Niềm kiêu hãnh của người dân vùng biên

Khánh Linh
03/03/2022 - 19:30
Niềm kiêu hãnh của người dân vùng biên

Trung tá Nguyễn Trọng Chỉnh, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Si Ma Cai, tặng gạo cho người dân thôn Lù Rì Sán

Những năm trước, ở biên giới chỉ có 3 nơi có thể nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng, đó là UBND xã, Đồn biên phòng và Trạm biên phòng. Ngày hôm nay, vùng biên có bao nhiêu nóc nhà là bấy nhiêu lá cờ đỏ tung bay phấp phới, như là niềm kiêu hãnh của người dân nơi này.

Xin "quà" cho đồng bào mãi cũng thành quen

Trên con đường vành đai biên giới uốn lượn chìm sâu trong những làn sương mù trắng xoá mang đậm hương vị cuối Xuân, Trung tá Nguyễn Trọng Chỉnh, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Si Ma Cai, đã quen đánh tay lái rất dẻo trên con đường này. Dường như với người sĩ quan biên phòng gắn bó gần 30 năm với vùng biên đã quá đỗi thân quen như "đường nhà mình" vậy. 

Anh bảo: "Tôi thi thoảng xin được gạo và lá cờ, lại tiện những chuyến đi thôn bản giáp biên thì mang theo phát cho bà con nghèo. Cứ phát xong, hết rồi lại cùng anh em trong Đồn đi xin các mạnh thường quân, bạn bè gần xa hỗ trợ. Xin mãi "quà" cho đồng bào nhiều lần rồi cũng thành quen".

Niềm kiêu hãnh của người dân vùng biên  - Ảnh 1.

Người dân ở thôn Lù Rì Sán còn nhiều khó khăn, nhưng mỗi nhà vẫn có lá cờ đỏ khẳng định chủ quyền dân tộc

Trên con đường ngoằn ngoèo đến thôn Lù Rì Sán, xã Sín Chải, người sỹ quan biên phòng đang đi bất chợt lùi xe lại. Anh bảo chiến sỹ của mình lấy ra lá cờ đỏ còn nguyên mùi vải mới, rồi chạy vào nhà dân gần đó hạ ngay lá cờ đã bạc màu, thay lá cờ mới. 

Trung tá Chỉnh kể: "Hầu như cứ cách 2 - 3 ngày tôi lại đi con đường này. Cứ thấy lá cờ nào bạc màu lại vào thay luôn cho bà con. Lá cờ phải thắm sắc đỏ, hiện rõ ngôi sao 5 cánh mới rực rỡ. Càng thôn bản giáp biên, càng phải để ý vấn đề treo cờ Tổ Quốc của bà con, giống như muốn khẳng định chủ quyền dân tộc vậy".

Vừa thấy bóng dáng cán bộ biên phòng đến nhà, chị Giàng Thị Xuân (23 tuổi) địu con gái út sau lưng vừa phơi mấy cái váy áo lên cây sào bắc gần bếp lửa. Hàng tháng nay ở đây vẫn chìm trong mưa rét và sương mù, không thấy mặt trời ló rạng. Chỉ có bếp lửa giữa nhà để sưởi ấm và tranh thủ hong khô quần áo các con mải nghịch mà bị ướt, bẩn có đồ để thay. Vợ chồng chị Xuân có 3 con, căn nhà nhỏ lợp mái proximăng đã cũ ở gần cuối thôn Lù Dì Sán của nhà chị Xuân chẳng có gì đáng giá, 2 chiếc giường cũ giăng màn che kín ở 2 góc nhà.

Niềm kiêu hãnh của người dân vùng biên  - Ảnh 2.

Chị Giàng Thị Xuân với nỗi lo con thiếu đói vì chồng không thể đi làm thuê do dịch bệnh Covid -19

Chị kể, chồng hôm nay đi xuống chợ phiên mua quần áo ấm cho con. Đồ cũ đã rách, lo các con bị lạnh, bị ốm. Trên tay chị Xuân vẫn cầm lá cờ đỏ sao vàng mới tinh vừa được bộ đội phát: "Lát nữa đợi chồng về thay lá cờ mới cho đẹp. Đi làm xa về nhà nhìn thấy lá cờ là nhận ra ngay nhà mình".

Đang địu con sang nhà hàng xóm, bố con anh Ma Seo Trá, dân tộc Mông vội vã nép vào mái hiên bên đường trú cơn mưa rừng bất ngờ dội xuống. Lá cờ đỏ sao vàng vừa được bộ đội phát cho anh vẫn cầm chặt trong tay như sợ nước mưa sẽ làm ướt lá cờ mới.

Niềm kiêu hãnh của người dân vùng biên  - Ảnh 3.

Anh Ma Sao Trá 25 tuổi nhưng đã có 4 người con vui mừng vì được bộ đội biên phòng tặng thêm lá cờ mới

Anh Ma Seo Trá 25 tuổi nhưng đã có 4 con. Anh Trá trông con cho vợ giặt đồ. Cũng như nhiều gia đình khác ở thôn Lù Dì Sán, nhà anh đông con, vợ chồng anh Trá cũng không đi làm thuê từ khi có dịch covid, nên tiền tiết kiệm giờ cũng không còn nữa. May mà nhờ bộ đội biên phòng cho gạo, có bát cơm nóng cho các con ăn, nên vợ chồng anh Trá đỡ lo hơn.

Bộ đội đến từng nhà giúp dân phát triển kinh tế gia đình

Trung tá Nguyễn Trọng Chỉnh chỉ tay về những sườn núi, đồi phía trước bảo: "Đồi núi ở đây trơ trọi hết cả, thời tiết khắc nghiệt nên mỗi năm bà con chỉ trồng cấy được 1 vụ. Thời gian còn lại đều để đất đồi, nương rẫy trơ ra thế, nhìn rất xót ruột và càng thương người dân hơn".

Huyện Si Ma Cai có 13 dân tộc sinh sống, người dân tộc Mông chiếm 60%. Trình độ dân trí thấp, chỉ một vài hộ dân khá hơn do có người nhà đi làm thuê ở xa, có tiền lương mang về. Người dân đa số thuần nông, chịu thương chịu khó, nhưng canh tác lại chủ yếu dựa vào thiên nhiên khắc nghiệt. Thời tiết ở Si Ma Cai có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thì có lúc đến vài 3 tháng chỉ có sương mù và mưa rầm rì, không ai thấy mặt trời. Còn mùa khô thì kéo dài đến 5 – 6 tháng chỉ có nắng gắt, không có mưa nên cây cối chết khô, ruộng đất đành phải bỏ hoang. Ngay cả việc nuôi gia cầm thành công ở vùng biên này cũng vô cùng khó khăn, vì thời tiết khắc nghiệt, gia cầm dễ bị dịch bệnh.

Đó cũng là lý do, thi thoảng Đồn biên phòng lại cùng chính quyền địa phương, trưởng bản rà soát những hộ khó khăn, thiếu đói để tìm cách kêu gọi, hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn. Để làm tốt vấn đề này, Đồn BP Si Ma Cai có 62 đảng viên, thì phân công mỗi đảng viên phụ trách 3 hộ dân. Vừa giúp bà con ổn định tinh thần trong mùa dịch bệnh, vừa hướng dẫn người dân làm kinh tế gia đình để dần ổn định cuộc sống.

Trung tá Nguyễn Trọng Chỉnh bảo: "Nhiều lúc thấy bà con còn nghèo, thiếu đói quanh năm thương lắm. Nhưng nhiều nơi biên giới phát triển thông thương lại khó tránh khỏi tệ nạn xã hội, kéo theo nhiều nỗi đau thương khác. Thôi thì, bà con mình còn nghèo, mình chịu khó giúp bà con làm ăn, chăn nuôi, tìm cây trồng cho sản lượng tốt hơn. Khó nữa thì mình thay bà con đi xin thêm đồ ăn để bớt đi những ngày thiếu đói. Hy vọng bà con sẽ dần có cuộc sống tốt hơn".     

Niềm kiêu hãnh của người dân vùng biên  - Ảnh 5.

Ẩn hiện giữa màu xanh núi rừng lại nổi bật lên sắc đỏ tươi của lá cờ Tổ quốc

Biên giới Si Ma Cai cuối Xuân vẫn chìm trong làn sương mù trắng xoá. Giữa không gian yên bình của thôn bản vùng biên, ẩn hiện giữa màu xanh núi rừng lại nổi bật lên sắc đỏ tươi của lá cờ Tổ quốc. Dẫu cuộc sống còn bộn bề khó khăn, nhưng người dân nơi đây vẫn luôn khẳng định vững chắc chủ quyền phên giậu Tổ Quốc, như niềm kiêu hãnh của người dân vùng biên không thể xoá nhoà.     

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm