hách mà còn được lịch sử ghi nhận là một chiến sĩ giữ vững khí tiết của người cộng sản trước họng súng tử hình giữa đô thành Sài Gòn. Trong thời khắc đó, chồng bà lẫm liệt đả đảo xâm lược và hô vang ủng hộ Hồ Chí Minh. Chứng kiến phút giây không gì đau đớn hơn, nhưng bà Hai buộc phải nén tất cả vào trong để vẹn toàn bảo mật cho đồng đội của chồng mình. Bà nhớ lại: "Chồng bị bắn trước mắt mình sao mà không đau đớn. Nhưng lúc ấy tôi phải tỉnh, thậm chí rất là tỉnh để đi theo coi họ bỏ xác chồng mình ở đâu. Sau đó còn phải tìm cách trốn. Vì họ còn săn lùng cả tôi hòng khai thác manh mối đồng đội của chồng"...

Ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, người dân rất tôn kính bà Huỳnh Thị Lan, vợ liệt sĩ Phạm Văn Hai. Một anh hùng trứ danh có gần cả trăm trận đánh trong lòng địch trải dài những năm tháng chống Pháp đến chống Mỹ. Tiêu biểu là trận phá hủy kho bom Phú Thọ Hòa 9.345 tấn của Pháp; trận đánh chìm tàu chở máy bay Mỹ trọng tải 16.500 tấn trên bến Bạch Đằng. Bà Lan cho biết, những chiến công ngất trời như vậy, sau này bà mới biết khi đọc lịch sử. Còn những lần gặp nhau, chồng bà chỉ tâm sự một niềm mong mỏi duy nhất là đất nước hòa bình, thống nhất, gia đình sum họp. "Mỗi lần vợ chồng gặp được nhau, anh hay mong ước ngày đất nước thống nhất. Anh nói, khi đó, anh sẽ dắt một con, tôi dắt một con, cả hai cùng đi thăm người thân, thăm đồng đội. Anh chỉ có một mong ước giản dị như vậy", Bà Lan không kiềm nỗi xúc động khi nhớ lại nguyên ước của chồng. Bà kể, năm 18 tuổi, bà là một thiếu nữ làm nghề may vá, đem lòng yêu thương chàng trai dáng vẻ mảnh khảnh thư sinh hơn mình cả chục tuổi làm nghề chạy xích lô máy. "Tôi nhớ năm đó, mùng 1 tết, trong xóm có cháy nhà, anh lao ngay tới xách nước, tìm cách dập lửa cứu người. Tôi cảm nhận được sự dũng cảm và trượng nghĩa nơi anh nên đồng ý làm vợ. Khi đó, anh đã là một chiến sĩ biệt động nhiều thành tích rồi nhưng tôi không hề biết", bà Lan hồi tưởng.   

Mỗi người có chồng mỗi nhiệm vụ nhưng đều hoạt động bí mật, đánh địch bằng vũ khí ngay trong lòng địch. Có người trở thành góa phụ khi chồng hy sinh, có người chồng bị bắt tù đày. Dù vậy họ vẫn phải tiếp tục chiến đấu giữa lòng địch để không bị bắt, bị tra tấn buộc phải khai ra tổ chức, ra đồng đội. Con đường mà chồng họ đã chọn cũng chính là sự lựa chọn của họ với một niềm tin sắt đá rằng, ngày mai đất nước sẽ thống nhất, như lời bà Thiệp nhắn nhủ chồng mình, AHLLVT Trần Văn Lai: "Tôi luôn tin sẽ chiến thắng nên khi tôi đến nhà tù thăm ông nhà tôi, tôi nói, ông đừng lo gì cả. Trước sau gì, 1, 2 năm nữa thôi, Sài Gòn sẽ được giải phóng, miền Nam sẽ được giải phóng".

Những “bóng hồng” can trường của biệt động Sài Gòn - Ảnh 1.

Bà Đặng Thị Thiệp (Vợ AHLLVT Trần Văn Lai) là người quyết định chọn nhà mua để làm hầm bí mật

Những “bóng hồng” can trường của biệt động Sài Gòn - Ảnh 2.

Bà Huỳnh Thị Lan (vợ AHLLVT, liệt sĩ Phạm Văn Hai) kể chồng mình chỉ mong đất nước hòa bình, thống nhất

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn