Những người giữ lửa nghề xứ Lường

Đình Nguyên
07/06/2021 - 12:00
Những người giữ lửa nghề xứ Lường

Bà Phạm Thị Hoàng, nghệ nhân đã có nhiều năm gắn bó với nghề làm nồi đất ở xã Trù Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An)

Về làng nghề nồi đất xã Trù Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) những ngày này, nhà nhà đều đang đốt lò nung nồi. Con gái làng Trù từ nhỏ đã được làm quen với những chiếc nồi đất, lớn lên học hỏi người lớn rồi trở thành thợ khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi.
Truyền nhân chủ yếu là nữ

Gắn bó với nghề làm nồi đất từ năm lên 6 lên 7 tuổi, đến nay ở tuổi 82, bà Phạm Thị Hoàng (xã Trù Sơn, huyện Đô Lương) không nhớ được chính xác nghề này có từ bao giờ. Bà chỉ biết trong kí ức tuổi thơ đã thấy bà, mẹ nặn nồi rồi bày ra khắp trong nhà, ngoài sân. Lớn lên, nhìn người lớn làm rồi tập làm, lâu dần thành quen...

Nghề làm nồi đất khá vất vả, từ sáng tinh mơ, những thanh niên trong nhà đã dậy kéo xe sang Yên Thành để lấy đất, đến khi mặt trời đứng bóng mới trở về. Đất sét sau khi lấy về phải tưới nước cho mềm, làm nhuyễn rồi mới đem nặn.

Để tạo nên 1 chiếc nồi đất, người làm nghề dùng đất đã nhào nhuyễn vắt theo hình con chạch, được gọi là rói, để ghép nối từng phần. Các công cụ làm gốm chỉ gồm một cái bàn xoay, vài miếng giẻ nhỏ và những khoanh nứa mỏng để tạo dáng và làm nhẵn. "Nặn nồi không khó nhưng đòi hỏi phải khéo tay, óc sáng tạo và tính kiên trì", bà Hoàng nhẹ nhàng vắt một nắm đất đã làm nhuyễn bỏ lên chiếc bàn xoay làm mẫu cho chúng tôi xem. Chân xoay nhẹ, hai tay nhẹ nhàng uốn từng thớ đất, chưa đầy ít phút sau, một chiếc nồi đất đã thành hình.

Những người giữ lửa nghề xứ Lường - Ảnh 1.

Sản phẩm gốm làng Trù được nung ngoài trời với vật liệu nung chính là bổi, lá cây dành dành, lá thông, lá bạch đàn, rơm rạ...

Theo bà Hoàng, kỹ thuật làm nồi đất được truyền qua nhiều thế hệ ở Trù Sơn theo kiểu truyền miệng và "cầm tay chỉ việc". Điều độc đáo là những truyền nhân của làng toàn là phụ nữ. Còn cánh đàn ông có nhiệm vụ đi lấy đất về và thồ nồi dọc ngang khắp vùng xa, vùng gần để rao bán. Sản phẩm gốm Trù Sơn chủ yếu là nồi nhưng có khoảng 30 loại, từ nồi to nấu nước, nồi nấu cơm đến nồi để kho thịt cá rồi các loại chảo rang, siêu sắc thuốc... Hiện nay, các hộ làm nghề đã tạo ra nhiều sản phẩm mới như giỏ treo phong lan, ống đựng tiền tiết kiệm...

Để có được loại đất ưng ý về làm gốm, người Trù Sơn phải xuống Nghi Văn (huyện Nghi Lộc) và lên Sơn Thành (huyện Yên Thành), những nơi có loại đất sét dẻo thích hợp cho việc làm gốm. Đất sau khi lấy về, làm ẩm, nhồi kỹ sẽ được cho lên bàn xoay để tạo hình của sản phẩm. Khi đã xong phần thô, những chiếc nồi sẽ được bàn tay khéo léo của người thợ gọt lại thật trơn rồi đem đi phơi khô, sau đó được đưa vào lò nung. Sản phẩm gốm làng Trù được nung ngoài trời với vật liệu nung chính là bổi, lá cây dành dành, lá thông, lá bạch đàn, rơm rạ... Thời gian nung khoảng từ 2h chiều đến 6h tối, một lần nung được vài trăm cái. Sản phẩm đạt chất lượng phải chín vừa, màu đỏ, gõ kêu coong coong.

Những người giữ lửa nghề xứ Lường - Ảnh 2.

Nồi sau khi đốt qua sẽ được xoay đổi chỗ để chín đều

Đến nay, chưa tìm thấy một tài liệu nào ghi chép về gốc tích của nghề nồi đất ở Trù Sơn. Những bậc cao tuổi trong xã thường kể cho con cháu câu chuyện về thuở xưa, có người con gái quê ở Nghi Lộc rất siêng năng về Trù Sơn làm dâu. Cô được mẹ đẻ truyền cho nghề làm nồi đất. Có lẽ cũng vì thế mà nghề này được truyền dạy cho nữ giới trong làng từ đời này sang đời khác.

Giữ hồn làng nghề cổ

Anh Nguyễn Đình Thảo (ở xóm 10, xã Trù Sơn) cho biết, gia đình anh đã nhiều đời làm nghề. Trước đây, do chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm nên mỗi tháng gia đình anh chỉ nung 1 - 2 lò, bình quân mỗi lò làm ra 300 sản phẩm rồi đem đi rao bán khắp nơi, rất vất vả mà thu nhập không cao. Hiện nay, sản phẩm nồi đất làm ra được khách hàng từ nhiều tỉnh thành khác đến tận làng thu mua. Mỗi tháng nhà anh nung 4-5 lò, cho thu nhập mỗi tháng gần 30 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 3 - 5 lao động.

Hiện nay, xã Trù Sơn có khoảng 60 hộ làm nghề, tập trung chủ yếu ở các xóm 10, 11, 12, 13. Bình quân mỗi tháng, làng nghề làm ra hàng chục ngàn sản phẩm, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân nơi đây.

Những người giữ lửa nghề xứ Lường - Ảnh 3.

Nồi được tạo hình rồi phơi khô trước khi nung

Để tìm hướng đi cho việc bảo tồn nghề nồi đất truyền thống của xứ Lường, năm 2004, có 5 người dân ở Trù Sơn được mời ra biểu diễn cách thức làm gốm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Cũng tại đây, đã có một cuộc hội thảo về phục hồi, duy trì và phát triển nghề làm gốm Trù Sơn được tổ chức. Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề huyện Đô Lương phối hợp với Phòng Công thương huyện cũng có đề án khôi phục các làng nghề, trong đó có làng gốm cổ Trù Sơn. Nhờ vậy, nghề nồi đất của Trù Sơn dần được khôi phục với 413 lao động, chiếm 42% lao động trong xã.

Mong muốn của người dân trong làng là bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, cần có những chính sách giới thiệu sản phẩm gốm Trù Sơn ra thị trường. Chính quyền xã Trù Sơn và UBND huyện Đô Lương đang xúc tiến hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận làng nghề. Mới đây, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng đã gửi công văn đề nghị chính quyền có giải pháp gìn giữ, phát triển nghề truyền thống này.

"Mặc dù xã xa trung tâm huyện, đời sống dân sinh còn nhiều khó khăn nhưng bằng sự vượt khó trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, hiện nay chính quyền địa phương và các cấp, các ngành đang vào cuộc khôi phục, phát triển "làng nghề nồi đất truyền thống", ông Nguyễn Thụy Chính, Chủ tịch UBND xã Trù Sơn, cho biết.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm