Nước mắm, bột ngọt đều đáng ngại

15/09/2015 - 01:50
Bột ngọt, nước mắm là hai “món” hầu như không thể thiếu trong mọi bữa ăn. Thế nhưng, cả hai mặt hàng này trên thị trường hiện nay đều đang khiến người tiêu dùng lo ngại.

Với mặt hàng nước mắm, ước tính mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 200 triệu lít, thì nước chấm công nghiệp đã chiếm tới 75% hoặc nhiều hơn. Thứ nước chấm này thực chất được sản xuất bằng cách pha chế nước mắm truyền thống với các hương liệu, phụ gia, có nồng độ đạm thấp hơn rất nhiều so với các sản phẩm nước mắm truyền thống, nếu không bổ sung thêm đạm tổng hợp. Thế nhưng, nhiều nhà sản xuất vẫn cứ quảng cáo theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen”, với rất nhiều mỹ từ có cánh, khiến đa số người tiêu dùng bị nhầm lẫn. Ngay cả các nhà bán lẻ cũng không cung cấp đầy đủ thông tin để người tiêu dùng lựa chọn một cách chuẩn xác.

Sự “nhầm lẫn” kéo dài của người tiêu dùng có thể dẫn tới nguy cơ thay đổi khẩu vị, khiến cho hương vị nước mắm truyền thống dần trở nên lạ lẫm. Nguy cơ nước chấm tổng hợp hoàn toàn thay thế nước mắm truyền thống là điều có thể xảy ra, nếu mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi trong thời gian tới.

Atx---Nuocmam.jpg

Nhiều loại bột ngọt được chiết ra từ những bao lớn, không rõ nhà sản xuất, cũng không có thời hạn sử dụng. Ảnh minh họa: shutterstock

Với mặt hàng bột ngọt, mặc dù Việt Nam hiện đang có một số nhà máy quy mô lớn do nước ngoài đầu tư như Ajinomoto, Vedan, mỗi năm cung ứng cho thị trường khối lượng sản phẩm cực lớn, không chỉ đủ tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu khá nhiều, nhưng bột ngọt
“rởm” nhập lậu vẫn len lỏi vào thị trường trong nước.

Nhiều thông tin cho biết, tại các chợ lẻ ở TPHCM thòi gian gần đây, hầu hết các tiểu thương đều bán những loại bột ngọt được chiết ra từ những bao lớn, không rõ nhà sản xuất, cũng không có thời hạn sử dụng. Mặc dù loại sản phẩm nhập lậu này đang bày bán tràn lan, nhưng người tiêu dùng không thể phân biệt bằng mắt thường.

Thật ra, trên thị trường còn nhiều mặt hàng khác đang được bày bán “giả chân lẫn lộn”. Thực tế này đòi hỏi không chỉ cơ quan chức năng phải tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm, mà chính các nhà sản xuất cũng phải chủ động phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện sản phẩm làm giả thương hiệu của mình, hoặc minh bạch về chủng loại, thành phần, công thức pha chế... ngay trên nhãn mác.

Không thể đòi hỏi người tiêu dùng nào cũng phải “thông thái” trong khi chính các nhà kinh doanh lại buông xuôi hoặc “lập lờ đánh lận con đen” như hiện nay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm