Phát triển kinh tế hàng hóa từ rừng núi: Hướng đi bền vững cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Từ kinh tế hộ gia đình phát triển thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tại tỉnh Lào Cao đã biến tiềm năng núi rừng thành hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào xây dựng thương hiệu sản phẩm góp phần phát triển kinh tế xanh, bền vững và tạo việc làm cho lao động tại địa phương.

Từ bao đời nay, đồng bào dân tộc thiểu số các xã Văn Bàn, Chiềng Ken, Minh Lương, Nậm Chày, Nậm Xé (trước sáp nhập là huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai), đặc biệt là phụ nữ dân tộc Dao, đã gắn bó mật thiết với những rừng măng. Thế hệ này qua thế hệ khác, măng là nguồn sinh kế tự cung tự cấp của bà con trong xã. Thu hái và chế biến măng không chỉ giúp họ nuôi sống gia đình mà còn gìn giữ một phần văn hóa bản địa. Tuy nhiên, cuộc sống gắn liền với măng cũng đồng nghĩa với sự bấp bênh: sản lượng không ổn định, giá cả bị thao túng bởi thương lái và thiếu cơ hội vươn ra thị trường lớn. 

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế hàng hóa, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương đã tham gia vào các dự án phát triển ngành măng, đưa sản phẩm từng bước chinh phục thị trường.

Phát triển kinh tế hàng hóa từ rừng núi: Hướng đi bền vững cho phụ nữ dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Người phụ nữ dân tộc Dao gắn bó mật thiết với những rừng măng.

Từ người trồng măng đến người làm chủ chuỗi giá trị

Câu chuyện của chị Triệu Thị Lai, người dân tộc Dao ở xã Nậm Xé, tỉnh Lào Cai là một minh chứng sinh động cho hành trình thay đổi đó. 

Suốt nhiều năm, cuộc sống của chị gắn với những nhịp thở nơi rừng măng. Với 3-4 hecta rừng, gia đình chị dựa vào những mùa thu hoạch măng để mang lại phần lớn thu nhập hằng năm. Cuộc sống lao động của chị gắn liền với những ngày cuốc đất, trồng măng, và thu hoạch măng. Trước đây, công việc của chị Lai đòi hỏi nhiều công sức, tự tìm đầu ra, chấp nhận bán măng với giá rẻ mạt cho thương lái, không mang lại cho chị nguồn thu nhập ổn định. Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi từ năm 2020, khi chị tham Dự án Thúc đẩy Bình đẳng Giới thông qua Nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất Nông nghiệp và Phát triển du lịch, một chương trình hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế tại Lào Cai và Sơn La.

Thông qua dự án, chị được tiếp cận với kỹ thuật canh tác tiên tiến, cải tạo đất, giúp tối ưu hóa việc trồng măng,tăng năng suất và chất lượng măng. Đặc biệt, chị đã tìm được đầu ra mới ngoài địa phương.

Chị Triệu Thị Lai cho biết, việc bán măng ra các tỉnh lân cận đã giúp giá măng đáng kể, từ 25.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg măng đã bóc vỏ. Nhờ đó, thu nhập từ măng của gia đình chị tăng từ 20 triệu đồng một vụ lên 30 triệu đồng một vụ cho diện tích trồng 3 hecta. Với chị Lai, đó không đơn thuần là con số, mà mang đến niềm tin cho những phụ nữ dân tộc thiểu số như chị, nếu được trao cơ hội, họ có thể tự tin vươn lên phát triển kinh tế.

Phát triển kinh tế hàng hóa từ rừng núi: Hướng đi bền vững cho phụ nữ dân tộc thiểu số- Ảnh 2.
Phát triển kinh tế hàng hóa từ rừng núi: Hướng đi bền vững cho phụ nữ dân tộc thiểu số- Ảnh 3.

Được tiếp cận với kỹ thuật canh tác tiên tiến, măng của hợp tác xã Nậm Xé có năng suất cao hơn và chất lượng tốt hơn

Năm 2024, chị Triệu Thị Lai thực hiện mục tiêu dài hơi hơn, từ một người nông dân trồng măng, chị quyết tâm gây dựng một mô hình kinh tế tập thể quy mô nhỏ, do chính những người phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ làm chủ. Nhận được sự đồng hành của chính quyền địa phương, của các cấp Hội phụ nữ, Công ty Tư vấn giải pháp Nông Nghiệp và Du lịch CRED, vợ chồng chị Lai cùng 9 hộ gia đình khác trong xã đã thành lập Hợp tác xã Măng Nậm Xé. Thông qua hợp tác xã, các hộ dân có cơ hội được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật canh tác, bóc vỏ và thu hoạch măng, đồng thời ký kết hợp đồng lâu dài với một công ty thu mua. Đây là những bước tiến quan trọng giúp các thành viên trong hợp tác xã, từng bước thoát khỏi sự lệ thuộc vào thương lái.

Chị Lai chia sẻ, Hợp tác xã đã được ký hợp đồng 10 năm với công ty, với giá 48.000 đồng/kg. Giờ đây, các thành viên trong hợp tác xã rất yên tâm sản xuất vì đã có chỗ luộc và tiêu thụ măng, đầu ra bảo đảm.

Nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế bền vững

Sự thành công và chuyển biến tích cực trong gia đình chị Lai và các hộ lân cận đã tạo động lực mạnh mẽ cho những người phụ nữ khác ở các xã lân cận, thúc đẩy họ chủ động thành lập các hợp tác xã riêng, nắm bắt cơ hội từ giá trị đang ngày càng tăng lên của ngành măng.

Tại xã Nậm Chày (trước sáp nhập là xã Dần Thàng, huyện Văn Bàn), Hợp tác xã Măng Dần Thàng do chị Hà Thị Thu Hương làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc cũng đang tạo dựng cơ hội kinh doanh và việc làm ổn định, bền vững, giúp bà con vùng núi khó khăn vươn lên thoát nghèo. 

Phát triển kinh tế hàng hóa từ rừng núi: Hướng đi bền vững cho phụ nữ dân tộc thiểu số- Ảnh 4.

Hợp tác xã Dần Thàng tạo việc làm ổn định cho khoảng 15–20 người dân và thu nhập cho hàng trăm hộ liên kết

Hợp tác xã Măng Dần Thàng được thành lập vào tháng 8/2024 với tổng số 15 thành viên, 100% đều là chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương. Hợp tác xã hiện nay đang liên kết sản xuất măng với 4 tổ hợp tác, bao gồm 161 hộ dân tại xã Dần Thàng. Năm 2024, Hợp tác xã đã ký kết thỏa thuận hợp tác 10 năm với Công ty Kim Bôi về việc thu mua sản phẩm măng đạt chất lượng do Hợp tác xã sản xuất. Được tham gia các chương trình tập huấn, chuyển giao công nghệ chế biến và bảo quản măng để hình thành chuỗi chế biến khép kín, tiêu thụ ổn định, hợp tác xã Dần Thàng đã đầu tư 400 triệu đồng xây dựng nhà máy 160m², có thể xử lý tới 1.000 tấn măng tươi mỗi năm. Đây là một bước tiến lớn trong phát triển chuỗi sản xuất.

Chặng đường hình thành, phát triển hợp tác xã của chị Triệu Thị Lai, chị Hà Thị Thu Hương cho thấy sự cần thiết của sự liên kết, hợp tác đồng hành giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và nhà nước, trong quá trình đưa sản phẩm của núi rừng tiếp cận với thị trường trong nước.

Phát triển kinh tế hàng hóa từ rừng núi: Hướng đi bền vững cho phụ nữ dân tộc thiểu số- Ảnh 5.

Một công đoạn chế biến măng của bà con Hợp tác xã Măng Dần Thàng

Tạo việc làm và mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Không chỉ hướng tới lợi nhuận, mô hình hợp tác xã măng còn mang giá trị xã hội lớn. Từ chỗ lao động đơn lẻ, manh mún, người dân, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số được tổ chức sản xuất bài bản, có thu nhập ổn định, có cơ hội học hỏi và thể hiện vai trò lãnh đạo. Nhờ những thay đổi tích cực trong ngành măng cùng với quyết tâm không ngừng nghỉ của những người phụ nữ như chị Triệu Thị Lai và chị Hà Thị Thu Hương, những ngọn măng trong rừng núi Lào Cai không chỉ đơn thuần là kế sinh nhai mà còn góp phần tạo nên cho sự phát triển bền vững cho cộng đồng

Tại các vùng miền, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng đặc sản vùng cao với tiêu chuẩn an toàn, truy xuất nguồn gốc và giá trị văn hóa đi kèm. Những sản phẩm măng rừng với vị ngọt thanh, độ giòn đặc trưng và được chế biến theo quy trình sạch của Lào Cai đang dần khẳng định vị thế không chỉ tại các chợ truyền thống, mà có mặt tại các hội chợ, trên quầy kệ của các siêu thị, và trên các nền tảng bán hàng thương mại điện tử.

Phát triển kinh tế hàng hóa từ rừng núi: Hướng đi bền vững cho phụ nữ dân tộc thiểu số- Ảnh 6.

Từ những rừng măng bạt ngàn, những ngườ phụ nữ vùng cao đang nỗ lực vươn lên, đón nhận những cơ hội phát triển mới.

Tiếp nối hành trình phát triển kinh tế hàng hóa vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Hành trình phát triển kinh tế hàng hóa từ núi rừng giờ đây không chỉ đơn thuần là mua bán mà là hành trình học hỏi và mở ra lối thoát nghèo bền vững cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Từ những rừng măng bạt ngàn, họ đang nỗ lực để nâng cao đời sống, mở ra những cơ hội phát triển mới.

Để tiếp nối hành trình ấy, cần có chính sách dài hạn từ Nhà nước, từ Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong việc hỗ trợ hạ tầng sản xuất, vốn tín dụng ưu đãi, chuyển giao khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại và bảo hộ thương hiệu. Quan trọng hơn cả là niềm tin vào năng lực của những người phụ nữ vùng cao, trao cho họ cơ hội để góp sức phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.


Phương Quỳnh Anh
23/07/2025 17:00