“Nội tướng” của anh hùng Lê Hữu Tựu

"NỘI TƯỚNG" CỦA ANH HÙNG LÊ HỮU TỰU

Tròn nửa thế kỷ trôi qua, mỗi lần giỗ chồng là Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Hữu Tựu (SN 1944, hy sinh ngày 22/12/1972), bà Nguyễn Thị Mứt đều tự tay ngâm gạo nếp thổi xôi, tự tay nấu mâm cơm canh cúng ông. Đồ lễ, đồ mã cũng phải tự tay bà sắm; hoa quả trên ban thờ cũng là tay bà bày biện, bà mới yên tâm.

Cuộc đời như bóng câu qua cửa sổ, thấm thoắt, bà Nguyễn Thị Mứt (SN 1945, ở Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội) đã trải qua 50 lần làm giỗ chồng. Ngày "cây súng thần" - Anh hùng LLVT Lê Hữu Tựu hy sinh, mái tóc người vợ mới chớm độ ba mươi còn mướt xanh, giờ đã gần bạc trắng cả đầu. Chị Quỳnh Liên, cháu gái của bà cho biết, năm nào cũng thế, trước ngày giỗ ông cả tháng, bà Mứt đã đếm ngược thời gian, tính tính toán toán năm nay cúng giỗ ông làm sáng hay chiều, đồ mã sắm sanh ra sao, hoa quả thế nào... Chị Liên bảo, "Con cháu nhiều nhưng bác gái cứ phải tự tay sắm mã, tự tay mua đồ, bày lễ cúng bác trai mới yên tâm".

Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022)  “Nội tướng” của anh hùng Lê Hữu Tựu - Ảnh 1.

Bước vào tuổi 80 nhưng mỗi lần giỗ ông, bà Nguyễn Thị Mứt đều vào bếp tự tay nấu mâm cơm canh cúng chồng

Tôi đến thăm bà trước giỗ ông một ngày. Mới sáng sớm, bà Mứt đã ra chợ chọn mua hoa quả tươi để về bày ban thờ. Tuổi cao, thêm chứng đau khớp, vậy mà một tay vịn cầu thang, bà leo lên tận tầng 3, tỉ mẩn lau dọn, bày biện ban thờ. Bà lặng lẽ làm, thi thoảng môi mấp máy như thì thầm điều gì đó với ông. Mâm mã cúng ông, được bà sắp trước đã nhiều ngày, có đầy đủ quân tư trang của người lính cụ Hồ. Tôi hơi ngạc nhiên vì thấy có 2 bộ mã quân nhân, bà giải thích, là một bộ dành cho ông em trai chồng. Ông cũng đi chiến trường và hy sinh sau chồng bà 2 năm, chưa lập gia đình.

Ngồi lần giở, lau lại tấm hình kỉ niệm của ông bà gần 60 năm về trước (mới được bà thuê thợ ảnh làm lại, phóng khổ lớn), bao nhiêu ký ức như cuộn phim ùa về trong trí nhớ của bà. Khoảnh khắc ngược dòng tuổi trẻ, đôi mắt của người vợ, người mẹ, người bà đã chạm tuổi 80 như chứa cả thanh xuân.

Đích thân bà đặt gạo nếp ngon, ngâm gạo và thổi xôi trong ngày giỗ ông

"Thực ra, tuổi thật tôi sinh năm 1943, còn ông Tựu sinh năm 1942 cơ. Nhưng vì gián đoạn do sơ tán, sau này đi học, làm lại giấy tờ, các cụ khai tôi sinh 1945, còn ông ấy sinh 1944. Hồi gặp nhau, tôi 19 tuổi, còn ông ấy 20. Tôi làm ở trạm xá xã, ông ấy người làng bên, ra khám bệnh rồi quen và yêu nhau. Tình yêu ngày xưa đơn giản lắm, nhớ thương nhau già một năm thì cưới", bà chậm rãi, ánh mắt ánh lên niềm vui, khi trí nhớ gợi về tuổi đôi mươi…

"5 tháng 8 ngày + 1 đêm" 

Trong chiếc ví Anh hùng Lê Hữu Tựu để lại mảnh giấy với dòng chữ ngắn ngủi viết vội: "Đoàn tàu rung rinh khó viết, cũng là giờ phút phải tạm biệt quê hương. Con đi ba má nhé! Ba má ở nhà trông nom các em". Bà giải thích, vì bí mật, không thể tiết lộ thông tin nên ông đã gọi bố mẹ bằng "ba má" theo người miền Nam, để ngụ ý nhắn rằng, ông vào Nam chiến đấu.

Cưới nhau được 5 tháng 8 ngày thì ông Tựu lên đường nhâp ngũ theo tiếng gọi non sông. Lúc ấy, bà Mứt đang mang bầu người con đầu lòng được 2 tháng. Sau đợt huấn luyện trên Phú Thọ 2 tháng thì ông được đơn vị cho về thăm nhà, trước khi lên đường vào chiến trường.

Ngày đầu kỳ phép, ông xuôi tàu Phú Thọ - Đông Anh. Đến thành phố Việt Trì thì cầu Việt Trì bị đánh phá, tàu phải ngừng hoạt động. Nóng lòng, ông xuống tàu quốc bộ cả ngày đêm mới về đến nhà. Vậy là mất một ngày phép. Đêm thứ hai bà được ở bên ông. Sang ngày thứ 3 thì ông được lệnh phải về đơn vị để nhận nhiệm vụ mới. Thời gian ấy, bà mang bầu được 4 tháng.

Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022)  “Nội tướng” của anh hùng Lê Hữu Tựu - Ảnh 4.

Bà bảo, mỗi lần nhớ ông, bà lại lên phòng thờ, cũng là nơi trưng bày Huân, Huy chương, phần thưởng cùng những kỉ vật của ông để trò chuyện với ông

"Chiến tranh mà! Cứ được lệnh là lên đường thôi. Nhận lệnh, ông ấy lại vội vàng xuống Ga Đông Anh ngược tàu Phú thọ để đi chuyến tối 11 giờ khuya. Ông ấy đi trước, tôi lập cập cùng mấy người nhà theo xuống ga tiễn chân. Hôm ấy trễ tàu, nên gần 1, 2 giờ sáng tàu mới đến. Cũng may, nhờ chuyến tàu bị trễ mà vợ chồng có thêm mấy tiếng ở bên nhau. Lúc đợi tàu, ông ấy trải tấm vải nhựa nằm gối đầu lên mũ cối, ba lô đặt bên, tôi ngồi quạt cho chồng nghỉ. Thế mà rồi mệt quá, tôi cũng gục xuống bên chồng thiếp đi lúc nào chẳng hay. Đến lúc nghe tiếng còi tàu hú vào ga, mới giật mình tỉnh giấc. Chẳng kịp chào vợ, ông ấy chỉ nói "Anh phải đi rồi" và vội vàng xách quân tư trang lao lên tàu. Tôi ngơ ngác, nước mắt ngắn dài đuổi theo, nháo nhác tìm chồng trong ánh đèn đêm. Rồi cũng tìm được ánh mắt ông ấy đứng từ trên toa tàu nhìn vợ đang…đổ nhè", giọng bà Mứt trầm dần. Lặng đi một lát, bà nghèn nghẹn: "Ông ấy lên đơn vị. Rồi vào Nam. Và thế là đi mãi mãi"…

Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022)  “Nội tướng” của anh hùng Lê Hữu Tựu - Ảnh 5.

Bà Mứt sắp mã cho ông, đủ quân tư trang của người lính cụ Hồ và không quên thêm một bộ quân trang cho em trai của chồng hy sinh sau ông 2 năm

Bà Mứt kể, khi đoàn tàu của ông từ Phú Thọ vào Nam, đi qua địa phận ga Đông Anh, ông có gửi lại cái ví, nhờ chuyển về cho gia đình. Trong chiếc ví, ông để lại mảnh giấy với dòng chữ ngắn ngủi viết vội: "Đoàn tàu rung rinh khó viết, cũng là giờ phút phải tạm biệt quê hương. Con đi ba má nhé! Ba má ở nhà trông nom các em". Bà giải thích, vì bí mật, không thể tiết lộ thông tin nên ông đã gọi bố mẹ bằng "ba má" theo người miền Nam, để ngụ ý nhắn rằng, ông vào Nam chiến đấu.

Ông vào chiến đấu ở chiến trường khu 5. Ở nhà, như bao phụ nữ đương thời, trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, phải nuôi con thơ nhưng bà Mứt vẫn vừa lo trọn việc chuyên môn, việc gia đình và tham gia các phong trào Phụ nữ ba đảm đang, tham gia đội cứu thương, khắc phục hậu quả tại địa phương khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc.

Bà Mứt cẩn thận từng chi tiết khi sắp xếp ban thờ trong ngày giỗ chồng

Biền biệt bao năm ông ở chiến trường, không một lần về thăm nhà. Biết chồng mong ngóng mặt con, bà chụp tấm hình con trai chập chững gửi vào cho ông. Người anh hùng được mệnh danh "cây súng thần" nơi hòn tên mũi đạn mừng vui khôn tả. Ông đã khóc khi ôm hình con vào lòng. Trong một lá thư, ông viết cho bà:

"Mứt Em.

Nhiệm vụ của anh là ở chiến trường. Chức năng là đánh giặc.

Anh phải xa em và con trai mà anh chưa hề được biết mặt. Anh không muốn Em ạ.

Em Mứt nghe lời anh, hãy nỗ lực cao hơn nữa trong công tác, chăm lo đứa con giọt máu đầu tiên. Nó sẽ là giọt máu đỏ. Nó sẽ là người Cộng sản chân chính, vì nó được ảnh hưởng của gia đình. Nó lại là đứa con của chúng ta, chắc là nó phải có trách nhiệm với truyền thống cách mạng của gia đình. Thế cho nên em phải chăm lo cho nó.

Anh thấy nó trong ảnh, anh hiểu nó, thương nó. Anh luôn ôm nó trong người, đi đâu anh cũng cho nó theo để nó học.

Ngày Tết anh cho nó mấy cái kẹo. Anh cho nó cái đài nhỏ đẹp. Nó sướng quá.

Đấy lúc nào anh cũng mơ như vậy.

Em Mứt ạ, đừng nghĩ nhiều về anh. Hãy cố gắng học tập công tác, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất trong sáng. Lúc nào anh cũng mong em tiến bộ.

Xuân mới chúc em và con mạnh khỏe, vui trẻ.

Anh của em - Thành Tựu".

Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022)  “Nội tướng” của anh hùng Lê Hữu Tựu - Ảnh 7.

Bà Mứt thuộc lòng từng lá thư của ông

Bà Mứt bảo, những lá thư ông viết về cho vợ, ngoài sự nhớ nhung, ông luôn dặn dò bà thay ông chăm lo cho con trai yêu dấu, cho gia đình và không ngừng phấn đấu vươn lên tiến bộ. Dõi theo những thành tích của ông ở chiến trường, bà tự hào khôn tả. Trong những câu chuyện thì thầm bà kể cho con trai, bà luôn dặn con sau này phải học giỏi, rèn luyện sao cho xứng đáng là con của một người anh hùng.

Bà thuộc nằm lòng từng lời thư ông viết: "Em Mứt nghe lời anh, hãy nỗ lực cao hơn nữa trong công tác, chăm lo đứa con giọt máu đầu tiên. Nó sẽ là giọt máu đỏ. Nó sẽ là người Cộng sản chân chính, vì nó được ảnh hưởng của gia đình. Nó lại là đứa con của chúng ta, chắc là nó phải có trách nhiệm với truyền thống cách mạng của gia đình. Thế cho nên em phải chăm lo cho nó".

Sợi dây liên lạc duy nhất của người vợ Bắc - chồng Nam ngày ấy là những cánh thư. Những cánh thư cho người lính chiến trường thêm lòng dũng cảm, cho người vợ nơi quê nhà nội lực vươn lên.

Dường như ông viết cho bà lá thư nào, bà thuộc lòng thư ấy. Hơn nửa thế kỷ qua, bà có thể quên rất nhiều, nhưng riêng những cánh thư của chồng bà vẫn nhớ như in. Trong câu chuyện bà Mứt kể về ký ức, thi thoảng, như một phản xạ tự nhiên, bà đọc làu làu những cánh thư của ông.

Nỗi buồn riêng hoà khát vọng non sông

Bẵng đi cả năm trời, những cánh thư bặt tin chồng khiến lòng dạ bà Mứt như lửa đốt. Càng đợi, tin ông càng bặt tăm. Bà lặn lội tìm ra tận Bộ tư lệnh quân khu thủ đô để hỏi thăm, xác minh tin tức của ông. "Lúc ra Bộ Tư lệnh quân khu Thủ đô hỏi tin về ông ấy, tôi và gia đình đã xác định lành ít giữ nhiều. Sự hy sinh, mất mát nào cũng đớn đau. Nhưng những năm tháng ấy, cả đất nước là như thế. Chiến tranh, nào ai tránh được hòn tên mũi đạn, nhất là khi ông ấy ở tuyến đầu chống giặc", bà Mứt nhớ lại.

Bà Nguyễn Thị Mứt ngồi ngắm những tấm hình kỉ niệm, những hồi ức thanh xuân lại ùa về

Mãi đến tháng 5/1974, gia đình mới nhận được giấy báo tử của xạ thủ - Anh hùng LLVT Lê Hữu Tựu. Bà Mứt ôm tấm hình ông mặc bộ quân phục, nói với tôi nhưng như thì thầm với chính mình: "Đau lắm chứ, sốc lắm chứ. Vì dù có xác định trước là người ra chiến trường, sống chết khó tránh nhưng tôi vẫn nuôi hy vọng, ngày chiến thắng ông ấy trở về, gia đình đoàn tụ. Tôi luôn mong mỏi, đợi ngày đất nước ngừng tiếng súng, ông ấy trở về, vợ chồng sẽ xin bố mẹ ra ở riêng, vun đắp tổ ấm, nuôi dạy con nên người. Cả đất nước mình ngày ấy như thế, biết bao gia đình khác cũng phải hy sinh chứ đâu chỉ riêng mình. Đành biến nỗi đau thành hành động, hăng hái lao động, làm kinh tế để nuôi con trưởng thành thôi".

Phát huy gia đình truyền thống cách mạng (bố chồng tham gia kháng chiến chống Thực dân Pháp bị tù đày nhiều nơi, chồng là liệt sĩ - Anh hùng LLVT, em trai của chồng cũng hy sinh sau anh 2 năm), bà Mứt thay ông vừa làm mẹ, vừa làm cha, lo toan nội - ngoại vẹn tròn.

Thực hiện vẹn tròn ước nguyện của ông, nuôi dạy con trai nên người, thành công, giờ "nội tướng" của xạ thủ - Anh hùng Lê Hữu Tựu đã có thể thanh thản, an vui tuổi già 

Chiến tranh đã lùi xa, đúng hôm nay, ngày 22/12, tròn 50 năm Anh hùng Lê Hữu Tựu hy sinh. Lịch sử có thời gian nhưng tình cảm vợ chồng không có khoảng cách âm - dương. Nhìn dáng bà Mứt tuổi tám mươi lui cui sắp từng bộ mã, lau chùi từng kỉ vật, tấm hình của chồng, đủ thấy nghĩa vợ tình chồng trong bà sâu nặng nhường nào. Suốt 5 thập kỷ ấy, trong trái tim người vợ tảo tần của một anh hùng, vẫn vẹn nguyên lòng chung thuỷ cùng những ký ức đẹp đẽ, thiêng liêng về người con - người chồng - người cha - người chiến sĩ.

XẠ THỦ - ANH HÙNG LLVT LÊ HỮU TỰU (1944 - 1972)

Tháng 4 năm 1965, ông Lê Hữu Tựu nhập ngũ, vào Nam chiến đấu. Ông cùng đơn vị tham gia các chiến dịch, đánh hơn 50 trận (có 28 trận trực tiếp bắn máy bay) trên chiến trường Khu 5, bắn rơi 31 máy bay trực thăng, diệt 64 tên giặc lái và bộ binh địch.

Lê Hữu Tựu là một xạ thủ mưu trí, linh hoạt, dũng cảm. Mùa thu năm 1967, có lần trận địa bị máy bay địch bắn phá, khẩu đội bị cây to che khuất, ông bất chấp nguy hiểm, trèo lên cây chặt cành, tạo thuận lợi cho khẩu đội nổ súng. Trận này, Lê Hữu Tựu bắn rơi 8 máy bay lên thẳng.

Mùa đông năm 1967, đơn vị chiến đấu với máy bay địch trong 5 ngày. Ngay ngày đầu, 3 chiếc máy bay lên thẳng lao đến, bằng 2 loạt đạn chính xác, Lê Hữu Tựu bắn rơi 2 chiếc. Hôm sau, địch rải chất độc hóa học xuống trận địa và cho bộ binh tiến công. Thấy địch đến gần, Lê Hữu Tựu cùng đồng đội hạ nòng súng bắn diệt nhiều tên, buộc địch bỏ chạy. Buổi chiều, với 3 điểm xạ ngắn, ông diệt 3 máy bay địch tại chỗ.

Hè năm 1968, đại đội chốt trên núi Ngang, Lê Hữu Tựu cùng khẩu đội chiến đấu suốt 40 ngày đêm, khi bắn máy bay, khi cơ động diệt máy bay sát cứ điểm địch. Bị thương, ông vẫn chống gậy hành quân. Khi máy bay địch đến, Lê Hữu Tựu nén đau cùng anh em bắn rơi 2 máy bay địch.

Lê Hữu Tựu đã được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công Giải phóng (1 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba).

Ngày 15/02/1970, Lê Hữu Tựu được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Khi đó ông là Đại đội phó Đại đội 3, Tiểu đoàn 14 phòng không, Sư đoàn 2, Quân khu 5.

Ông hy sinh ngày 22/12/1972.

Ngày 20/8/2006, trường tiểu học Nguyên Khê được tách làm 2 trường tiểu học, mỗi trường được vinh dự mang tên một vị anh hùng: Trường tiểu học Tô Thị Hiển và trường Tiểu học Lê Hữu Tựu.

Ngày 5/10/2010, Lê Hữu Tựu được đặt tên cho một con đường ở quê hương Nguyên Khê.

Bài, ảnh: Thảo Miên