Tình nguyện ở lại khu cách ly để cùng đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân
Chị Hương hiện đang mang bầu được 38 tuần, theo dự đoán của các bác sỹ thì đến khoảng ngày 15/4 chị sẽ sinh. Tuy nhiên, khi các nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Khoa C4 - Viện Tim mạch quốc gia phải thực hiện cách ly tập trung tại bệnh viện vào ngày 19/3, do có liên quan đến bệnh nhân số 86 và 87 (dương tính với SARS-CoV-2), dù lãnh đạo bệnh viện tạo điều kiện cho nhân viên mang bầu có thể nghỉ trước sinh để bảo vệ sức khỏe, nhưng chị Hương vẫn tình nguyện ở lại để đồng hành cùng đồng nghiệp và người nhà chăm sóc các bệnh nhân tại đây.
Chị Hương Chăm sóc bệnh nhân tại khu cách ly riêng của Khoa C4 - Viện Tim mạch quốc gia
Bởi trong bối cảnh Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối, do đó nếu các nhân viên y tế nghỉ thì sẽ dẫn tới việc thiếu thốn nhân lực cho trường hợp xấu nhất là số người mắc Covid-19 ngày càng cao. Hơn nữa, hiện tại trong bệnh viện cũng đang còn rất nhiều bệnh nhân nặng nên đang cần nguồn nhân lực rất lớn để chữa trị, do đó nếu như nguồn lực không đủ thì sẽ không đảm bảo sức khỏe cho những người ở lại trực và chất lượng khám chữa bệnh. Cho nên, "Khi quyết định ở lại đây, tôi chỉ nghĩ là bản thân xung phong, tình nguyện cùng mọi người góp phần đẩy lùi dịch bệnh", chị Hương chia sẻ.
"Khi quyết định ở lại đây, tôi chỉ nghĩ là bản thân xung phong, tình nguyện cùng mọi người góp phần đẩy lùi dịch bệnh"
Chị Nguyễn Thị Thu Hương
Trước quyết định này của chị Hương, ban đầu gia đình cũng ngăn cản, không ai đồng ý việc chị vừa mang bầu lại tham gia chống dịch trong hoàn cảnh trên, vì người thân lo lắng rằng với việc ở lại 'ổ dịch' này thì chị sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm rất cao, và có khả năng sẽ ảnh hưởng tới cả thai nhi trong bụng.
Tuy nhiên, sau khi được chị Hương giải thích, "Em làm ngành y tế và bây giờ cũng đang là thời gian khó khăn nhất của ngành, nhất là ở một bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bạch Mai, cho nên em không thể nào trong lúc này lại ở nhà và chỉ nghĩ cho bản thân mình được anh à", chị Hương giải thích với chồng.
Xúc động trước những lời tâm huyết của vợ, chồng chị Hương mặc dù rất lo lắng nhưng đã dần thông cảm, trở thành chỗ dựa, cùng gia đình động viên, cổ vũ chị và đồng nghiệp mạnh mẽ trong cuộc chiến đang ngày càng gam go, quyết liệt với dịch bệnh Covid-19.
Đồng cam, cộng khổ đẩy lùi đại dịch
Hiện tại Khoa C4 có 84 người (24 bệnh nhân, 26 người nhà và 34 nhân viên y tế) đang thực hiện cách ly tại khu cách ly riêng của Khoa tại C9. Trong số các nhân viên y tế này gồm có 6 bác sỹ điều trị, 4 bác sỹ nội trú, học viên cao học và 15 điều dưỡng.
Do chị Hương là người mang bầu tháng cuối duy nhất trong số các nhân viên y tế đang thực hiện nhiệm vụ tại Khoa, nên đối với những công việc nặng nhọc, các đồng nghiệp thường cố gắng san sẻ cho nhau để chị không phải làm. Như việc trực đêm chẳng hạn, chị Hương sẽ không phải tham gia trực nữa, mọi người sẽ dồn tua lên – tức là bình thường nếu có 7 người thì mỗi người trực một ngày trong tuần, nhưng nay do chị Hương đang mang bầu nên không thể trực thì trong tuần này với 6 người sẽ có 1 người phải trực 2 buổi.
Tuy vậy, chia sẻ về công việc của mình trong những ngày này, chị Hương cho biết cũng không khác gì so với ngày thường, sáng chăm sóc bệnh nhân từ 7h30-12h, chiều từ 13h30-16h30 lại tiếp tục chăm sóc bệnh nhân. Và nếu có khác thì chỉ là việc trước khi tiến hành khám chữa bệnh cho bệnh nhân, nhân viên y tế phải trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ như: khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ, kính bảo hộ, gang tay...
Hầu hết các bệnh nhân tại Khoa đều mắc bệnh mãn tính và cao tuổi, có nhiều trường hợp bệnh tình diễn biến rất nặng, nên quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân rất vất vả, nhất là trong điều kiện không đủ các phương tiện y tế, do phải chuyển địa điểm để thực hiện cách ly.
Về phía người nhà của bệnh nhân, trong thời gian này khi xem tivi nhiều người cũng bày tỏ lo lắng sẽ bị tách ra khỏi người thân như ở các khu khác. Tuy nhiên, sau khi được trưởng khoa cùng các bác sỹ khác xuống động viên thì họ đã yên tâm, phối hợp cùng với nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân.
Hết giờ làm việc, ngoài những nhân viên y tế phải trực ở tầng 1 (dành cho bệnh nhân), chị Hương và những người đồng nghiệp khác lại lên tầng hai của khu C9 để nghỉ ngơi, mỗi phòng sẽ có 2 người. Trên tầng 2 của khu này có một hành lang nhỏ, là nơi đồng nghiệp của chị Hương tập thể dục (chạy bộ, tập aerobic).
Còn chị Hương tranh thủ thời gian này, sau khi vệ sinh cá nhân, chị tranh thủ đọc quyển I – "Chào con – Em bé sơ sinh" của tập sách "Nuôi con không phải là cuộc chiến" chia sẻ về cách nuôi con, được biết chị Hương lập gia đình vào tháng 4/2019, đây là đứa con đầu lòng của vợ chồng chị.
Chị Hương tranh thủ thời gian nghỉ ngơi buổi tối để đọc sách chia sẻ về cách nuôi con
Phần suất ăn đặc biệt mà bệnh viện dành cho chị Hương, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai
Thời gian buổi tối, cũng là thời gian trong ngày mà vợ chồng chị Hương có thể trò chuyện với nhau được lâu hơn, "Anh hỏi han công việc của tôi trong ngày và động viên hai mẹ con cố gắng ăn uống, giữ gìn sức khỏe", chị Hương xúc động nói.
Chia sẻ về chị Hương, GS, TS. Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: "Hương là học trò của tôi, mang thai tháng cuối, đang cách ly tại C9 Viện Tim mạch. Mặc dù là tháng thai cuối phải gặp nhiều khó khăn về tâm lý, nhưng nữ điều dưỡng này vẫn xung phong ở lại bệnh viện để chăm sóc cho người bệnh, dù phải hy sinh nhiều thứ: về thể xác - đang mang thai tháng cuối, về tinh thần - mệt mỏi. Tuy vậy, nhờ có tinh thần hết lòng vì người bệnh và có anh em đồng nghiệp chung sức đồng lòng nên sức khỏe và thai của nữ điều dưỡng vẫn diễn biến tốt".
Được biết, nếu theo đúng quy định cách ly 14 ngày, thì chỉ còn 2 ngày nữa là chị Hương và các đồng nghiệp ở đây sẽ hết thời gian cách ly, nhưng do Bệnh viện Bạch Mai hiện đang trong thời gian tạm phong tỏa (từ ngày 28/3), nên nếu theo quy định của UBND quận Đống Đa là 28 ngày thì đến ngày 24/4 mới hết hạn phong tỏa. Hiện tại, toàn bộ nhân viên y tế, cùng người nhà và bệnh nhân ở Khoa C4 đều đã được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần, đều có kết quả âm tính, và ngày 31/3 sẽ lấy mẫu lần 3.
Trước tình hình đó, chị Hương bày tỏ, "Khi quyết định ở lại đây chống dịch, tôi cũng xác định là sẽ ở đây đến cùng, để đồng hành với đồng nghiệp tham gia chống dịch cho đến khi nào mà dịch bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai kiểm soát được, thì khi đó tôi mới có thể an tâm về nhà".
Trước đó, chiều 20/3, Bộ Y tế công bố thêm 6 bệnh nhân Covid-19, là các bệnh nhân từ thứ 86 - 91 tại Việt Nam. Trong đó, những nhân viên y tế đầu tiên của Việt Nam nhiễm Covid-19 là 2 điều dưỡng công tác tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Cụ thể, bệnh nhân thứ 86 (nữ, 54 tuổi), là điều dưỡng của Phòng khám ngoại trú HIV, Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai; bệnh nhân thứ 87 (nữ, 34 tuổi) là điều dưỡng làm việc tiếp đón tại phòng khám cách ly Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai.
Cùng với đó, 150 y tá, bác sĩ của Bệnh viện được cách ly tại Trung tâm Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai. 13 người thân, người nhà của 2 bệnh nhân này được cách ly tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Tất cả 163 người này được lấy mẫu xét nghiệm và cơ bản âm tính.
Sáng 28/3, Bộ Y tế cho biết, 3 khoa ở Bệnh viện Bạch Mai phát hiện có người mắc Covid-19: Khoa thần kinh đã tiến hành xét nghiệm hết tất cả không có nhân viên nào bị nhiễm; toàn bộ 134 nhân viên tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới có liên quan đến BN86, BN87 và Khoa tim mạch C4: tất cả kết quả âm tính.
Tính đến sáng 30/3, Bệnh viện Bạch Mai đã cho tiến hành xét nghiệm nghiệm 7.064 người, từ bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân cho đến thân nhân người bệnh, ngoài 6 nhân viên của công ty Trường Sinh mới phát hiện dương tính thì chưa phát hiện thêm những ca bệnh dương tính mới.
Hiện tại Bệnh viện Bạch Mai đang có 2.829 người làm việc và điều trị, phần lớn là nhân viên y tế và người phục vụ.