Nỗi đau và sự hồi sinh sau 15 năm thảm họa sóng thần ở Indonesia

Ngự Bình
27/12/2019 - 13:52
Nỗi đau và sự hồi sinh sau 15 năm thảm họa sóng thần ở Indonesia
15 năm ngày xảy ra thảm họa chết chóc nhất thế giới ở Indonesia và Ấn Độ Dương (26/12/2004), nỗi đau vẫn nối dài những ám ảnh quá khứ. Tuy nhiên, trên những mảnh đất bị tàn phá đó, cuộc sống đã đổi thay và tình yêu thương đang tạo nên nhịp sống mới tràn đầy hy vọng.

Ảnh hưởng nặng nề

Ngày 26/12/2004, một trận động đất mạnh 9,1 độ richter ngoài khơi đảo Sumatra (Indonesia) đã tạo nên một trận sóng thần khủng khiếp với những đợt sóng cao ập vào các vùng ven biển của Indonesia và 14 quốc gia khác, giết chết hơn 230.000 người. Tổng cộng, sóng thần gây thiệt hại ước tính khoảng 10 tỷ USD tại các quốc gia. 

Tìm người thân giữa nhiều xác người

Tìm người thân giữa nhiều xác người

Đây là một trong những thảm họa thiên nhiên tàn khốc nhất lịch sử nhân loại. Được biết với tên khoa học là Cơn địa chấn Sumatra-Andaman, thảm họa này là chấn động địa chấn khủng khiếp nhất mà con người từng đối mặt trong vòng 600 năm qua. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trận động đất giải phóng năng lượng tương đương 23.000 quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản). 1.4 triệu người vô gia cư sau thảm họa.

Sự tàn phá của sóng thần năm 2004

Sự tàn phá của sóng thần năm 2004

Indonesia là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nằm gần tâm chấn. Ước tính có khoảng 167.000 người chết do nước dâng, hơn 500.000 người mất nhà cửa và 800km bờ biển bị phá hủy trên khắp đất nước vạn đảo. Thành phố Meulaboh chỉ còn là một đống gạch vụn sau khi bị sóng thần quét qua. Những con sóng thần tới đây cao tới 30m, tốc độ đi chuyển lên đến 500 - 1.000km/h, ở vùng nước cạn gần bờ thì khoảng 10km/h nhưng sức công phá lại rất lớn, không cho người dân nào có cơ may sống sót. Chứng kiến hình ảnh trên đài truyền hình, nhiều người đã không thể tin nổi sức tàn phá khủng khiếp và sự tan thương mà thảm kịch này mang tới. Nhiếp ảnh gia kiêm tình nguyện viên quốc tế Chris Rainier đặt chân tới Sumatra 2 tuần sau đó đã phải thốt lên: "Ở khắp mọi nơi đi qua, tôi phải hết sức cẩn thận để không dẫm phải một xác chết!".

Phụ nữ, trẻ em mất nhà cửa

Phụ nữ, trẻ em mất nhà cửa

Các hoạt động tưởng niệm được tổ chức ở tỉnh Aceh (Indonesia), nơi có nhiều ngôi làng bị san phẳng và hơn 125.000 người thiệt mạng vì sóng thần. Hàng nghìn người đã tập trung tại nghĩa trang quận Aceh Besar, tỉnh Aceh dự lễ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất - sóng thần đúng 15 năm trước đây. Mọi người đến đặt hoa lên một ngôi mộ tập thể. Ít nhất 47.000 nạn nhân thiệt mạng được an táng tại khu nghĩa trang Aceh Besar. Gia đình, người thân của các nạn nhân tới đây cùng cầu nguyện cho người đã khuất và an ủi, chia sẻ sự đồng cảm. "Không ngôn từ nào có thể diễn tả được cảm xúc của chúng tôi khi nhìn thấy hàng ngàn thi thể tại khu vực này 15 năm trước", Thống đốc tỉnh Aceh Nova Iriansyah chia sẻ.

Bảo tàng Sóng thần lưu tên nạn nhân bị thiệt mạng

Bảo tàng Sóng thần lưu tên nạn nhân bị thiệt mạng

Hàng nghìn người cũng thường tới bảo tàng tưởng niệm sóng thần ở thành phố Banda Aceh trong ngày 26/12. "Dù 15 năm đã qua, tôi vẫn cầu nguyện gặp lại cha mẹ tôi. Nếu không thể gặp họ ở thế giới này, tôi chắc chắn sẽ gặp họ trên thiên đường", Firsawan Abdul Hadi Firsawan - Người có bố mẹ và anh chị em mất tích sau sóng thần năm 2004 - nói.

Nhiều năm sau thảm họa, thi thể của các nạn nhân vẫn được tìm thấy. Năm ngoái, tại Banda Aceh, giới chức phát hiện hàng chục thi thể bên trong những ngôi mộ tập thể được đào vội. Một bảo tàng "Sóng thần" rộng 2.500 mét vuông được xây dựng để lưu giữ những hình ảnh đau thương trong thảm họa, những mảnh vỡ của các công trình còn sót lại và khắc tên tất cả các nạn nhân lên bức tường lớn của bảo tàng. Chị Armilla Yanti (43 tuổi), người thoát chết vào ngày định mệnh 26/12/2004 và hiện làm hướng dẫn viên bảo tàng sóng thần, cho biết: "Chúng tôi hướng dẫn khách tham quan thông qua câu chuyện của chúng tôi, về những gì chúng tôi đã trải nghiệm. Vì tôi từng trải qua chấn thương sóng thần, khi tôi gặp khách tham quan, tôi chia sẻ kinh nghiệm và cả những chấn thương tâm lý để họ không bao giờ quên rằng đã có một thảm họa sóng thần khủng khiếp diễn ra ở Aceh".

Chị Armilla Yanti (43 tuổi), người thoát chết vào ngày định mệnh 26/12/2004 và hiện làm hướng dẫn viên bảo tàng sóng thần

Chị Armilla Yanti, người thoát chết vào ngày định mệnh 26/12/2004 và hiện làm hướng dẫn viên bảo tàng sóng thần

"Tôi đến đây hàng năm để cầu nguyện cho con tôi, con dâu và ba đứa cháu", một phụ nữ tên Maryam có mặt tại Ulee Lheue - nơi 14.800 người bị chôn vùi trong thiên tai, nói. Bà Maryam (67 tuổi) sống sót bằng cách bám vào một thân cây nhưng con cháu bà không may mắn như vậy. Cho đến giờ thi thể họ vẫn chưa được tìm thấy nhưng chắc chắn họ được chôn trong hố tập thể ở Ulee Lheue vì vào lúc sóng thần ập vào, họ đang ở vùng lân cận và không có cơ hội thoát thân.

Hàn gắn vết thương cũ

Sau 15 năm, Banda Aceh đã được tái thiết nhưng nỗi đau vẫn còn đó ám ảnh người dân suốt nhiều thế hệ. Tưởng niệm những người thiệt mạng, suy ngẫm về quá khứ để trân trọng cho tương lai là những điều mà người dân ở tỉnh Banda Aceh đang hướng đến. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng cùng với sự hỗ trợ của chính phủ và bằng niềm tin mãnh liệt, con người ở những vùng đất này vẫn sẽ vượt qua một cách mạnh mẽ, để tiếp tục hướng tới sự tươi đẹp của cuộc sống.

Lễ cầu nguyện cho những người đã mất trong thảm họa

Lễ cầu nguyện cho những người đã mất trong thảm họa

Ngay sau thảm hoạ, chính quyền Indonesia và cộng đồng quốc tế đã lập kêu gọi gây quỹ cứu trợ Aceh. 7 triệu USD từ quỹ này đã giúp tỉnh Aceh dần phục hồi sau sự tàn phá của trận động đất và sóng thần. Quỹ Aceh được duy trì cho tới ngày nay để cứu trợ nạn nhân các vùng thảm họa khác. Khu vực Banda Aceh đã dần được tái thiết với khoảng 25.600 tòa nhà dân cư, trường học, công sở, trung tâm thương mại được xây dựng. Các quan chức thành phố Banda Aceh cho biết hiện có khoảng 50.000 cư dân hiện vẫn sống trong vùng nguy hiểm, gần bằng con số trước thảm họa năm 2004 bởi rất khó để họ rời bỏ nguồn sinh kế từ biển, cũng như mảnh đất "chôn nhau cắt rốn". "Rời xa biển và chuyển tới nơi ở khác giống như có thêm vết thương bởi cuộc sống của chúng tôi phụ thuộc vào biển", Muhammad Saleh, ngư dân sống sót sau sóng thần, cho biết.

Thả thuyền giấy tưởng niệm

Thả thuyền giấy tưởng niệm

Còn Arif Munandar - một cư dân của Banda Aceh - mất vợ, 3 con trai và 20 thành viên khác trong gia đình khi phần lớn thành phố bị xóa sổ vào 15 năm trước. Anh chia sẻ: "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi điều có thể, tiếp tục cung cấp thông tin tới người dân để giảm thiếu tối đa thiệt hại nếu thảm họa lại ập tới. Chúng tôi không muốn chứng kiến nhiều thiệt hại; do đó, chúng ta cần chung tay làm mọi điều có thể để chống chọi với các thảm họa".

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết sau thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương vào năm 2004, công tác cảnh báo và đối phó với thiên tai tại các nước Nam Á và Đông Nam Á đã có nhiều bài học quý giá, nâng cao kinh nghiệm đối phó với thảm họa thiên tai về sau. Liên hợp quốc đã tạo điều kiện để khởi xướng việc lắp đặt hệ thống cảnh báo ngay trong năm 2005 với những trạm đo địa chấn ghi nhận và phân tích số liệu, từ đó tính toán xác suất xảy ra sóng thần mỗi khi có động đất. Các kết quả nghiên cứu được chia sẻ với tất cả những cơ sở quan trắc trên toàn cầu bao gồm Đại Tây Dương và Caribe, nhằm tạo thành một hệ thống dự đoán, phòng chống thiên tai hữu hiệu. Từ năm 2007, mỗi xã ở Aceh đều có 1 tháp theo dõi sóng thần riêng. Tới năm 2013, với sự vận động của Indonesia, một hệ thống chung của 28 quốc gia khu vực Ấn Độ Dương được thành lập nhằm cảnh báo và giảm thiểu thiệt hại từ sóng thần. Chuông báo động được đặt tại 6 tiểu khu Aceh và có thể vang xa 7.000km.

Bãi biển Ulee Lheue là bãi biển bị tàn phá nặng nề nhất trong trận sóng thần 2004. Ngày nay đã trở thành điểm đến yêu thích của các du khách

Bãi biển Ulee Lheue, từng bị tàn phá nặng nề nhất trong trận sóng thần 2004, trở thành điểm đến yêu thích của các du khách

Thành phố Serambi Makkah trước kia bị tàn phá, nay đã trở thành địa điểm thu hút khách du lịch. Nhà thờ Hồi giáo Baiturrahman công trình duy nhất còn tồn tại trong thảm hoạ trở thành biểu tượng của thành phố này. Cơ sở hạ tầng phát triển tốt. Năm 2016, sân bay quốc tế Bandar Aceh còn nhận giải thưởng sân bay Halal tốt nhất cho khách du lịch và thành phố Aceh nhận giải thưởng Điểm đến văn hoá Halal tốt nhất thế giới. Bãi biển Ulee Lheue là bãi biển bị tàn phá nặng nề nhất trong trận sóng thần 2004. Ngày nay đã trở thành điểm đến yêu thích của các du khách với các dịch vụ vui chơi giải trí và sân goft. Nơi đây còn nổi tiếng trong cộng đồng lướt sóng quốc tế.

Nguồn: nbcnews.com, nykdaily.com
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm