Nữ tiến sĩ Việt đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu

Nhật Minh (thực hiện)
26/01/2025 - 07:18
TS.BS Nguyễn Thị Phương Thảo (33 tuổi, Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec) là 1 trong số 45 nhà nghiên cứu từ 30 quốc gia trở thành thành viên Hội đồng Viện hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (GYA) năm 2024. Chị cũng là nhà khoa học nữ đầu tiên của Việt Nam tham gia GYA. Trong nhiều năm qua, chị tập trung nghiên cứu y học cộng đồng, sức khỏe tâm thần, tâm lý học và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y học.

Trước thềm xuân mới, TS.BS Nguyễn Thị Phương Thảo đã chia sẻ với PNVN về những cống hiến của mình dành cho khoa học.

2 nguồn cảm hứng lớn cho nghiên cứu khoa học

+ Điều gì đã thúc đẩy chị chọn nghiên cứu trong lĩnh vực y tế công cộng và sức khỏe tâm thần, tâm lý học và trí tuệ nhân tạo (AI) trong y học?

Đó là 2 hai nguồn cảm hứng lớn: trải nghiệm cá nhân và trách nhiệm xã hội.

Đầu tiên, trong vai trò một bác sĩ chuyên ngành Y học Dự phòng và nhà nghiên cứu, tôi đã chứng kiến tác động sâu sắc mà các yếu tố tâm lý và xã hội có thể gây ra đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trong những giai đoạn khủng hoảng như đại dịch Covid-19. Đại dịch đã bộc lộ rõ những hạn chế của hệ thống y tế và thúc đẩy tôi tìm kiếm các giải pháp bền vững để cải thiện sức khỏe cộng đồng, không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần.

Thứ hai, động lực cá nhân của tôi còn được củng cố bởi mong muốn thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong tiếp cận y tế. Tôi đã tham gia và điều phối nhiều dự án quốc tế về sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên trong nước và khu vực Tây Thái Bình Dương. Tôi nhận ra rằng ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, có tiềm năng to lớn để phát triển các giải pháp y tế cá nhân hóa, hiệu quả và tiết kiệm chi phí. AI không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là cầu nối giúp tiếp cận nhóm dân cư yếu thế - những người thường bị bỏ qua trong các chiến lược y tế truyền thống.

Ngoài ra, tôi luôn bị cuốn hút bởi cách mà khoa học và công nghệ có thể hợp nhất để giải quyết các vấn đề xã hội. Bằng cách kết hợp y tế công cộng, tâm lý học và AI, tôi hy vọng sẽ xây dựng một nền tảng nghiên cứu liên ngành, nơi các công cụ kỹ thuật số có thể được tận dụng để cải thiện sức khỏe tâm thần, thay đổi hành vi và nâng cao chất lượng sống của cộng đồng.

Nữ tiến sĩ Việt đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm
Khoa học trẻ toàn cầu- Ảnh 1.

TS.BS Nguyễn Thị Phương Thảo

+ Những công trình nghiên cứu nào của mình khiến chị cảm thấy tự hào nhất? Chúng đã mang đến tác động cụ thể như thế nào đối với cộng đồng?

Hiện tại, tôi có gần 20 xuất bản khoa học được đăng tải trên các tạp chí thuộc nhóm Q1 với chỉ số tác động cao. Tuy nhiên, có một nghiên cứu gần đây đã được xuất bản trên tạp chí quốc tế uy tín và theo tôi nghĩ có thể ứng dụng được, mang lại tác động đáng kể cho cộng đồng. Nghiên cứu đã được xuất bản trên International Journal of Nursing Studies Advances, thuộc nhóm Q1. Nghiên cứu này đánh giá hiệu quả của các can thiệp đa phương, bao gồm Phỏng vấn Động lực (Motivational Interviewing) và chương trình phục hồi chức năng tại nhà, trong việc cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất của bệnh nhân đột quỵ. Kết quả cho thấy, các can thiệp này không chỉ giúp giảm trầm cảm sau đột quỵ mà còn cải thiện đáng kể chức năng nhận thức, thể chất và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nghiên cứu này không chỉ mang lại những đóng góp quan trọng vào tài liệu khoa học mà còn cung cấp cơ sở thực tiễn để triển khai các chương trình phục hồi chức năng tại cộng đồng cho người bệnh sau đột quỵ, đặc biệt tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, tôi sắp triển khai 2 dự án lớn với tiềm năng tạo ra những tác động sâu rộng cho cộng đồng. Đó là dự án có ý nghĩa trong việc giúp giảm thiểu tình trạng nghiện internet, căng thẳng tâm lý ở giới trẻ Việt Nam và dự án có ý nghĩa trong việc xây dựng các chính sách bảo vệ sức khỏe người lao động tại các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nhiệt độ tăng cao.

Không coi áp lực là gánh nặng

+ Có bao giờ chị cảm thấy áp lực phải "hoàn hảo" trong cả 2 vai trò: nhà khoa học và người phụ nữ trong gia đình? Chị đã làm thế nào để cân bằng giữa công việc nghiên cứu bận rộn và trách nhiệm gia đình?

Thực lòng mà nói, tôi không cảm thấy áp lực vì phải hoàn hảo, bởi tôi luôn nhìn nhận mọi bước đi trong cuộc sống đều mang ý nghĩa riêng. Tôi may mắn được sống trong một đất nước hòa bình, nơi tôi có một gia đình hạnh phúc luôn là điểm tựa để trở về sau những ngày làm việc bận rộn. Tôi biết ơn vì mỗi ngày tôi đều được tận hưởng những bữa cơm ấm cúng cùng gia đình và có cơ hội làm những công việc tôi đam mê. So với những đồng nghiệp trong GYA - những người đang phải đối mặt với chiến tranh, đói nghèo và bất bình đẳng - tôi nhận ra rằng mình thực sự may mắn. Điều này không chỉ giúp tôi cảm thấy biết ơn mà còn là động lực để tôi làm việc và sống hết mình mỗi ngày.

TS.BS Nguyễn Thị Phương Thảo tại Hội nghị Thượng đỉnh  Y tế Thế giới 2022 ở Berlin (Đức)

TS.BS Nguyễn Thị Phương Thảo tại Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Thế giới 2022 ở Berlin (Đức)

Cách tôi cân bằng giữa công việc và gia đình xuất phát từ chính tư duy trân trọng những gì mình đang có.

Thứ nhất, tôi đặt ra những ưu tiên rõ ràng. Công việc nghiên cứu đòi hỏi nhiều thời gian và tâm huyết nhưng gia đình luôn là một phần không thể tách rời trong cuộc sống của tôi. Tôi học cách quản lý thời gian hiệu quả, hoàn thành công việc tại nơi làm việc để khi về nhà, tôi có thể toàn tâm toàn ý dành cho gia đình.

Thứ hai, tôi tìm kiếm sự hỗ trợ. Gia đình không chỉ là nơi tôi tìm thấy sự bình yên mà còn là nguồn động viên và hỗ trợ lớn nhất. Chồng tôi, bố mẹ và cả những người thân trong gia đình luôn sẵn sàng đồng hành cùng tôi trong những thời điểm bận rộn nhất. Chúng tôi chia sẻ trách nhiệm, cùng nhau giải quyết những khó khăn, và đây chính là cách tôi duy trì sự cân bằng.

Thứ ba, tôi giữ vững tinh thần lạc quan và sự biết ơn. Thay vì cố gắng để trở nên hoàn hảo, tôi chọn cách sống chân thật với chính mình và tận hưởng từng khoảnh khắc. Tôi tin rằng sự hoàn hảo không nằm ở việc đáp ứng mọi kỳ vọng mà nằm ở việc bạn sống hạnh phúc và làm điều mình yêu thích một cách trọn vẹn.

Cuối cùng, tôi luôn nhắc nhở bản thân rằng không có ai làm tốt mọi thứ một mình. Tôi học cách nói "không" khi cần thiết và không ngần ngại tìm đến sự hỗ trợ từ đồng nghiệp hay gia đình khi công việc quá tải. Điều này không chỉ giúp tôi giảm áp lực mà còn cho phép tôi tập trung vào những điều thực sự quan trọng.

Tóm lại, thay vì xem áp lực như một gánh nặng, tôi nhìn nhận nó như một phần tất yếu của cuộc sống, giúp tôi trưởng thành hơn và trân trọng những điều đang có. Việc cân bằng giữa công việc và gia đình không phải là điều dễ dàng nhưng với tình yêu, sự hỗ trợ và sự biết ơn, tôi tin rằng bất cứ ai cũng có thể làm được.

+ Chị có kế hoạch nào để kết nối và phát huy hơn nữa vai trò của khoa học Việt Nam trong cộng đồng khoa học quốc tế?

Trở thành nữ tiến sĩ, bác sĩ Việt Nam đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (GYA) là một vinh dự lớn đối với tôi. Đây là cơ hội quý báu để tôi không chỉ đại diện cho thế hệ các nhà khoa học trẻ Việt Nam mà còn kết nối và phát huy vai trò của khoa học Việt Nam trong cộng đồng khoa học quốc tế. Với uy tín của GYA, tôi đã được tham gia và đóng góp vào nhiều chương trình uy tín toàn cầu, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới.

Ngoài GYA, tôi cũng được chọn làm Hội viên Trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (The World Academy of Sciences - TWAS), một tổ chức danh giá do UNESCO sáng lập. TWAS tập hợp các nhà khoa học xuất sắc để thúc đẩy phát triển bền vững tại các quốc gia đang phát triển. Tôi dự định tận dụng vai trò này để kết nối với các nhà khoa học hàng đầu, mang đến nhiều cơ hội hợp tác và thúc đẩy nghiên cứu khoa học vì lợi ích của khu vực Đông Nam Á và Việt Nam.

Tôi xem vai trò của mình tại GYA và TWAS không chỉ là vinh dự cá nhân mà còn là trách nhiệm lớn lao để đưa khoa học Việt Nam vươn xa hơn, góp phần giải quyết các thách thức toàn cầu, và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho đất nước.

+ Xin cảm ơn chị đã chia sẻ! 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm