Nỗi lo dịch Covid-19 chồng lên nỗi lo tiền bạc của nữ công nhân

Hoài Thương
12/06/2021 - 13:01
Nỗi lo dịch Covid-19 chồng lên nỗi lo tiền bạc của nữ công nhân

Các nữ công nhân mua tạm vài bó rau trước cổng khu công nghiệp chuẩn bị cho bữa tối.

Nhiều công nhân tại TPHCM bị cắt giảm giờ làm, thậm chí bị mất việc, ngưng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở khu công nghiệp, khu xóm trọ công nhân càng trầm lặng vì nhiều nỗi bất an, đi làm thì sợ dịch, ở nhà thì sợ đói. Các bữa cơm gia đình của nữ công nhân lại càng đạm bạc hơn trước.

Năm 2021 là năm nhiều biến cố với gia đình nữ công nhân Huỳnh Thị Ngọc Yến, công ty TNHH Đạt Việt, Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7, TPHCM). Tháng 3/2021, chị Yến gặp tai nạn giao thông khi trên đường đón con đi học về. Bản thân chị Yến bị thương tích nặng về phần mềm ở chân. Chị hiện đang có thai hơn 7 tháng nên không dám uống thuốc, vết thương vì thế mà khó lành nhanh. Con trai chị 7 tuổi bị gãy xương chân, khâu 50 mũi. Nỗi lo về sức khỏe chưa qua thì gia đình chị tiếp tục lo thất nghiệp khi dịch Covid-19 lại bùng phát.

Nỗi lo dịch Covid-19 chồng lên nỗi lo tiền bạc của nữ công nhân  - Ảnh 1.

Chị Huỳnh Thị Ngọc Yến và con trai 

"Tôi vừa cảm thấy hơi khỏe và đi làm lại vào đầu tháng 5. Vậy mà dịch Covid-19 lại đến. Đi làm thì lo dịch bệnh, mà ở nhà thì lo đói. Hơn nữa, nếu tôi không đi làm thì sắp tới sẽ không đủ điều kiện để nhận tiền thai sản từ bảo hiểm. Với công nhân như tôi, có thêm được đồng nào nuôi con thì mừng đồng đó. Vậy nên, tôi vẫn quyết định đi làm dù trong lòng rất lo lắng. Nhiều người thân cũng khuyên tôi nên ở nhà, dịch bệnh, bầu bí mà ham tiền quá. Nhưng ở nhà lấy gì nuôi con. Tiền thuốc men vừa qua đã tốn nhiều rồi. Vợ chồng tôi còn phải để dành tiền ít bữa phẫu thuật chân cho con", chị Yến trăn trở.

Khi một số công ty khu công nghiệp trên địa bàn có bệnh nhân nhiễm Covid-19 như công ty PouYuen (Bình Tân), KCX Tân Thuận (quận 7) và một công ty ở huyện Hóc Môn, khiến cho hàng ngàn công nhân đứng ngồi không yên. Nỗi sợ về dịch bệnh chồng chất lên những lo toan về cơm áo gạo tiền.

Nỗi lo dịch Covid-19 chồng lên nỗi lo tiền bạc của nữ công nhân  - Ảnh 2.

Một nữ công nhân cân nhắc tiền bạc kỹ lưỡng trước khi bắt đầu đi chợ chiều

Chị Nguyễn Hiền, đang lưu trú tại con hẻm trên đường Bờ Tuyến (Tân Tạo A, Bình Tân, TPHCM), là công nhân công ty PouYuen (Bình Tân). Hiện tại, chị đang thực hiện cách ly phong tỏa 21 ngày tại nhà trọ. Hằng ngày, chị trông chờ từng suất cơm hỗ trợ, nhu yếu phẩm tài trợ từ phường gửi vào nhằm tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Bởi lẽ, 21 ngày nghỉ ở nhà, chị chỉ được hưởng mức lương cơ bản, khoảng 160 nghìn/ngày. "Thu nhập của tôi tháng khoảng 8 triệu. Tiền trọ, tiền gửi trẻ, tiền ăn, mọi thứ đều đợi đến cuối tháng lĩnh lương về thanh toán. Mới đây dịch Covid-19 bùng phát, hẻm dãy trọ phong tỏa vì có ca nhiễm Covid-19. Tôi phải nghỉ làm 21 ngày, dù công ty hỗ trợ 21 ngày lương cơ bản nhưng tôi lo sắp tới sẽ phải nợ tiền trọ. Điều tôi đang lo hơn là hiện nay công ty cũng vừa có ca mắc Covid-19, dịch bệnh mà tăng lên nhiều, công ty cho công nhân nghỉ luôn, giảm giờ làm thì càng khổ nữa", chị Hiền cho biết.

Cùng chung nỗi lo lắng trước thời dịch bệnh, chị Dương Trang, công nhân công ty Freetrend (Khu chế xuất Linh Trung 2, TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, từ khi có dịch, gia đình chị thắt chặt chi tiêu hết mức. Bữa ăn của gia đình ba người giờ quanh đi quẩn lại chỉ bó rau muống hay rau dền, đậu phụ chiên sả, vài quả trứng chiên cho tiết kiệm chi phí. "Bây giờ còn được đi làm là mừng rồi, công ty không biết còn cầm cự đến bao giờ. Tôi lo dịch bệnh kéo dài, công nhân như chúng tôi không còn việc làm. Năm nay, tôi đã 40 tuổi, nếu đi xin việc bên ngoài rất khó, học việc mới lại càng khó".

Nỗi lo dịch Covid-19 chồng lên nỗi lo tiền bạc của nữ công nhân  - Ảnh 3.

Công nhân Khu chế xuất Linh Trung 2, TP Thủ Đức, TPHCM tan ca

Tại TPHCM có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động với khoảng 1.330 doanh nghiệp. Tổng số lao động Việt Nam là 276.698 người, trong đó lao động nữ là 159.617 người (tỷ lệ 57,69%). Tổng số lao động nước ngoài là 2.228 người. Đặc thù làm việc tập trung đông người, môi trường kín, sinh hoạt ở nhà trọ chật chội, đông đúc... việc dịch bệnh xuất hiện ở khu công nghiệp được xem dễ bùng phát và khó kiểm soát.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TPHCM có 1.365 doanh nghiệp báo cáo gặp khó khăn do dịch Covid-19, với hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc; 410 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương cho công nhân. Có 2.274 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 4,99% so với cùng kỳ); có 9.308 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (tăng 22,99% so với cùng kỳ).

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm