pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những lớp học online đặc biệt giúp phụ nữ lớn tuổi ở Trung Quốc thoát khỏi sự lệ thuộc vào chồng
Lớp học kỳ lạ
Thoạt nhìn, lớp học trực tuyến của Liu Bingxia chẳng khác gì những lớp học tiếng Trung thông thường: nữ giáo viên 47 tuổi đứng trước bảng đen, đọc to những chữ mà cô đã viết ngay ngắn trên bảng bằng phấn trắng, sau đó nghe học sinh nhắc lại.
Nhưng trên thực tế, Liu không phải là một giáo viên bình thường. Mỗi lớp học của cô đều có sự tham gia của hàng nghìn người trên khắp cả nước. Họ đa số là phụ nữ thuộc tầng lớp lao động và thường đến từ các nhóm dân tộc thiểu số. Thế nhưng, tất cả bọn họ đều có một điểm chung: niềm khao khát được học chữ.
Họ tham gia lớp học ở những địa điểm khác nhau, có thể là trong công trường xây dựng, bên cạnh đường cao tốc hoặc trên cánh đồng. Nhiều người tranh thủ học trong giờ nghỉ trưa tại chỗ làm, số còn lại học vào lúc con cái của họ ngủ say. Những người phụ nữ này không xem đây là một lớp học bình thường, mà họ xem đó là một cơ hội để đổi đời.
Những lớp học như thế này cũng không tự nhiên mở ra, mà chúng là một phần của phong trào mới nổi: sử dụng mạng xã hội để giải quyết tỷ lệ mù chữ cao tại một số vùng kém phát triển.
Hậu quả của sự bất bình đẳng
Dù đã đạt được bước tiến lớn trong việc giúp người dân tiếp cận với giáo dục nhưng khoảng 2,7% dân số của quốc gia này vẫn không biết đọc chữ, tương đương với khoảng 37 triệu người.
Trên thực tế, họ là nạn nhân của những tư tưởng lạc hậu. Trong những thập kỷ trước, các gia đình nông thôn thường không có đủ khả năng kinh tế cho tất cả các con của mình đến trường. Nếu phải lựa chọn, đa số đều sẽ cho con trai đi học thay vì con gái.
Sự bất bình đẳng này đã tạo nên một hậu quả nghiêm trọng: 3/4 số người mù chữ ở Trung Quốc là phụ nữ. Wang Li, giáo sư nghiên cứu về giáo dục cho người trưởng thành tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho biết thêm, số lượng lớn trong số đó là người khuyết tật, người thuộc dân tộc thiểu số và người sống ở vùng sâu vùng xa.
Việc không được học hành đến nơi đến chốn đã để lại hậu quả suốt đời cho những người phụ nữ. Họ không thể làm các công việc văn phòng, thậm chí ngay cả những việc cơ bản từ mua vé tàu đến sử dụng điện thoại thông minh cũng đều là thách thức lớn. Chính vì không thể sinh hoạt bình thường, những người phụ nữ đó ngày càng trở nên phụ thuộc vào gia đình và bạn đời, điều này khiến họ dễ bị ngược đãi, lạm dụng.
Tại các thành phố lớn của Trung Quốc, số lượng trung tâm giáo dục dành cho người trưởng thành được xây dựng nhiều hơn, mang đến cơ hội cho nhóm người "yếu thế". Tuy nhiên, những cơ sở này lại hiếm khi tồn tại ở nông thôn. Chính quyền địa phương đang dành hết nguồn lực để đảm bảo trẻ em được đến trường, song điều đó cũng có nghĩa là những người mù chữ thuộc thế hệ trước đang bị bỏ lại phía sau.
Dạy học qua mạng xã hội
May mắn thay, hiện trạng này dần thay đổi nhờ vào các nền tảng video ngắn. Theo Sixth Tone, hiện có hơn 100 người tham gia dạy kỹ năng đọc viết cơ bản thông qua các lớp học được phát trực tiếp trên các nền tảng này.
Liu bắt đầu dạy học trên các nền tảng video từ tháng 5/2022. Sinh ra tại Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ - nơi có tỷ lệ mù chữ cao nhất Trung Quốc - cảm hứng dạy học của cô đến từ việc chứng kiến nỗi đau sâu sắc mà người thân phải trải qua vì không được giáo dục đầy đủ.
Có lần, một người họ hàng lớn tuổi đã bật khóc ngay trước mặt Liu. Người này kể lại rằng vì bà không biết chữ nên con dâu cảm thấy bà không có đủ tư cách để chăm sóc cháu nội của mình. Một người họ hàng khác cũng thường cảm thán rằng cuộc đời có lẽ đã thay đổi nếu cha mẹ cho cô đến trường.
Dù tham gia dạy học nhưng chính bản thân Liu cũng chưa học hết cấp 2. Là con gái duy nhất trong gia đình, cô không được bố mẹ ưu tiên việc học hành. Sau khi học hết lớp 9, họ đã yêu cầu Liu nghỉ học và đến trang trại để phụ giúp chăn nuôi gà, vịt.
"Lúc đó tôi đã không biết phải từ chối thế nào mà chỉ biết khóc thầm", Liu nhớ lại.
Lần đầu tiên Liu phát trực tiếp, chỉ có 3 người tham gia lớp học. Mặc dù vậy, cô lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng: "Khi bật máy, tôi hồi hộp đến mức toát mồ hôi và không thể nói chuyện. Tôi sợ rằng những người quen biết sẽ nhìn thấy mình".
Tuy nhiên, theo thời gian, Liu đã dần trở nên tự nhiên hơn. Số lượng người theo dõi khoản dạy học của cô đã đạt mốc 43.000 người, phần lớn trong số đó là phụ nữ trung niên và cao tuổi, nhiều người trong số họ cũng xuất thân từ những gia đình đông con giống như Liu.
Nữ "giáo viên" đặc biệt
Nữ "giáo viên" 47 tuổi làm việc này với mục đích là để thỏa mãn đam mê, vì các lớp học trực tuyến của cô hoàn toàn miễn phí. Mặc dù Liu có bán các bài học bổ sung dưới dạng tài liệu ghi âm và bài tập về nhà với mức phí 98 NDT (khoảng 334 nghìn đồng) nhưng cô cũng chẳng kiếm được nhiều từ đó. Sixth Tone ước tính khoản tiền Liu kiếm được vào tháng 8/2022 chỉ vỏn vẹn 700 NDT (khoảng 2,4 triệu đồng).
Dù vậy, cả gia đình vẫn rất nhiệt tình ủng hộ công việc dạy học của cô. Chồng của Liu, một tài xế lái xe, tin rằng vợ mình đang làm điều tốt và luôn an ủi cô không nên lo lắng về việc kiếm tiền. Trong khi đó, con trai và con gái đều khuyến khích cô làm những gì mà bản thân cảm thấy phù hợp.
Chính bản thân Liu cũng biết rằng cô chưa bao giờ là một giáo viên hoàn hảo. Cô không có bằng cấp hay kinh nghiệm giảng dạy. Thậm chí trước khi bắt đầu dự án này, Liu còn phải mua sách giáo khoa lớp 1 để học lại từ đầu.
Thế nhưng, chuyện đó dường như chẳng còn quan trọng, vì những tình nguyện viên như Liu đủ sức để tạo nên khác biệt to lớn. Theo Jian Xiaoying, cựu giáo sư tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, trình độ học vấn chẳng còn quan trọng, miễn là người dạy biết cách truyền tải hiệu quả.
Học chữ để đổi đời
Đối với các "học sinh", lớp học của Liu đã thay đổi cuộc đời họ theo đúng nghĩa đen. Bà Pei Jue (59 tuổi) đã hành nghề làm tóc được 30 năm và trong cả cuộc đời mình, việc không biết chữ luôn là điều khiến bà cảm thấy xấu hổ nhất.
Pei sinh ra và lớn lên ở tỉnh Sơn Đông. Là đứa con thứ hai trong gia đình, việc được đi học đối với Pei quá xa vời vì bà còn phải giúp đỡ cha mẹ chăm sóc cho các em.
Đến khi trưởng thành, mù chữ trở thành một trở ngại lớn trong việc kinh doanh của Pei. Bà chẳng thể rút tiền, gửi tiền hoặc ký các hợp đồng mua bán. Đôi khi, bà sẽ nhờ người khác làm việc đó nhưng cũng chính điều này đã khiến bà phải trả cái giá đắt.
Pei kể lại: "Vào 30 năm trước, tôi đã nhờ người gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm giúp mình và người đó đã gửi nó dưới danh nghĩa của họ. Đến khi tôi cố rút tiền về thì đã chẳng còn được nữa".
Kể từ đó, Pei hoàn toàn phụ thuộc vào chồng và con trong các công việc liên quan đến giấy tờ, song sự thiếu độc lập trong hoạt động kinh doanh cũng dần "ăn mòn" người phụ nữ tội nghiệp.
Cho đến cách đây vào tháng, Pei tình cờ biết về lớp học của Liu. Khả năng đọc sách của bà dần được cải thiện qua những buổi học tạm bợ trong cửa hàng làm tóc, và hiện tại, Pei đã có thể tự thực hiện các giao dịch với ngân hàng.
Chồng của Pei cũng vô cùng ngạc nhiên trước sự thay đổi của vợ mình, ông chia sẻ với Sixth Tone: "Bà ấy học rất chăm chỉ và hăng say, thỉnh thoảng còn dậy tập viết lúc 3 giờ sáng".
Đáng buồn thay, không phải bất kỳ người phụ nữ nào cũng nhận được sự ủng hộ từ chồng của mình. Liu ước tính rằng khoảng một nửa số phụ nữ tham gia lớp học của cô bị chồng phản đối. Hầu hết các học sinh theo học một cách bí mật và không muốn để ai phát hiện.
Trong số đó, Yu là một trường hợp điển hình. Người phụ nữ 43 tuổi này đến từ Ninh Hạ và đã tham gia lớp học trực tuyến của Liu được 3 tháng. Đến thời điểm hiện tại, chồng của Yu vẫn vô cùng tức giận vì vợ tham gia lớp học trực tuyến, thậm chí có lúc còn xé vở học của cô.
Trước kia, chồng của Yu luôn tỏ ra coi thường vợ mình vì cô không biết chữ nhưng giờ đây, anh ta lại lo sợ rằng Yu sẽ có nhiều tiếng nói trong cuộc hôn nhân này hơn nếu cô biết đọc và viết.
Dù nghe có vẻ trái ngược nhưng chồng cũng chính là động lực thúc đẩy Yu quyết tâm học chữ. Thời gian trước, Yu nhận ra rằng chồng cô thường xuyên không về nhà vào ban đêm. Đối mặt với chất vấn của vợ mình, anh ta trả lời rằng có nhiều việc phải làm và không cho cô xem điện thoại.
Trong một lần chồng rời đi, Yu đã lấy điện thoại của anh ta và đưa cho con trai để cậu bé đọc tin nhắn giúp mình, những gì đọc được khiến cô thực sự kinh hoàng. Hoá ra, chồng của cô đã lén lút bán căn nhà của họ và đưa hơn 400.000 NDT (khoảng 1,4 tỷ đồng) cho tình nhân của mình. Dù cuối cùng chồng vẫn ở lại vì lo cho 3 người con nhưng vụ việc đã khiến Yu quyết tâm học chữ.
Mặt trái của phong trào
Chính những mảnh đời bất hạnh như thế đã khiến phong trào dạy học trực tuyến trên các ứng dụng video ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các lớp học của Liu nhận được rất nhiều sự quan tâm, có những ngày số lượng người theo dõi đạt tới mức 500.000 người.
Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra một số hạn chế nhất định vì các kẻ xấu có thể lợi dụng lớp học để đạt được mục đích thương mại. Tình huống này có thể tạo ra những tác động tiêu cực, chẳng hạn như nó khiến mọi người cảm thấy phản cảm với các lớp học xóa mù chữ cho người trưởng thành.
Riêng về phần Liu, cô vẫn gắn bó với công việc dạy học và cảm thấy sung sướng khi những lớp học của mình chạm đến cuộc sống của những người khác. Đã từng có học sinh đến thăm và gửi tặng cô một miếng thịt đùi cừu để tỏ lòng biết ơn, trong khi những người khác gửi cho cô những bức thư mà họ đã tự tay viết lần đầu tiên trong đời.
Liu cho hay: "Họ nói với tôi họ chưa bao giờ nghĩ rằng bản thân có thể đọc và viết, đó là lúc tôi nhận ra những gì mình đang làm thật sự có ý nghĩa".