Nữ dược sĩ khuyết tật ươm ước mơ xanh trên cây rau má

Nữ dược sĩ khuyết tật ươm ước mơ xanh trên cây rau má

Giữa muôn vàn những câu chuyện đời thường, có những con người tưởng chừng như bất khả chiến bại với số phận. Họ không chọn đầu hàng, cũng không tìm chỗ nấp cho những tổn thương mà vươn lên, làm chủ vận mệnh bằng nghị lực phi thường. Chị Phạm Thị Phượng - nữ dược sĩ đến từ thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An - là một trong số đó.

Ước mơ xanh trên đôi chân giàu nghị lực

Cái nắng trưa bỏng rát của miền Trung như dịu lại trên gương mặt với nụ cười hiền hậu của chị Phạm Thị Phượng. 

Đến phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò, hỏi chị Phạm Thị Phượng, nhiều người nhớ ngay đến người phụ nữ kiên cường. Dù cuộc sống luôn gắn liền với chiếc xe ba bánh dành riêng cho người khuyết tật, song chị luôn tự tin, lạc quan như thể chưa từng biết đến nỗi đau hay sự mặc cảm. Ít ai nghĩ rằng, người phụ nữ nhỏ bé này là nạn nhân thế hệ thứ hai của chất độc da cam, mang đôi chân gần như không thể cử động từ thuở lọt lòng. 

Nhưng khi trò chuyện cùng chị, được nghe chị giới thiệu về mô hình "Trồng rau má theo hướng thủy canh tuần hoàn", những giới hạn thể chất ấy bỗng trở nên mờ nhạt, bị che lấp hoàn toàn bởi tinh thần mạnh mẽ, đầy ắp khát vọng khởi nghiệp, vươn lên.

Nữ dược sĩ khuyết tật ươm ước mơ xanh trên cây rau má- Ảnh 1.

Chị Phạm Thị Phượng cùng vườn vây rau má và các sản phẩm từ rau má

Hành trình khởi nghiệp cùng cây rau má

Từ nhỏ đã phải gắn liền với đôi nạng gỗ và chiếc xe lăn, cuộc sống không thuận lợi như bạn bè cùng trang lứa, nhưng không vì thế mà chán nản, tự ti, mà đó lại là động lực để chị Phượng vượt qua nghịch cảnh. 

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An với tấm bằng dược sĩ trong tay, chị từng gõ cửa nhiều cơ sở y tế và doanh nghiệp với mong muốn được làm việc, cống hiến. Nhưng do khó khăn trong di chuyển, không nơi nào dám nhận chị. Không đầu hàng, chị mở hiệu thuốc nhỏ ngay tại nhà vào năm 2010. Từ vài hộp thuốc lẻ ban đầu, cửa hàng của chị dần mở rộng, trở thành nơi nhiều người tin cậy tìm đến khi cần tư vấn sức khỏe. Bằng chuyên môn vững vàng và sự tận tâm, chị từng bước khẳng định được vị trí của mình trong cộng đồng.

Càng đi sâu tìm hiểu các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, chị Phạm Thị Phượng càng ấp ủ mong muốn có thể tự làm ra những sản phẩm sạch, lành, tốt cho sức khỏe. Với những kiến thức của một dược sĩ, chị Phượng đã biết đến giá trị của cây rau má. Đây cũng là loài cây thân thuộc, gắn gó lâu đời với những người dân vùng đất Nghi Hương quê chị. Rau má không chỉ là món rau dân dã trong bữa cơm quê, mà còn là nguyên liệu chế biến nước giải khát mát lành, giúp xua tan cái nóng miền biển khắc nghiệt. Thế nhưng, theo thời gian, khi đất chật người đông, diện tích canh tác rau má ngày càng bị thu hẹp.

Nữ dược sĩ khuyết tật ươm ước mơ xanh trên cây rau má- Ảnh 2.

Phương pháp trồng rau má theo hướng thuỷ canh tuần hoàn giúp tạo ra sản phẩm an toàn, không hoá chất, góp phần vào chuỗi cung ứng thực phẩm xanh

Trăn trở với câu hỏi: Làm thế nào để bảo tồn và phát triển cây rau má một cách hiệu quả, an toàn và bền vững, chị Phượng đã quyết định thử nghiệm phương pháp trồng rau má theo hướng thủy canh tuần hoàn - một hướng đi đầy mới mẻ với nhiều người dân địa phương. 

Chị Phượng cho biết: Phương pháp trồng rau má theo hướng thuỷ canh tuần hoàn là cách trồng rau má kết hợp với nuôi cá, tạo thành một hệ tuần hoàn cộng sinh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tận dụng hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên nước. Mô hình sẽ giúp tạo ra sản phẩm an toàn, không hoá chất, góp phần vào chuỗi cung ứng thực phẩm xanh; tạo việc làm ổn định cho phụ nữ nông thôn và phụ nữ khuyết tật địa phương.

Nữ dược sĩ khuyết tật ươm ước mơ xanh trên cây rau má- Ảnh 3.

Chị Phượng thuyết trình về mô hình tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024

Chị đã quyết định đầu tư 200 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng rau má trên diện tích hơn 200m². Hệ thống bao gồm hơn 1.200m đường ống thủy canh có khoét lỗ, tạo giá thể trồng rau phía trên, kết hợp với các ao nuôi cá bên dưới. Chính sự kết hợp này tạo ra một hệ sinh thái cộng sinh - nơi phân cá cung cấp dưỡng chất cho cây, còn cây lọc nước giúp môi trường nước sạch hơn cho cá sinh sống. 

Vụ thu hoạch đầu tiên của mô hình, chị Phượng đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi thu hoạch được gần 1 tạ rau má thành phẩm. Những bó rau tươi, sạch, không hóa chất nhanh chóng nhận được sự đón nhận từ thị trường. Sau khi được sấy khô, sản phẩm còn có giá trị cao hơn và được nhiều khách hàng tin tưởng sử dụng. Theo đánh giá từ các chuyên gia nông nghiệp, cây rau má trong mô hình của chị phát triển tốt, chất lượng ổn định và có tiềm năng nhân rộng trên địa bàn.

Nữ dược sĩ khuyết tật ươm ước mơ xanh trên cây rau má- Ảnh 4.

Chị Phượng cho biết, dự án không chỉ chứng minh sự thành công của một phương pháp nông nghiệp mới, thay vì trồng theo phương pháp thôi sơ, có thể làm theo hệ sinh thái tuần hoàn khép kín, giúp tiết kiệm nước và giảm thiểu sự lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường; mà còn tạo ra cơ hội việc làm giúp những người phụ nữ nông thôn, phụ nữ khuyết tật địa phương và tạo động lực cho những người yếu thế khác trong xã hội vươn lên.

Với phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp, mỗi bước tiến dù nhỏ đều là một chiến thắng lớn.

Chị Phạm Thị Phượng

Những người đồng hành thầm lặng

Trên hành trình khởi nghiệp của chị Phạm Thị Phượng dù vẫn còn những khó khăn, gian nan phía trước nhưng bên chị luôn có những người đồng hành, sát cánh. 

Đó là gia đình và đặc biệt là anh Phan Lệ Hàn - người bạn đời luôn động viên, truyền cho chị năng lượng tích cực, luôn mạnh mẽ vượt qua mọi trở ngại. Đó là Hội LHPN các cấp - cầu nối để chị Phượng có thể quảng bá, giới thiệu và đưa sản phẩm đi xa hơn. 

Nữ dược sĩ khuyết tật ươm ước mơ xanh trên cây rau má- Ảnh 5.

Gia đình và các cấp Hội LHPN tỉnh Nghệ An luôn đồng hành cùng chị Phượng trên chặng đường khởi nghiệp

Năm 2024, mô hình của chị Phạm Thị Phượng đã được trao giải Khuyến khích tại vòng chung kết cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh" do Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Giải thưởng không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực không mệt mỏi, mà còn là động lực để chị tiếp tục nhân rộng mô hình, gieo những ước mơ và hy vọng vào một một hành trình xanh - hành trình của lòng can đảm, của yêu thương và khát khao vươn lên khẳng định bản thân của những người phụ nữ.

Liên hệ: Chị Phạm Thị Phượng

Địa chỉ: Nghi Hương, Cửa Lò, Nghệ An

SĐT: 098 9455536

Email: hongphuong.tnx@gmail.com

Lê Hoa
09/05/2025 17:00