Là khu vực trung du miền núi tỉnh Quảng Nam, huyện Tiên Phước được thiên nhiên ưu ái phát triển những loại thảo mộc, dược liệu quý hiếm, tốt cho sức khỏe con người. Tận dụng nguồn nguyên liệu giá trị, phong phú từ quê hương, những người phụ nữ Tiên Phước đã bắt tay khởi nghiệp và thành công với nhiều sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, khởi nghiệp sáng tạo xanh…
Trời xẩm tối, chị Hồ Vũ Thành Minh (thôn 2, xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước) ra sân vườn mang vào những loại thảo mộc phơi khô. Từ cây lá trồng, mọc quanh nhà như cỏ mần trầu, bồ kết, cỏ hôi, lá - vỏ bưởi/chanh, lá khế, lá ổi, ngải cứu, tía tô, hoắc hương, hương nhu…, người phụ nữ "xứ Tiên" ấy đã sản xuất ra nước gội thảo mộc Mingho.
Nhắc đến hành trình khởi nghiệp, chị Minh chia sẻ: "Quê tôi có nhiều thảo mộc với lượng tinh dầu lớn, giúp tóc sạch, thơm, mượt và đảm bảo an toàn sức khỏe. Học theo mẹ, tôi cũng hái cây lá địa phương nấu gội thấy hiệu quả và ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp. Bên cạnh phương pháp dân gian mẹ truyền, tôi tìm gặp nhiều người làm nghề thuốc Bắc về hàm lượng các loại nguyên liệu đảm bảo sử dụng hiệu quả. Sau gần 2 năm nghiên cứu, đến nay nước gội thảo mộc của tôi được tiêu thụ trên cả nước. Khoảng 60% người tiêu dùng quay lại với sản phẩm chống gàu, nấm và hơn 80% khách hàng sử dụng lại loại ngăn rụng, khô tóc".
Chị Hồ Vũ Thành Minh và nước gội thảo mộc Mingho, sản phẩm đoạt giải Nhất ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp huyện năm 2023
Điều đáng nói, lý do thôi thúc người phụ nữ Tiên Phước ấy khởi nghiệp với các sản phẩm từ thảo mộc địa phương như nước gội, nụ, nhang, nước rửa chén… xuất phát từ niềm đam mê đọc sách và những dự án phát triển văn hóa đọc. Chị Minh hiện đã xây dựng, tham gia nhiều mô hình về sách ý nghĩa như "Dân vận với sách", "Thanh niên với sách"... Nhất là mô hình "Tủ sách lớp học kiểu mới" thực hiện trên 22 lớp học tại quê hương, chị đã ủng hộ hơn 600 đầu sách.
Sản phẩm khởi nghiệp của chị Thành Minh được trưng bày cùng những cuốn sách ý nghĩa
"Muốn mọi người đọc sách thì cần "gieo trồng, nuôi dưỡng" ngay từ nhỏ trong gia đình, trong trường học. Để tiếp tục hành trình lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, tôi dự định phát triển nhiều mô hình về sách đến trẻ em vùng sâu, vùng xa lấy kinh phí từ doanh thu các sản phẩm thảo mộc của mình" - chị Minh tâm niệm.
Những sản phẩm khởi nghiệp ra đời xuất phát từ mục đích ban đầu là hướng tới công tác thiện nguyện, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, tất yếu sản phẩm được tạo ra bằng cả cái tâm. Mình xem mỗi sản phẩm như một “đứa con tinh thần”, dồn cả tâm huyết vào đó. Để tạo ra một sản phẩm mang đặc trưng hương rừng, lá núi địa phương, mình không chỉ dựa trên kinh nghiệm dân gian mà còn tìm hiểu, học hỏi các thầy thuốc Nam, vào TPHCM nghiên cứu thêm sản phẩm thông qua người bạn điều chế mỹ phẩm… Sau khi được công nhận, đạt giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp cấp huyện, bản thân lại tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm đáp ứng thị hiếu nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, giữ được đặc trưng sản phẩm từ thảo mộc “xứ Tiên”
Bước vào cơ sở sản xuất trầm hương của chị Hồ Thị Bé (thôn 2, xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước), mùi trầm ngọt dịu, ấm áp tỏa hương, mang đến cảm giác thư thái. Thấy người dân trong làng này phát triển nghề tạo trầm hương từ cây dó bầu, năm 2016, chị Bé cũng chuyển hướng từ nghề nông "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" sang sản xuất, kinh doanh trầm.
"Trầm miếng, trầm cảnh, trầm nghệ thuật, vòng đeo tay từ trầm… đều có. Cơ sở chúng tôi thu mua nguyên liệu trên địa bàn xã Tiên Ngọc, Tiên Lãnh về làm. Sau thời gian khởi nghiệp hiệu quả, cả gia đình tôi đều theo đuổi nghề này, đồng thời thuê thêm 4-5 nhân công địa phương. Với nguồn trầm chất lượng tại quê mình, đến nay xã Tiên Ngọc đã thành lập được tổ hợp tác làm trầm thôn 2. Người dân tham gia được vay tiền kinh doanh và trao đổi kinh nghiệm sản xuất, buôn bán" - chị Bé bộc bạch.
Chị Hồ Thị Bé có thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng từ kinh doanh trầm hương.
Đáng chú ý với mẫu mã đa dạng, bắt mắt, hàm chứa nhiều ý nghĩa nhân sinh, giá trị cao, những sản phẩm của gia đình chị Bé không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang Trung Quốc và các quốc gia Đông Á. Từ đó, nghề trầm càng phát triển mạnh trên địa bàn huyện Tiên Phước, góp phần tạo công việc ổn định cho người dân "xứ Tiên".
Sản phẩm trầm hương độc đáo của hộ kinh doanh Hồ Thị Bé.
“Trong những năm gần đây, tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ địa phương rất cao. Nhiều sản phẩm, mô hình khởi nghiệp được công nhận cấp huyện, cấp tỉnh, đạt chuẩn OCOP, xúc tiến thương mại mạnh mẽ… Hội LHPN xã Tiên Ngọc cũng đã đồng hành, động viên các chị em khởi nghiệp, hỗ trợ yếu tố tinh thần là chính. Bên cạnh đó, Hội còn hướng dẫn cho hội viên phụ nữ làm hồ sơ đăng ký tham dự các cuộc thi khởi nghiệp, tổ chức các buổi triển lãm, trưng bày sản phẩm, giới thiệu, quảng bá các mô hình hay, gương điển hình trong khởi nghiệp. Đặc biệt, Hội còn định hướng cho các cá nhân, tập thể khởi nghiệp phát triển các sản phẩm địa phương, hướng tới chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…”.
Chị Phan Thị Hoài Thương - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tiên Ngọc
Những củ gừng sẻ nhỏ nhưng đầy sức sống đang vươn mình phát triển mang theo tâm huyết của chị Phạm Thị Mỵ Nương (thôn 3, xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước). Gừng sẻ "xứ Tiên" với hương thơm cay nồng đặc trưng, được lựa chọn kỹ lưỡng từng củ, rửa sạch, gọt vỏ và xay mịn kết hợp cùng đường mật mía tạo nên những viên mứt gừng thơm ngon, ngăn ngừa cảm cúm, giảm say tàu xe, hỗ trợ tiêu hoá…
Chị Phạm Thị Mỵ Nương hạnh phúc nhìn rẫy rừng phát triển tốt
Nhắc đến "đứa con" sau 3 năm "thai nghén" đã chào đời thành công của mình, chị Nương tự hào chia sẻ: "Tiên Phước có nhiều cây trái với hàm lượng dược liệu cao, nhưng nông dân chủ yếu bán thô chưa qua chế biến nên giá trị thu lại thấp và phụ thuộc vào thương lái. Trăn trở về vấn đề này, tôi quyết tâm tạo nên sản phẩm mứt gừng viên "xứ tiên".
Những viên mứt gừng phù hợp với mọi lứa tuổi
Sự kết hợp giữa truyền thống và công nghệ này cũng ra đời từ mong muốn phát triển một sản phẩm mang tên địa phương, vì mục đích tạo việc làm, thu nhập cho phụ nữ nghèo miền núi bằng cách trồng nguyên liệu ngắn ngày xen canh với các vườn cây ăn quả dài ngày, lấy thu nhập ngắn nuôi dài".
Đến nay, HTX sản xuất thương mại dịch vụ QNa Farm của chị Nương giải quyết việc làm cho 12 lao động địa phương, ưu tiên sử dụng nguyên liệu Tiên Phước. Chị cũng đã xây dựng được hơn 50 đại lý, nhà phân phối trên toàn quốc. Sản phẩm mứt gừng viên của chị có mặt ở hầu hết sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội…
Kinh nghiệm của chị Phạm Thị Mỵ Nương:
Mỗi sáng, chị Phan Thị Hoài Thương (thôn 4, xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước) lại pha cho gia đình những ly bột rau má đậu đỏ ngọt bùi, béo thơm, ấm bụng thay cho bữa điểm tâm. Đây cũng chính là sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo - chuyển đổi xanh của chị với ý tưởng xuất phát từ loại nước rau má rừng dinh dưỡng.
"Ở quê mình, rau má rừng mọc nhiều. Không ít người thích vị thơm, ngọt, hơi nhẫn của rau má rừng nhưng không có thời gian làm. Mình tận dụng, thu mua cả lá, thân, rễ rau má cho người dân với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, mua hạt đậu đỏ khoảng 45.000 - 55.000 đồng/kg. Hơn nửa năm sản xuất, cơ sở của mình đã bán được hơn 1.000 hộp. Sản phẩm được ưa chuộng bởi những vị khách trung niên, lớn tuổi tại địa bàn huyện Tiên Phước, TP. Tam Kỳ" - chị Thương tâm tình.
Một hộp 200g giá 70.000 đồng, bột rau má đậu đỏ của chị Thương được khách đặt mua
Theo chị Thương, cùng với việc đảm bảo chất lượng thơm ngon, dinh dưỡng, tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm được chị đặt lên hàng đầu.
Với rau má rừng và đậu đỏ trồng bằng phương pháp hữu cơ, chị rửa nước muối sạch sẽ. Rau má đem sấy lạnh, đậu đỏ mang phơi khô, rang thơm rồi nghiền nhuyễn thành dạng bột. Chị dự định thời gian tới sẽ nghiên cứu sản xuất các sản phẩm khác từ rau má địa phương, cũng như khuyến khích người dân trồng rau má trên những vùng đất ruộng bỏ hoang và bao tiêu nguyên liệu để bà con yên tâm trồng trọt.
Những sản phẩm từ mo cau như giỏ hoa, mũ, dép, thùng rác, lót ly… chất chứa bao khát vọng phát triển kinh tế gia đình và quảng bá văn hóa làng cổ Lộc Yên của chị Võ Thị Thu Thôi (thôn 5, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước). Trong đó túi xách mo cau của người phụ nữ "xứ Tiên" ấy đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2024.
"Sự độc đáo của túi xách mo cau nằm ở nét đẹp đơn giản, mộc mạc và tiện dụng. Chiếc mo cau khô cứng dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ bỗng trở thành túi xách mềm mại, bền chặt và bắt mắt. Nguyên liệu được thu lượm ngay từ ngoài vườn đã tạo nên những sản phẩm thân thiện với môi trường" - chị Thôi hồ hởi chia sẻ.
HTX Cau xanh đất Quảng hiện giải quyết việc làm cho hơn 20 phụ nữ địa phương từ 22 - 65 tuổi
Trong năm 2024, HTX Cau xanh đất Quảng do chị Thôi làm giám đốc đã sản xuất hơn 300 sản phẩm lớn nhỏ có giá từ 150.000 - 300.000 đồng/chiếc. Hiện tại sản phẩm được tiêu thụ trên cả nước và được ưa chuộng ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Bồ Đào Nha… Đặc biệt, khi chị Thôi mang túi xách mo cau tới Thái Lan quảng bá về sản phẩm bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu với số lượng lớn.
Chiếc túi xách mo cau gắn liền với văn hóa làng cổ Lộc Yên
Không chỉ tạo việc làm cho các bà mẹ bỉm sữa, chị Thôi còn mong muốn giới thiệu việc làm cho những người khuyết tật. Quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh, chị từ lâu là cộng tác viên, làm cầu nối giữa ngân hàng chính sách xã hội với phụ nữ nghèo địa phương. Hay trong xóm nhỏ, những người gặp phải bất trắc đều tìm đến vợ chồng chị. Với những đóng góp của gia đình chị trong việc tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, chị Thôi đã được Hội LHPN tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen…
Chị Võ Thị Thu Thôi là một Chi hội trưởng gương mẫu, tham gia tích cực các phong trào phụ nữ. Các hoạt động tương thân tương ái, giúp đỡ hội viên và người dân trên địa bàn xã, huyện được chị triển khai thường xuyên và tạo dấu ấn cho phong trào phụ nữ của Chi hội thôn 5. Đặc biệt, chị Thôi còn là điển hình trong phát triển kinh tế, quảng bá sản phẩm đặc trưng của Tiên Phước và phần nào giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Hội LHPN xã Tiên Cảnh thường xuyên đến thăm hỏi, động viên cũng như tổ chức các cuộc thi, chương trình sáng tạo khởi nghiệp để chị Thôi nói riêng và các hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Tiên Cảnh nói chung có cơ hội tham gia, phát huy tinh thần khởi nghiệp, quảng bá sản phẩm cũng như văn hóa làng cổ Lộc Yên. Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ HTX Cau xanh đất Quảng kết nối với các hội viên phụ nữ là các mẹ bỉm sữa, các bà nội trợ, người khuyết tật, những hoàn cảnh khó khăn để giới thiệu, hướng dẫn việc làm ngay tại nhà
Phụ nữ Tiên Phước chia sẻ về hành trình khởi nghiệp
Thời đại chuyển dịch kinh tế sang số hóa, phát triển bền vững đã và đang mở ra cơ hội lớn cho phụ nữ khẳng định vị trí của mình trên "bản đồ" kinh tế. Những người phụ nữ "xứ Tiên" cũng từng bước tham gia vào nhiều lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tài chính toàn diện…