OLYMPIC PARIS: NHỮNG GƯƠNG MẶT NỮ ẤN TƯỢNG TRONG ĐOÀN THỂ THAO NGƯỜI TỊ NẠN
Tại Olympic Paris 2024, đoàn thể thao Người tị nạn có 37 vận động viên đến từ các quốc gia: Eritrea, Syria, Iran, Afghanistan và Sudan, trong đó có 13 phụ nữ. Họ mang thông điệp hy vọng tới cộng đồng 120 triệu người tị nạn trên toàn cầu.
Truyền cảm hứng
Trong thập kỷ qua, các cuộc xung đột bạo lực ở Ukraine, Afghanistan, Syria, Sudan, Palestine và nhiều nơi khác đã buộc khoảng 120 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, khiến họ phải xin tị nạn ở nước ngoài. Cuộc khủng hoảng này đi kèm với tình trạng bài ngoại và thù địch gia tăng đối với người nhập cư, đặc biệt là trên khắp châu Âu và Mỹ. Trong 2 tuần rưỡi tại Paris (Pháp), nhiệm vụ của Đội tuyển Người tị nạn sẽ vượt ra ngoài phạm vi thể thao và thành tích cá nhân. Theo Jojo Ferris - Người đứng đầu Quỹ Người tị nạn Olympic (ORF) - mục đích của đội là "thực sự chạm đến trái tim và khối óc của công chúng".
Đội tị nạn đầu tiên đã tham gia Thế vận hội Rio (Brazil) năm 2016 với 10 vận động viên. Đội năm nay có 37 vận động viên đến từ các quốc gia: Eritrea, Syria, Iran, Afghanistan và Sudan, trong đó có 13 phụ nữ. Họ sẽ tranh tài ở 12 môn thể thao, đánh dấu lần đầu tiên thi đấu với tư cách một đội tuyển thống nhất. Sự kết hợp của các nền văn hóa, ngôn ngữ, Đội tị nạn Olympic tạo thành một gia đình thực sự tỏa ra năng lượng của tình đoàn kết.
Thể thao là biểu tượng của hy vọng và hòa bình. Đội Olympic Người tị nạn chính là ngọn hải đăng, nguồn cảm hứng cho mọi người ở khắp mọi nơi".
Ông Filippo Grandi - Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn
Trưởng Đoàn thể thao Olympic Người tị nạn, cô Masomah Ali Zada (28 tuổi), là người đứng đầu sứ mệnh này. Ali Zada đến từ Afghanistan, đã trải qua những năm đầu đời sống lưu vong ở Iran sau khi Taliban kiểm soát ngôi làng của cô lúc cô 2 tuổi. Cô giải thích rằng bị từ chối tị nạn, gia đình cô "không có quyền đi học, đi làm hoặc thuê nhà". Mặc dù cô đã trở về Afghanistan khi mới 11 tuổi nhưng gia đình cô lại rời đi vào năm 2017 khi Taliban chuẩn bị giành lại quyền lực. Cô sang định cư tại Pháp. 3 năm trước, Ali Zada đã trở thành vận động viên đua xe đạp người Afghanistan đầu tiên tham gia Thế vận hội sau khi giành được một suất trong đội tuyển tị nạn tại Thế vận hội Tokyo (Nhật Bản) 2020.
Ali Zada, người vừa đảm đương trọng trách mang ngọn đuốc Olympic, cho biết cô đã nhận được nhiều tin nhắn từ những người phụ nữ ở Afghanistan lấy cảm hứng từ câu chuyện của cô. "Là một người tị nạn và là một người phụ nữ, tôi đã gặp rất nhiều thử thách trên hành trình của mình nhưng họ không thể ngăn cản tôi. Tôi đã phá vỡ những điều cấm kỵ ở đất nước mình và cho thấy rằng phụ nữ có quyền chơi thể thao và đạp xe", Ali Zada nói.
Vượt trở ngại, gặt hái thành công
Cindy Ngamba (21 tuổi) là người cầm cờ của đội Olympic Người tị nạn tại Lễ khai mạc Olympic Paris 2024. Cô lớn lên và đi học, có bằng đại học về Tội phạm học ở Anh, giành được 3 danh hiệu quyền anh quốc gia ở 3 hạng cân khác nhau tại Anh. Cô cũng thành viên danh dự của đội quyền anh quốc gia Anh. Tuy nhiên, Ngamba không thể đại diện cho nước Anh ở Olympic Paris 2024. Đơn giản vì cô không phải công dân nước này sau khi bị Bộ nội vụ nhiều lần bác đơn, ngay cả khi có sự hỗ trợ của Hiệp hội quyền anh nước Anh. Điều tồi tệ là Ngamba cũng không thể quay lại quê hương Cameroon, nơi cô sinh ra. Ngamba là người đồng tính nữ, vốn không được chấp nhận ở đất nước châu Phi này, thậm chí bị coi là một tội hình sự. Tại Cameroon, lực lượng an ninh cũng như bất kỳ ai cũng có thể tấn công, ngược đãi những người đồng tính mà không phải chịu hậu quả. Chỉ đến khi một người chú tại Pháp hoàn thành mọi thủ tục giấy tờ mà chính quyền yêu cầu, Ngamba mới được cấp quy chế tị nạn. Các đồng đội giúp Ngamba nộp đơn xin gia nhập đội thể thao tị nạn của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) lần này.
Còn cô Farida Abaroge từng rời khỏi quê hương Ethiopia vì xung đột, hạn hán và khủng hoảng lương thực. Cô đến Sudan, sống trong một trại tị nạn Ai Cập, bị giam giữ ở Libya và cuối cùng đến Pháp vào năm 2017, nơi cô được cấp quyền tị nạn. Abaroge kiếm được công việc đóng gói bưu kiện trong một nhà kho ở Strasbourg, sau đó được các nhân viên từ thiện khơi dậy đam mê thể thao. Cô sẽ tham gia nội dung chạy 1.500m tại Olympic Paris 2024 sau khi được công ty cho phép nghỉ phép không lương 2 tháng với sự hỗ trợ từ IOC.
Trong khi đó, Muna Dahouk - Vận động viên judo gốc Syria - chia sẻ: "Chúng tôi đến từ những điều kiện khó khăn và những tình huống tồi tệ. Ngay cả như vậy, chúng tôi vẫn tự đứng vững trên đôi chân của mình và chúng tôi có thể chiến đấu".
Chính người cha quá cố của Dahouk, một huấn luyện viên judo, đã đưa cô đến với võ thuật khi cô mới 6 tuổi. Nhưng một cuộc nội chiến ở đất nước cô đã chấm dứt việc luyện tập của Dahou. Sau khi cha mất, mẹ cô lo sợ cho sự an toàn của gia đình, chuyển đến Hà Lan năm 2019. Những người tị nạn khác từ làng judo ở Syria đã lôi kéo Dahouk và chị gái cô trở lại với môn thể thao này. Cô tiếp tục luyện tập, cuối cùng đã nhận được sự ủng hộ của Liên đoàn Judo Quốc tế trước khi đủ điều kiện giành được một suất trong Đội tuyển người tị nạn tham dự Olympic Tokyo 2020.
Dahouk cũng có một người bạn thân: Nigara Shaheen, một võ sĩ judo đến từ Afghanistan, lớn lên chủ yếu ở Pakistan. Khi cô được 6 tháng tuổi, cha mẹ Shaheen đã rời khỏi nhà chỉ với một chiếc balô, cõng cô qua những ngọn núi vào Pakistan bằng đường bộ để thoát khỏi cuộc nội chiến đang diễn ra. Họ đã sống với khoảng 20 người trong một căn phòng đơn trước khi họ xoay xở để có được một căn hộ riêng. Khi còn nhỏ, Shahee thích đấu vật để có thể tự vệ trước những người đàn ông quấy rối cô khi đi bộ đến trường mỗi sáng. Năm 11 tuổi, cô bắt đầu tập judo với một nhóm các cô gái địa phương.
Khoảng 7 năm sau, Shaheen trở về Afghanistan để học đại học. Tuy nhiên, xã hội Afghanistan vẫn còn nặng nề về chế độ gia trưởng; nam và nữ đấu vật cùng nhau được coi là vi phạm. Năm 25 tuổi, cô chuyển đến Nga để học chương trình thạc sĩ và tiếp tục luyện tập ở đó. Khi không có học viên nào khác trong phòng tập chịu hợp tác với cô, cô tự luyện tập. Cuối cùng Shaheen đã lọt vào mắt xanh của Liên đoàn Judo Quốc tế, nơi đã giới thiệu cô vào Đội tuyển Người tị nạn.
Nhu Thụy (Theo Euro News)