Những thực phẩm tốt cho người bệnh đái tháo đường

An Khê
14/11/2024 - 08:41
Những thực phẩm tốt cho người bệnh đái tháo đường

Thực phẩm nguyên hạt phù hợp với người bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường là một trong những bệnh lý phổ biến tại Việt Nam, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của hàng triệu người.

Chế độ ăn uống hợp lý là yếu tố quan trọng nhất trong việc kiểm soát đường huyết, duy trì sức khỏe và ngăn ngừa các biến chứng. Đặc biệt, việc lựa chọn nguồn đạm (protein) đóng vai trò rất quan trọng, bởi đạm là thành phần thiết yếu cung cấp năng lượng và duy trì cơ thể hoạt động, nhưng không gây tăng đột biến đường huyết.

Thực phẩm cho người bệnh đái tháo đường- Ảnh 1.

Một buổi tư vấn cho người bệnh đái tháo đường tại Viện Dinh dưỡng quốc gia

ThS.BS Trịnh Hồng Sơn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, protein (đạm) là thành phần quan trọng trong chế độ ăn, không chỉ cung cấp năng lượng mà còn hỗ trợ duy trì khối cơ, cân bằng nội tiết và tăng cường hệ miễn dịch. Đặc biệt, đối với người bệnh đái tháo đường, protein có khả năng làm chậm quá trình tiêu hóa, từ đó giúp kiểm soát và duy trì đường huyết ở mức ổn định. Người bệnh đái tháo đường cần một chế độ ăn có đủ protein nhưng phải chú ý đến hàm lượng chất béo bão hòa và cholesterol. Việc lựa chọn nguồn đạm an toàn cho người bệnh tiểu đường là điều cần lưu ý vì nếu ăn nhiều nguồn đạm động vật có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch, thận.

Đạm động vật và đạm thực vật

Đạm động vật có trong thịt, cá, trứng và các sản phẩm từ sữa, cung cấp nhiều axit amin thiết yếu giúp duy trì sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều loại đạm động vật, đặc biệt là thịt đỏ (như thịt bò, thịt lợn), chứa lượng chất béo bão hòa và cholesterol cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 và các biến chứng tim mạch. Đặc biệt, một nghiên cứu ở Singapore cho thấy việc tăng tiêu thụ thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường lên đến 48%.

"Đối với người bệnh đái tháo đường, nên hạn chế sử dụng thịt đỏ, chỉ ăn với lượng nhỏ và không thường xuyên. Nếu muốn bổ sung đạm động vật, có thể chọn các loại thịt trắng như thịt gia cầm (gà, gà tây) nhưng bỏ da, hoặc cá, vì chúng ít chất béo bão hòa và tốt cho tim mạch. Các loại cá giàu axit béo omega-3 như cá hồi, cá thu, cá trích giúp giảm viêm, hỗ trợ tim mạch và là nguồn đạm lành mạnh cho người bệnh", BS Trịnh Hồng Sơn nói.

Trong khi đó, đạm thực vật có trong các loại đậu, ngũ cốc, hạt, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ và sữa đậu nành. Đạm thực vật không chỉ cung cấp protein mà còn cung cấp chất xơ và chất béo không bão hòa, giúp giảm cholesterol xấu, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và không gây tăng đột biến đường huyết. Đặc biệt, các sản phẩm từ đậu nành và đậu phụ rất phù hợp với người bệnh tiểu đường vì chúng chứa ít chất béo bão hòa và không làm tăng mức đường huyết.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng bổ sung đạm thực vật thường xuyên trong chế độ ăn giúp cải thiện tình trạng sức khỏe và giảm nguy cơ biến chứng tim mạch ở người bệnh đái tháo đường. Do đó, đạm thực vật được khuyến khích là nguồn đạm chính cho người bệnh tiểu đường, giúp duy trì đường huyết ổn định và giảm nguy cơ các biến chứng.

Thực phẩm nên ưu tiên:

- Thực phẩm nhóm đường bột: Các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ, gạo lứt… Trong đó, thực đơn cho người bị tiểu đường nên thay thế cơm bằng nhóm các loại củ nhiều tinh bột như khoai, sắn…

- Thực phẩm nhóm chất đạm: Trong thực đơn dành cho người tiểu đường nên ưu tiên chọn các loại thực phẩm cung cấp chất đạm nguồn thực vật (các loại đậu và sản phẩm chế biến từ đậu, như đậu phụ, các loại hạt như hạt điều, hạt mắc ca…), đạm nguồn gốc động vật thì ưu tiên chọn cá (mỗi tuần nên ăn ít nhất 3 bữa cá), thịt gia cầm (bỏ da, vì chứa nhiều chất béo), nên hạn chế các loại thịt đỏ (thịt gia súc: heo, bò, dê…).

- Thực phẩm nhóm chất béo: Một số thực phẩm có chất béo không bão hòa nên có trong thực đơn cho người tiểu đường điển hình như dầu cá, mỡ cá, dầu đậu nành, dầu oliu…

- Thực phẩm nhóm rau: Người bệnh tiểu đường nên ưu tiên ăn nhiều rau giàu nitrat (hỗ trợ làm giảm huyết áp), chất xơ và có chỉ số đường huyết (GI) thấp như rau diếp cá, cải bó xôi, bắp cải, cần tây, bông cải xanh…

- Các loại hoa quả: Người bị tiểu đường nên tiêu thụ các loại hoa quả có chỉ số đường huyết thấp như bưởi, dâu tây, cam, táo, lê, quả đào, dứa….

Thực phẩm nên hạn chế gồm: Thực phẩm giàu tinh bột hấp thụ nhanh như cơm trắng, bánh mì trắng, bột sắn dây; Thực phẩm giàu chất béo bão hòa, cholesterol như mỡ và nội tạng động vật, phô mai, kem, dầu cọ, dầu dừa; Thực phẩm chứa nhiều đường như bánh ngọt, kẹo, siro, nước ngọt, kem, các loại hoa quả sấy.

Các bước phối hợp đạm động vật và đạm thực vật

Ưu tiên đạm thực vật: Đạm thực vật không chỉ an toàn mà còn giúp duy trì ổn định mức đường huyết. Các nguồn đạm thực vật như đậu, đậu phụ, hạt chia, hạnh nhân, và đậu nành là lựa chọn tốt cho người bệnh tiểu đường. Mỗi bữa ăn nên chứa ít nhất 50% lượng đạm từ các nguồn thực vật. 

Kết hợp với các loại cá và thịt gia cầm: Người bệnh có thể ăn cá ít nhất ba lần mỗi tuần, đặc biệt là các loại cá giàu omega-3 như cá hồi, cá thu. Nếu sử dụng thịt gia cầm, nên loại bỏ da để giảm lượng chất béo bão hòa. Đạm từ cá và thịt gia cầm có thể chiếm khoảng 20-30% lượng đạm trong bữa ăn. 

Hạn chế thịt đỏ và thịt chế biến sẵn: Thịt đỏ và các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói thường chứa nhiều chất béo bão hòa và muối, có thể làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch. Nếu cần ăn thịt đỏ, hãy chọn các phần nạc và chỉ ăn với tần suất 1-2 lần mỗi tuần, đồng thời tính toán lượng calo từ các phần thịt này. 

Bổ sung thêm trứng và sữa đậu nành: Trứng là nguồn đạm động vật có thể dùng, tuy nhiên nên giới hạn ở mức tối đa 3-4 quả mỗi tuần. Để đảm bảo an toàn, người bệnh có thể thay thế một phần đạm động vật bằng các loại sữa từ thực vật như sữa đậu nành, giúp tăng cường dinh dưỡng mà không gây ảnh hưởng xấu đến đường huyết.

Chế độ ăn dành cho người bệnh đái tháo đường cần đặc biệt quan tâm đến sự cân đối và lựa chọn nguồn đạm an toàn. Việc phối hợp hợp lý giữa đạm động vật và đạm thực vật không chỉ giúp kiểm soát đường huyết mà còn hỗ trợ ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Ngày Thế giới phòng, chống Đái tháo đường (14/11) được Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động vào năm 1991, nhằm đối phó với sự gia tăng nhanh chóng số người mắc Đái tháo đường trên toàn thế giới. Hàng năm, IDF đưa ra các thông điệp tập trung vào một chủ đề có liên quan đến bệnh Đái tháo đường. Thông điệp của năm 2024 là "Nâng cao năng lực chẩn đoán vì sự an toàn của người bệnh".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm