Nữ "Chiến sĩ tên lửa" và bản hùng ca giữa Sài Gòn

NỮ "CHIẾN SĨ TÊN LỬA" VÀ BẢN HÙNG CA GIỮA SÀI GÒN

Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, bà Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chính Nghĩa) lại cùng đồng đội tìm về Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia "Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968" (Quận 3, TPHCM), nơi đang trưng bày nhiều hiện vật gắn với một thời chiến đấu quả cảm của đội quân "xuất quỷ nhập thần".

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất thép Củ Chi (TPHCM) trong một gia đình có 8 người con, con đường đến với Cách mạng của cô bé Nghĩa bắt đầu từ những buổi bí mật đưa cơm cho các chiến sĩ trú ẩn trong chiến khu. "Hằng ngày đi chăn bò, má đều đưa cho tôi một túi cơm mang theo để ăn. Nhưng má lại làm thêm những túi cơm nữa được đựng trong lá chuối, mo cau. Má chỉ cho nơi giấu cơm rồi cách phát tín hiệu để các chú biết được. Lần đầu tôi cũng hồi hộp, thấp thỏm nhưng cuối cùng đã làm được theo lời má chỉ dẫn. Những ngày sau, tôi vẫn làm theo cách tương tự nhưng địa điểm để cơm được thay đổi để tránh bị lộ", bà Chính Nghĩa nhớ lại.

Giai đoạn 1959-1960, phong trào Đồng khởi lan rộng khắp miền Nam. Tại Củ Chi diễn ra các cuộc biểu tình, đấu tranh với sự tham gia chủ yếu của phụ nữ yêu cầu địch không bắn phá, đốt nhà. Lúc này, cô bé Nghĩa cũng tham gia hỗ trợ các đoàn đấu tranh. Sau đó, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng. Chính Nghĩa tham gia đội văn nghệ ở địa phương, đào địa đạo rồi vận động thanh niên, phụ nữ đi tòng quân; làm hầm chông, hố đinh để ngăn chặn các trận càn của địch.

Năm 1964, hình ảnh anh hùng Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn đã thôi thúc Chính Nghĩa vào quân ngũ với mong muốn được trực tiếp chiến đấu. Lúc này, Đội 5 Biệt động Sài Gòn, do đồng chí Nguyễn Thanh Xuân (bí danh Bảy Bê) làm đội trưởng, đang tìm kiếm một cô gái dũng cảm để làm nhiệm vụ liên lạc với nội thành Sài Gòn và Chính Nghĩa đã được địa phương giới thiệu. "Lúc đó, tôi vừa mừng vừa lo bởi Biệt động Sài Gòn là lực lượng mà tôi rất nể phục, hành động xuất quỷ nhập thần", bà Chính Nghĩa nhớ lại.

Những trận đánh để đời

Sau đó, Chính Nghĩa được đi học trinh sát địa hình trong 3 tháng, khi về được giao cho chiếc Mobylette. Tham gia Biệt động Sài Gòn, Chính Nghĩa được chỉ dạy nhiều điều, trưởng thành hơn và được tin tưởng giao thực hiện nhiệm vụ. Trước trận đánh vào Tổng nha Cảnh sát vào tháng 8/1965, cô được đưa đi may áo dài, mua guốc mộc, nón lá; được dạy cách đi đứng, phong cách của một thiếu nữ Sài Gòn với mục đích đóng giả làm cô dâu để thực hiện nhiệm vụ. Sau đó, trận đánh diễn ra và đã gây thiệt hại nặng cho địch.

Bà Chính Nghĩa bên chiếc Mobylette gắn với những lần ngược xuôi làm nhiệm vụ của bà

Bà Chính Nghĩa bên chiếc Mobylette gắn với những lần ngược xuôi làm nhiệm vụ của bà

Bà Chính Nghĩa tiếp tục được dạy cách bắn súng và nhận thêm nhiều nhiệm vụ khác. Đặc biệt, khi nhận nhiệm vụ giao liên trong trận đánh tại khách sạn Victoria vào năm 1966, chỉ trong một ngày, trên chiếc xe Mobylette, nữ chiến sĩ Chính Nghĩa đã 3 lần đi từ căn cứ vào nội thành và ngược lại để báo tin vì kế hoạch thay đổi liên tục. Cũng vì điều này mà bà được đồng đội đặt cho biệt danh "Chiến sĩ tên lửa".

Đến năm 1967, căn cứ của Đội 5 Biệt động Sài Gòn bị lộ, phần lớn các chiến sĩ bị bắt. Cuối năm 1967, chỉ huy của Biệt động Sài Gòn điều những người trong đơn vị khác thành lập Đội 5 mới do đồng chí Tô Hoài Thanh (bí danh Ba Thanh) làm đội trưởng. Lúc này, Chính Nghĩa được giao nhiệm vụ vào nội thành để móc nối lại với các cơ sở. "Thời điểm đó, tình hình chiến sự rất căng thẳng. Ngày 29 Tết Mậu Thân, cả đội tập trung về Trảng Bàng. Vừa ăn giao thừa xong thì Thủ trưởng gọi tất cả các thành viên lại, giao nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu", bà Chính Nghĩa nhớ lại.

Nữ "Chiến sĩ tên lửa" và bản hùng ca giữa Sài Gòn- Ảnh 2.

Chân dung bà Chính Nghĩa lúc 19 tuổi

"Tôi nhớ có lần, khi lên xe lam để vào nội thành, vừa bước lên xe thì tôi thấy má ngồi ở băng ghế đối diện. Lúc đó, trong lòng mình muốn được sang ngồi gần má để được chuyện trò cùng má sau bao ngày xa cách nhưng lý trí của người chiến sĩ cách mạng lại không cho phép. Bởi nếu không may mình bị theo dõi thì sẽ rất nguy hiểm. Xe đi được một đoạn, nghĩ không thể ngồi lâu được nên tôi đã chủ động xuống xe. Dõi theo hình bóng má cho đến khi xe mất hút, tôi chỉ biết rơi nước mắt. Trong những thời khắc như vậy, mình phải đè nén tình cảm cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ".

Cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Chính Nghĩa

Theo bà Chính Nghĩa, địa điểm trận đánh được giữ bí mật đến phút cuối. Đến khi biết là đánh Dinh Độc Lập thì mọi người đều bất ngờ nhưng ai cũng thể hiện ý chí quyết tâm, chiến đấu đến cùng. Trước trận đánh, Chính Nghĩa được Thủ trưởng giao nhiệm vụ vừa chiến đấu, vừa cứu thương và khi đánh chiếm xong thì dùng hệ thống phóng thanh để kêu gọi hàng ngũ địch đầu hàng. "Đây là một nhiệm vụ nặng nề nhưng Thủ trưởng đã động viên, đặt niềm tin vào tôi và khẳng định bên cạnh luôn có đồng đội sát cánh. Khi nghe Thủ trưởng động viên, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Lúc đó, tôi báo cáo với Thủ trưởng là sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, thể hiện tinh thần con cháu Bà Trưng - Bà Triệu và là người con của mảnh đất Củ Chi đất thép thành đồng", bà Chính Nghĩa kể.

Rạng sáng Mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, các đội Biệt động thành lần lượt tấn công các mục tiêu: Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tư lệnh hải quân ngụy. Đội 5 Biệt động Sài Gòn, gồm 15 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có duy nhất bà Chính Nghĩa là nữ, đã đánh vào Dinh Độc Lập, chiến đấu với địch suốt 2 đêm 1 ngày. Trận đánh diễn ra ác liệt. Tuy hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra nhưng Đội 5 chịu thiệt hại lớn khi 8 chiến sĩ hy sinh, 7 người còn lại, trong đó có bà Nghĩa, đều bị thương và bị bắt giam.

Bị địch bắt giam, liên tục bị tra tấn ở các nhà tù: Tổng nha cảnh sát đến nhà tù Thủ Đức, Tân Hiệp, Côn Đảo nhưng người nữ chiến sĩ can đảm ấy vẫn không hé một lời. Sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, tháng 4/1974, bà Nghĩa được trao trả tại sân bay Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) trong tình trạng bị thương nặng ở chân, đi lại khó khăn, cần người hỗ trợ. Sau khi chữa trị, bà lại tiếp tục cống hiến cho cách mạng, với vị trí là chiến sĩ thuộc Tình báo Miền.

Niềm vui ngày đất nước thống nhất

"50 đất nước thống nhất là một cột mốc lịch sử. Tôi mong rằng thế hệ trẻ hôm nay có trí tuệ, có sức khỏe và có điều kiện hơn thì cố gắng học tập và làm việc để đóng góp xây dựng đất nước giàu mạnh hơn. Hành trình này sẽ có không ít chông chênh, khó khăn nhưng với quyết tâm thì chắc chắn sẽ vượt qua được".

Cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Chính Nghĩa

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, bà Chính Nghĩa tiếp tục là nữ chiến sĩ duy nhất trong đội nhận lệnh tham gia đánh Dinh Độc Lập. Khi đang trên đường hành quân thì đội nhận được tin chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng, Sài Gòn được giải phóng. Nhớ lại giờ phút lịch sử đó, bà Chính Nghĩa xúc động nói: "Lúc đó, tôi mang trên người 25kg quân trang mà bước đi phơi phới trong niềm vui chiến thắng. Trong giây phút thiêng liêng đó, cảm xúc đan xen, mừng vui vì đất nước hòa bình nhưng cũng nhớ đến những đồng đội đã hy sinh…".

Hồi tưởng lại những ngày chiến đấu gian khổ, người nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn ngày nào không khỏi bồi hồi. Chiến tranh gây ra quá nhiều mất mát, đau thương nhưng cũng đã dạy cho bà nhiều điều. "Tôi luôn khắc ghi lời chỉ dạy của Thủ trưởng, rằng trong bất cứ việc gì, hoàn cảnh nào cũng phải bình tĩnh thì mới có cách đối phó. Chính lời dạy này đã cứu tôi nhiều lần. Có lần vận chuyển vũ khí, nếu bản thân không vững trí thì tôi đã bị địch phát hiện. Đây cũng là bài học suốt đời đối với tôi", bà Chính Nghĩa chia sẻ.

Giờ đây, chiếc Mobylette gắn với những lần ngược xuôi làm nhiệm vụ của "chiến sĩ tên lửa" Chính Nghĩa năm xưa đã trở thành kỷ vật. Nhưng câu chuyện gắn với nó đã trở thành huyền thoại, tái hiện những chiến công của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

ĐÌNH HƯNG (thực hiện)