Phụ nữ dân tộc thiểu số ít cơ hội tham gia thị trường lao động có lương

Thu Hà, Thạch Hương
28/11/2022 - 17:24
Phụ nữ dân tộc thiểu số ít cơ hội tham gia thị trường lao động có lương

PGS.TS Nguyễn Đức Chiện – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trình bày tham luận "Phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia trách nhiệm việc nhà"

Những gánh nặng việc nhà và định kiến cho rằng việc nhà là công việc phù hợp với khả năng của phụ nữ khiến một bộ phận phụ nữ dân tộc thiểu số không tham gia thị trường lao động có lương.

Bình đẳng giới luôn được đặt trọng tâm trong các chính sách phát triển của Việt Nam, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, bất bình đẳng đối với việc nhà không được trả công chủ yếu thuộc về phụ nữ. Điều này khiến phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi trong việc lựa chọn cơ hội tham gia thị trường lao động một cách hiệu quả.

Đặc biệt, với đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), phụ nữ được xem là nhóm đối tượng yếu thế cần tập trung vì mục tiêu "không bỏ lại ai ở phía sau" trong tăng trưởng bao trùm. Bởi vậy, tại Hội thảo khoa học quốc gia "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới: Thực trạng và giải pháp", PGS.TS Nguyễn Đức Chiện và TS Nguyễn Thị Thu Phương – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã trình bày tham luận "Phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia trách nhiệm việc nhà" nhằm đưa ra những khuyến nghị tới 2 mảng chính sách lớn nhằm thúc đẩy tái phân bổ trách nhiệm việc nhà trong gia đình và thúc đẩy tái phân bổ lại giữa nhà nước và tư nhân để giảm trách nhiệm đè nặng lên nữ giới.

Phụ nữ Dân tộc thiểu số ít cơ hội tham gia thị trường lao động có lương - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam tham gia góp ý tại Hội thảo

Theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, bất bình đẳng trong tham gia việc nhà là thách thức đối với nhóm đồng bào DTTS được quan sát thấy rõ ở việc chăm sóc trẻ em trong gia đình. Càng ở khu vực miền núi, gánh nặng chăm sóc trẻ em càng đặt nặng lên vai phụ nữ. Đây được xem là hệ quả do ảnh hưởng từ bất bình đẳng vùng miền về sự phát triển các dịch vụ chăm sóc, phục vụ gia đình.

Bất bình đẳng giới trong tham gia việc nhà trở nên rõ nét ở tỷ lệ nữ giới tham gia việc nhà cũng như số giờ làm việc nhà của phụ nữ nhiều hơn so với nam giới. Theo điều tra Lao động việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê, 93,2% dân số nữ làm việc nhà thường nhật, trong khi chỉ có 77,8% dân số nam làm việc này.

Đối với phụ nữ DTTS, ngoài các vấn đề như hạn chế sức khỏe cá nhân hay không có kỹ năng, những định kiến cho rằng việc nhà là công việc phù hợp với khả năng của phụ nữ khiến một bộ phận phụ nữ không tham gia thị trường lao động có lương. Đáng nói, chính bản thân phụ nữ có suy nghĩ này lại nhiều hơn so với nam giới.

Phụ nữ Dân tộc thiểu số ít cơ hội tham gia thị trường lao động có lương - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Từ những vấn đề đặt ra nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong tham gia việc nhà và thị trường lao động, PGS.TS Nguyễn Đức Chiện đưa ra các khuyến nghị tập trung vào 2 mảng chính sách:

Thứ nhất, cần tăng cường san sẻ trách nhiệm việc nhà giữa các thành viên trong gia đình, nhằm tập trung theo đuổi mục tiêu thay đổi quan niệm và hành vi giới về trách nhiệm việc nhà.

Thứ hai, cần tăng cường san sẻ trách nhiệm việc nhà giữa gia đình và nhà nước để tăng khả năng tiếp cận tới các dịch vụ xã hội, nhằm giảm tải gánh nặng việc nhà cho gia đình nói chung và phụ nữ nói riêng, trong đó có phụ nữ DTTS.

Đây là một trong những hành động thiết thực nhằm hiện thực hóa mục tiêu kép hướng tới bình đẳng giới và thúc đẩy lao động nữ lựa chọn công việc tốt nhất với khả năng của họ, từ đó tăng thu nhập bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Hội thảo khoa học quốc gia "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới: Thực trạng và Giải pháp" do Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 28/11/2022 nhằm cung cấp căn cứ khoa học và thực tiễn để xác định giải pháp xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm