pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ dân tộc thiểu số giúp nhau xóa đói, giảm nghèo
Gia đình hạnh phúc của chị Hiên Thị Cô. Ảnh: An Nhiên
Ngôi nhà khang trang, rộng rãi của chị Hiên Thị Cô ở thôn 49A, xã Đắk Pring, huyện Nam Giang nổi bật giữa núi rừng xanh ngắt. Chị Cô vừa hoàn thành ngôi nhà này với sự giúp sức của chị em phụ nữ và bà con trong thôn.
Chị Cô vui vẻ cho biết: "Vợ chồng tôi có được ngôi nhà này là từ sự hỗ trợ của Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương. Ngoài 80 triệu do chương trình hỗ trợ, quá trình làm nhà, vợ chồng được còn nhận được sự giúp đỡ của chị em hội viên phụ nữ và mọi người trong thôn. Ở đây, chị em rất đoàn kết, tương thân, tương ái, luôn giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Khi tôi làm nhà, mọi người tới giúp đổ đất, san nền, lợp mái. Tiền công lao động để làm ngôi nhà này lên tới 300 triệu đó".
Chị Cô là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 49A, với 95 hội viên, đa số là người dân tộc Giẻ Triêng sinh sống. Chị cho biết: "Đời sống của chị em trong thôn còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, chúng tôi thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm phát triển sản xuất để vươn lên. Trong thôn, có một số chị em đau ốm triền miên, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế gia đình. Với tinh thần tương thân, tương ái, chúng tôi vận động chị em trong Chi hội giúp đỡ rau gạo và ngày công lao động đi phát rẫy, làm cỏ, thu hoạch lúa hộ. Hiện giờ, chúng tôi cũng đã xây dựng quỹ của Chi hội dùng để thăm hỏi, tặng quà khi chị em ốm đau và giúp vốn cho chị em có nhu cầu vay vốn chăn nuôi, sản xuất".
Chị Cô chia sẻ thêm: "Trước đây, nhận thức của chị em trong thôn còn hạn chế, nhưng hiện tại, nhiều chị được học hành đầy đủ đã vươn lên làm chủ cuộc sống, biết làm kinh tế, gia tăng thu nhập để lo con cái và gia đình. Đặc biệt, trong thôn chúng tôi không có tình trạng bạo lực gia đình. Bây giờ, đa số nam giới đã tích cực giúp đỡ phụ nữ làm nương rẫy và công việc nhà".
Là một trong những hội viên phụ nữ trẻ, năng động, chị Cô luôn đi đầu trong việc tìm hướng phát triển kinh tế gia đình để hội viên trong Chi hội học theo. Với đức tính chịu khó, người phụ nữ này tận dụng đất trống trồng chuối, sắn, bắp, mùa nào thức đó. Chị còn tăng gia nuôi heo, bò, gà. Sản phẩm của gia đình, chị đăng bán trên Facebook và Zalo.
"Tôi thấy rằng, ở đây, muốn phát triển kinh tế bền vững thì phải đầu tư chăn nuôi, trong đó có nuôi heo, bò vì nguồn thức ăn dồi dào"- chị Cô tâm sự.
Tuy nhiên, điều khiến chị trăn trở nhất hiện nay là cách phòng dịch cho vật nuôi. "Các chị em nói chung rất chịu khó chăn nuôi nhưng gia súc hay bị dịch bệnh. Có hộ nuôi 10 con heo, một lần bị dịch là chết cả nên gây thiệt hại rất lớn. Tôi mong rằng tôi và các chị em sẽ được tập huấn hỗ trợ kỹ thuật để chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi hiệu quả hơn" – chị Cô giãy bày.
Cùng đoàn kết, phát triển kinh tế
Trò chuyện với chúng tôi, chị Hiên Thị Bưng Chủ tịch Hội LHPN xã Đắc Pring cho hay: "Hội LHPN xã có 298 hội viên. Thực hiện các phong trào và hoạt động công tác hội, phụ nữ trong hội đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt".
Cũng theo chị Bưng, những năm trước đây đời sống của chị em còn gặp nhiều khó khăn, đa số cán bộ, hội viên phụ nữ trong diện đói nghèo, thiếu vốn sản xuất. Nhiều chị em là lao động chính trong gia đình nên bản thân phải lam lũ làm việc để đảm bảo mọi nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến chị em ít có cơ hội tham gia sinh hoạt hội.
Phân tích thực tế, chị Bưng thấy rằng, nguyên nhân đói nghèo phần lớn là do chị em thiếu kiến thức làm ăn, thiếu vốn sản xuất chăn nuôi. Xuất phát từ điều đó, Hội LHPN xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hội viên phụ nữ, xây dựng các quỹ của chi hội để hỗ trợ sinh kế cho các hộ đăng ký thoát nghèo bằng mô hình nuôi heo, gà...
"Trước đây, chị em không biết làm gì để có thu nhập, lo cho con em học tập. Bây giờ, với nhiều cách khác nhau chị em đã đoàn kết, đồng lòng giúp đỡ nhau. Chúng tôi thường xuyên hướng dẫn chị em xây dựng các mô hình chăn nuôi, giới thiệu và bán sản phẩm. Hiện tại chúng tôi đã xây dựng các mô hình dệt thổ cẩm, trồng chuối, nuôi bò, dê, điển hình là chị Blong Thị Phí, Hiên Thị Kỷ, Hiên Thị Thướt. Bên cạnh đó, 4/4 Chi hội giới thiệu và cung ứng sản phẩm sạch của địa phương (các loại đậu, gạo riếc, nếp than, nếp cẩm, bí đỏ, gừng, muối rang rây, cá Niêng muối chua... ) trên nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook" – chị Bưng cho hay.
Còn tại xã La Dêê, chị em phụ nữ đang giúp nhau bằng cách bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm thành hàng hóa. Chị A Lăng Trí, dân tộc Tà Riềng, ở thôn Đắc Ốc, xã biên giới La Dêê đã thành lập tổ dệt thổ cẩm của thôn. Đến nay, chị đã vận động được 16 chị em tham gia.
"Tôi nêu ý tưởng bảo tồn nghề dệt và cũng là để chị em có thêm thu nhập, các chị em thấy có tính khả thi nên rất hào hứng tham gia. Khung dệt của dân tộc tôi nhỏ gọn, kỹ thuật dệt không quá phức tạp nên chị em nào cũng có thể mang theo bên mình, ngồi chỗ nào cũng dệt được. Hiện tại chị em chủ yếu dệt thổ cẩm lúc rảnh rỗi, còn lại nghề chính vẫn là làm nương rẫy. Tôi đã nhận được những đơn hàng 50-60 tấm vải. Chúng tôi chia nhau cùng làm" – chị Trí cho hay.
Không chỉ nỗ lực duy trì tổ dệt thổ cẩm, chị Trí còn mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh. Người Tà Riềng vốn chỉ quen với mô hình sản xuất tự cung tự cấp. Chị Trí là một trong những người đi tiên phong thay đổi nếp suy nghĩ đó. Chị đầu tư nuôi lợn, gà và bán thành hàng hóa.
Chị Trí còn luôn thể hiện tinh thần đoàn kết bằng việc chia sẻ kinh nghiệm, sẵn sàng giúp đỡ chị em trong thôn để cùng nhau vươn lên thoát nghèo.