Những hình thức lừa đảo người dân dễ "dính bẫy" dịp cuối năm

Linh Trần
29/12/2022 - 16:32
Những hình thức lừa đảo người dân dễ "dính bẫy" dịp cuối năm

Một nạn nhân ở Ninh Binh bị lừa theo hình thức "mua hàng trả lại tiền"

Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng một số hình thức như mua hàng hoàn lại tiền; bỗng dưng gánh nợ khi mua trả góp; hay nhận quà trúng thưởng… Dù cơ quan chức năng đã cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người "dính bẫy".

Dịp cuối năm là thời gian cao điểm người dân mua sắm cho bản thân và gia đình, đồng thời cũng là thời điểm "tốt" để kẻ xấu lợi dụng thực hiện các chiêu trò lừa đảo. Theo Luật sư Hà Thị Tuyết (Đoàn Luật sư tỉnh Thái Nguyên), các chiêu thức lừa đảo được sử dụng ngày càng tinh vi và khó đoán, nhất là hình thức lừa đảo qua mạng internet. Chỉ đến khi không thể lấy lại được tiền, nạn nhân mới biết mình đã bị mắc bẫy lừa đảo. Dưới đây là một số hình thức mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng trong thời gian gần đây. 

1. Lừa đảo mua hàng hoàn tiền

Đây là chiêu thức lừa đảo mới xuất hiện vào nửa cuối năm 2021 và đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Theo đó, chiêu thức lừa đảo này được thực hiện như sau: 

Các đối tượng đến chợ hoặc trung tâm thôn, xã và gửi giấy mời tham dự chương trình tặng quà cho những phụ nữ nội trợ lớn tuổi. Khi người dân đến tham dự chương trình, ban đầu các đối tượng giới thiệu các mặt hàng có giá trị thấp như: Thuốc sâm bổ cho sức khỏe, hoạt huyết dưỡng não, viên ngậm xuyên tâm liên, đông trùng hạ thảo sấy... Sau khi người dân đưa tiền, họ giao sản phẩm nhưng trả lại tiền với lý do đây là hàng tặng.

Điều này nhằm mục đích tạo dựng lòng tin để người dân tiếp tục đăng ký mua các sản phẩm có giá trị cao hơn.

Những hình thức lừa đảo người dân dễ "dính bẫy" - Ảnh 1.

Người dân cần cẩn trọng khi mua hàng online

Khi đã bán được hàng với những sản phẩm có giá trị cao hơn, các đối tượng này nhanh chân lên xe bỏ chạy. Điều đáng nói là các sản phẩm thuốc và sản phẩm thực phẩm chức năng được bán đều không rõ nguồn gốc xuất xứ nên sau khi mua về người dân cũng không dám sử dụng và rơi vào tình trạng "tiền mất, tật mang". 

Đặc biệt, để người dân tin tưởng, các đối tượng này thường thông qua chính quyền địa phương hoặc những người có uy tín như Trưởng thôn, Bí thư thôn thậm chí "nhờ" cả UBND xã. 

2. Mua hàng trả góp, bỗng dưng "gánh nợ"

Với chiêu thức lừa đảo này, các đối tượng lừa đảo thường tiếp cận nạn nhân thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo; hoặc qua giới thiệu từ bạn bè, người thân của những người từng được vay tiền của nhóm đối tượng này. Các đối tượng lừa đảo sẽ tư vấn cách thức "vay tiền nhanh, chỉ cần Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân" hoặc "vay tiền không cần thanh toán lãi" thông qua mua hàng trả góp,...

Theo đó, sau khi đã tiếp cận được "con mồi", chúng hướng dẫn nạn nhân đến cửa hàng điện máy để mua hàng trả góp và hỗ trợ khoản tiền trả trước. Với mỗi hợp đồng trả góp thành công, các đối tượng sẽ đưa nạn nhân một số tiền nhỏ để thu mua sản phẩm. Đồng thời, chúng lấy sản phẩm bán ra ngoài để chiếm đoạt số tiền chênh lệch.

Sau khi sập bẫy, các nạn nhân sẽ phải chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ số tiền trong hợp đồng trả góp tại các công ty tài chính.

3. Lừa mua hàng nhận quà trúng thưởng

Theo đó, các đối tượng lừa đảo sẽ gọi điện cho nạn nhân thông báo trúng thưởng. Để được nhận phần thưởng này, nạn nhân phải mua sản phẩm của một nhà cung cấp cụ thể mà bên kia chỉ định, mua càng nhiều hàng thì số tiền trúng thưởng càng lớn.

Bị đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin và mong muốn được nhiều phần thưởng, không ít người tiêu dùng đã tiếp tục đặt mua các sản phẩm với giá trị từ vài triệu đến hơn chục triệu đồng trong khi chưa tìm hiểu, xác minh kỹ thông tin.

Bên kia sẽ liên tục ra thông báo bạn sắp đủ điều kiện nhận thưởng để dụ dỗ nạn nhân tiếp tục mua hàng, thế nhưng thực tế thì dù có mua bao nhiêu hàng, nạn nhân cũng sẽ không nhận được thưởng. Đến khi nạn nhân nhận ra mình bị lừa và đòi trả hàng, bên kia sẽ chặn điện thoại liên hệ và biến mất cùng với số tiền nạn nhân đã mua hàng.

Ngoài các hình thức trên, các đối tượng lừa đảo còn áp dụng nhiều cách khác để lừa người dân. Ví như, đồng ý cho vay tiền với các thủ tục gọn, nhẹ. Tuy nhiên, chúng tìm cách báo "lỗi" và yêu cầu người vay chuyển thêm tiền để làm tin. Nhiều người tin tưởng đã làm theo, vì thế có người bị lừa chuyển hàng trăm triệu đồng, trong khi chỉ muốn vay 10-20 triệu đồng... Do đó, người dân cần cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo. Người dân chỉ nên mua hàng ở những cơ sở uy tín, có địa trụ sở, địa điểm rõ ràng. Nếu mua hàng qua mạng xã hội thì nhận được hàng và kiểm tra đúng số lượng, chủng loại rồi mới thanh toán, tuyệt đối không chuyển tiền trước... Khi nghi ngờ các đối tượng lừa đảo, cần dừng mọi giao dịch và báo cơ quan chức năng để được hỗ trợ. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm