Những người thợ ở làng nghề 800 năm tuổi: Suốt ngày gắn với bụi gỗ, mùi sơn vẫn hạnh phúc

04/07/2023 08:20
Chị Đức Thị Sửa tâm sự, làm nghề vất vả nhưng đó là niềm hạnh phúc của người thợ

Chị Đức Thị Sửa tâm sự, làm nghề vất vả nhưng đó là niềm hạnh phúc của người thợ

Với bề dày khoảng 800 năm, làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) được ví như "thiên đường" về đồ thờ cúng, đồ chạm khắc thủ công mỹ nghệ nổi tiếng cả nước.

Tại một xưởng ở đầu làng Sơn Đồng, khi chúng tôi tới, mọi người đang hăng say với công việc của mình, người sơn, người đục và người làm công đoạn thếp vàng lên sản phẩm...

Biết mục đích của vị khách vừa ghé thăm xưởng, muốn được tìm hiểu về nghề, làng nghề, mọi người trong xưởng đều vui vẻ. Không gian của xưởng được tận dụng là ngôi nhà 2 tầng, 2 bên bày la liệt các sản phẩm như bàn thờ, câu đối, liễn... 

Những người thợ yêu nghề ở làng cổ 800 năm tuổi - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Đông đang tỉ mẩn bồi lại lớp sơn

Ở phía trong, tỉ mẩn với công việc sơn, phết keo lên sản phẩm đồ thờ đang lên màu đen bóng, chị Nguyễn Thị Đông (50 tuổi) chia sẻ: "Ở làng này, 80% số hộ sinh sống bằng nghề truyền thống, trong đó có 1.000 thợ lành nghề và nhiều nghệ nhân giỏi. Chị em chúng tôi sinh ra và lớn lên ở làng nghề nên từ nhỏ, cái nghề, cái nghiệp đã vận vào thân, cho tới nay đã 30 năm có lẻ".

Theo chị Đông, ở làng nghề, trước kia hầu hết những đứa trẻ đều phải lao động, làm việc phụ bố mẹ, mong cuộc sống đỡ vất vả hơn. "Thời bao cấp, cuộc sống của đa phần người dân đều khó khăn, dân làng nghề cũng vậy, không có khách hàng, sản phẩm làm ra lại chất đấy nên tâm lý có phần bi quan", chị Đông trải lòng khi nhớ về ngày trước.

Phía bên cạnh, đang bồi lại đường nối để chuẩn bị cho công đoạn tiếp theo, chị Đức Thị Sửa (51 tuổi) tâm sự: "Làm nghề mà, vất vả lắm, chúng tôi suốt ngày với bụi gỗ, mùi sơn nhưng đó là công việc mưu sinh, giữ nghề cha ông để lại nên mình phải cố gắng. Vui nhất là sản phẩm của mình làm ra được khách hàng đón nhận, có thu nhập để nuôi con ăn học - đó là niềm hạnh phúc của chị em chúng tôi".

Nghệ nhân tâm huyết với nghề truyền thống

Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến xưởng của nghệ nhân Nguyễn Xuân Sáng (50 tuổi), là một người thợ có tiếng ở làng Sơn Đồng. Vừa tỉ mẩn với tác phẩm tượng Phật, ông Sáng vừa nhiệt tình trao đổi với khách về nghề độc đáo mà cha ông để lại. 

Những người thợ yêu nghề ở làng cổ 800 năm tuổi - Ảnh 3.

Nghệ nhân Nguyễn Xuân Sáng hoàn thiện tác phẩm tượng Phật

Nghệ nhân Nguyễn Xuân Sáng tâm sự: "Bên cạnh quy trình chung mà cha ông truyền lại, mỗi nghệ nhân lại có bí truyền hay thủ pháp riêng biệt với các sản phẩm của mình làm ra. Đó là nét độc đáo của nghề chạm khắc mà mỗi người thợ làng Sơn Đồng trổ tài trên mỗi sản phẩm, tác phẩm của mình".

Cũng theo nghệ nhân Sáng, khâu đầu tiên nhưng quan trọng là khâu chọn gỗ. Gỗ mít chính là nguyên liệu tốt nhất để đục tượng. Nhờ những đặc tính mềm, dẻo, thớ dặm, bền, ít nứt, dễ gọt..., gỗ mít được lựa chọn mua về từ các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên, Phú Thọ…

Sau đó, những khúc gỗ sẽ được loại bỏ hết phần giác và giữ lại phần lõi để tạc tượng. Tiếp đến, phần gỗ được cắt theo khối hình tượng. Phần tạc đầu tiên là đầu và mặt tượng. Những khối mũi, trán, môi, tai… sẽ được đục tiếp theo.

Những người thợ yêu nghề ở làng cổ 800 năm tuổi - Ảnh 4.

Người thợ Sơn Đông với công đoạn thếp vàng lên tượng

Sau đó, người thợ sẽ phác thảo lấy hình dáng chung từ đầu đến cuối. Người thợ sẽ đục vào từng bộ phận chi tiết nhỏ. Đây chính là khâu quan trọng nhất đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo, tập trung của người thợ. Sau khi các bộ phận chi tiết được đục hoàn chỉnh là đến khâu gọt, rồi đánh nhẵn.

Khâu quan trọng tiếp theo là sơn tượng. Kỹ thuật sơn tượng cũng rất kỳ công và tỉ mỉ như nghệ thuật sơn mài. Đầu tiên, người thợ sẽ trộn đất phù sa, bó bằng sơn sống và sơn thí để hòm tượng. Sau mỗi công đoạn này, tượng được mài bằng đá và nước.

Việc này được thực hiện cho đến khi mặt nước phẳng, nhẵn và mọng. Sau đó, một lớp sơn cầm thếp sẽ được sơn phủ lên. Tiếp theo là đợi cho sơn cầm thép se tới khi nào sờ tay thấy còn hơi dính thì người thợ sẽ dán bạc hoặc dán vàng quỳ tùy theo yêu cầu của khách...

Nghệ nhân Nguyễn Xuân Sáng cho biết thêm, người làng nghề Sơn Đồng rất tài nghệ trong nghề sơn, tạc và tạo ra những bức tượng hoàn hảo như tượng Đức Thánh Trần, Văn Thù Bồ Tát, Tam Thế Phật, Phật bà nghìn tay nghìn mắt, Phật Thích Ca, Phật A di đà, tượng ông Thiện, ông Ác, tượng La Hán, Kiệu bát cống, ô sa, cửa võng… và rất nhiều đồ thờ thủ công mỹ nghệ nổi tiếng cả nước.

Những người thợ yêu nghề ở làng cổ 800 năm tuổi - Ảnh 5.

Là một người trẻ nhưng Nguyễn Khánh Bảo Anh có thâm niên làm nghề hơn 5 năm

Không chỉ vậy, các vật thể kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đều ghi dấu ấn của những đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của nghệ nhân Sơn Đồng tham gia. Điển hình như các di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Thê Húc, Khuê Văn Các, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn…

Là một người thợ trẻ, thế hệ tương lai của làng nghề Sơn Đồng, Nguyễn Khánh Bảo Anh (20 tuổi) không như các bạn đồng trang lứa đi học đại học mà em chọn con đường là một người thợ để lập nghiêp, tiếp tục duy trì và phát triển nghề truyền thống cũng như lấy đó làm mục tiêu phấn đấu của mình trong tương lai. 

Dù còn ít tuổi nhưng Bảo Anh đã có tay nghề 5 năm có lẻ, hiện tại em có thể đảm nhận nhiều công việc và công đoạn khó để hoàn thiện như bức hoành phi, câu đối...

"Bố mẹ không làm nghề này nhưng vì đam mê, muốn làm một người thợ giỏi nên em tới nhà bà con để làm và học nghề. Mình cứ cố gắng, kiên trì thì nghề sẽ không phụ mình", Bảo Anh tâm sự.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.