Những lưu ý khi kê khai vốn điều lệ

Hoàng Duy (thực hiện)
24/10/2022 - 11:54
Những lưu ý khi kê khai vốn điều lệ

Luật sư Trần Thị Hà

Vốn là một trong những cấu phần quan trọng để khởi nghiệp. Hiện nay, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, khi thành lập, doanh nghiệp phải kê khai vốn điều lệ. Luật sư Trần Thị Hà, Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn An Ninh, chia sẻ một số nội dung mà người khởi nghiệp cần quan tâm liên quan đến vấn đề này.

PV: Với một đơn vị khởi nghiệp, việc kê khai vốn đúng luật cần thực hiện như thế nào, thưa luật sư?

Luật sư Trần Thị Hà: Vốn điều lệ là một trong những nội dung mà doanh nghiệp phải kê khai với cơ quan nhà nước khi nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần. Trừ những doanh nghiệp đăng ký kinh doanh những ngành nghề yêu cầu vốn pháp định (hiểu là mức vốn tối thiểu phải có để có thể thành lập doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề đó), thì doanh nghiệp có thể tùy vào nhu cầu kinh doanh, ngành nghề hoạt động và khả năng tài chính của chủ sở hữu, thành viên/cổ đông… để đăng ký vốn điều lệ cho doanh nghiệp của mình. Tức là hiện nay pháp luật không quy định cụ thể mức vốn điều lệ tối thiểu hay tối đa, trừ ngoại lệ là ngành nghề yêu cầu vốn pháp định. Tuy nhiên, bản thân chủ sở hữu hay thành viên/cổ đông phải cân nhắc số vốn mình có thể góp đủ, tránh trường hợp phải thay đổi vốn điều lệ do không góp hoặc không góp đủ phần vốn theo cam kết khi thành lập. Còn trong quá trình hoạt động sau khi đã thành lập, doanh nghiệp có thể thay đổi vốn điều lệ cho phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình.

Người khởi nghiệp cần lưu ý về việc kê khai vốn điều lệ không bằng tiền, vàng và ngoại tệ. Với các tài sản không phải tiền, vàng trước khi thành lập, các thành viên/cổ đông phải làm văn bản thỏa thuận định giá tài sản đó và được sự đồng thuận hoặc thực hiện thẩm định giá bởi tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp và trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận. Đặc biệt, các tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản. Việc góp vốn chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.

PV: Để tránh trường hợp phải thay đổi vốn điều lệ do không góp đủ vốn theo cam kết thì người khởi nghiệp phải làm gì?

Luật sư Trần Thị Hà: Đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn gồm 2 thành viên trở lên, theo quy định tại Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Nếu hết thời hạn này mà chưa góp hoặc chưa góp đủ phần vốn đã cam kết thì công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ theo quy định. Để tránh trường hợp phải thay đổi vốn điều lệ do không góp đủ vốn theo cam kết khi thành lập, doanh nghiệp cần xác định nguồn vốn đưa vào kinh doanh phù hợp với năng lực nội tại và quy mô kinh doanh cũng như ngành nghề kinh doanh, tránh trường hợp xác định vốn không thực tế.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm