pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Chiềng Keng gia nhập chuỗi phát triển giá trị bền vững trong sản xuất gia vị và nước hoa
Phụ nữ xã Chiềng Keng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, sơ chế nhựa cây bồ đề
Trước đây, những người phụ nữ vùng cao xã Chiềng Keng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, chỉ có nguồn thu nhập từ trồng ngô, khoai, sắn để trang trải cuộc sống hàng ngày. Công việc làm nông nghiệp chiếm khá nhiều thời gian của các chị em và cho thu nhập thấp.
Từ khi được kết nối với dự án phát triển chuỗi cung ứng benzoin (nhựa bồ đề) và gia vị hữu cơ do Công ty Đức Phú thực hiện với sự hỗ trợ của dự án GREAT (dự án do chính phủ Úc tài trợ), chị em đã chuyển đổi từ trồng bồ đề lấy gỗ sang lấy nhựa và trồng cây gia vị hữu cơ dưới tán cây bồ đề, giúp đa dạng hóa và tăng nguồn thu nhập.
Chị Hoàng Thị Cảnh chia sẻ: Lúc đầu chị cũng e ngại không biết tham gia dự án như thế nào. Nhờ có mấy chị em đã tham gia trước đó chia sẻ nên chị đã tự tin hơn. Bây giờ nếu có gì không biết, chị Cảnh hỏi mấy chị em trong nhóm, mọi người giúp đỡ nhiệt nên cũng an tâm hơn. Giờ đây, chị đã biết nhựa cây bồ đề còn gọi là benzoin, là một loại nguyên liệu được sử dụng trong sản xuất nước hoa, từ đó hiểu thêm về lợi ích của việc chuyển đổi khai thác bền vững từ khai thác cây bồ đề lấy gỗ sang lấy nhựa và xen canh trồng gừng hữu cơ dưới tán bồ đề.
Chị Vương Hồng Việt kể, từ một người phụ nữ chỉ biết trồng ngô, khoai, sắn, chị đã được đào tạo để trồng gừng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Chị Việt cho biết: "Tôi cùng các chị em phụ nữ trong bản được học cách khai thác nhựa bồ đề bền vững và trồng gừng hữu cơ dưới tán rừng. Thu nhập đem lại cao hơn gấp nhiều lần so với các loại cây cũ như ngô, khoai và sắn. Tôi sắm sửa được nhiều vật dụng trong gia đình. Cuộc sống đỡ vất vả hơn. Chúng tôi rất rất tin tưởng và hy vọng về tương lai của mô hình này".
Trước đây, cây bồ đề chỉ trồng để bán lấy gỗ, với chu kỳ 8 năm thì 1ha bồ đề sẽ bán được 60 triệu đồng. Khi chuyển đổi sang khai thác nhựa bền vững, bình quân 1 hộ dân có 1ha cây bồ đề khai thác lấy nhựa 1 năm đạt từ 300-400 kg. Chị em bán cho công ty khoảng 350.000 đồng/kg, thu được giá trị là 1,5 tỷ/ha/năm.
Thấy rõ lợi ích khi tham gia dự án, một số chị em đã tự đi vận động các hộ dân chưa tham gia chuỗi sản xuất gừng nghệ và khai thác nhựa bồ đề để cải thiện thu nhập gia đình.
Hỗ trợ phụ nữ dân tộc kết nối với thị trường
Để hỗ trợ chị em tiêu thụ sản phẩm, công ty Đức Phú đã thu mua nhựa bồ đề từ người dân trong xã để sơ chế thành các sản phẩm benzoin và đang nỗ lực phát triển chuỗi giá trị bền vững cho cả cây bồ đề và gừng với sự hỗ trợ của GREAT. Công ty đã tiến hành thành lập tổ nhóm và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác nhựa cây bồ đề cho người dân cũng như cách trồng xen gừng nghệ dưới tán rừng theo hướng bền vững.
Không chỉ tập trung phát triển chuỗi giá trị, những người phụ nữ ở Chiềng Keng còn được hướng dẫn canh tác, chế biến và sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn UEBT - Thương mại sinh học có đạo đức… Những chứng nhận quốc tế này yêu cầu không sử dụng chất hóa học, thuốc trừ sâu, bảo tồn đa dạng sinh học, và bảo vệ môi trường.
Đây là nền móng vững chắc để sản phẩm của núi rừng được tiến sâu vào thị trường sản xuất nước hoa và gia vị thế giới.
Đồng hành cùng các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, Bộ Công Thương triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án phát triển thương mại biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết: Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ hỗ trợ để kết nối tiêu thụ cho được sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số về với miền xuôi, đi được các vùng miền trên toàn quốc và xuất khẩu được ra thị trường nước ngoài. Nhiệm vụ này luôn được đưa lên hàng đầu, triển khai bằng những giải pháp truyền thống như kết nối cung cầu, tổ chức các chương trình truyền thông, có những chương trình về nhận diện đối với những nhóm sản phẩm hàng hoá đặc thù của bà con.