Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm: 'Trên nóng, dưới cũng nóng'

31/10/2018 - 12:30
Trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng nay, 31/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Việc thanh tra, kiểm tra, xử phạt trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm đã được thực hiện quyết liệt - “Trên nóng, dưới cũng nóng”. Tuy vậy, tình trạng vệ sinh thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp.

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV sáng nay, 31/10, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn, lo lắng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm từ thức ăn đường phố, bữa ăn tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Mặc dù đã được chất vấn tại nhiều kỳ họp trước đây nhưng vấn đề này vẫn tồn tại và gây ra bức xúc, lo lắng trong xã hội. Các đại biểu chất vấn trưởng ngành Y tế về các giải pháp căn cơ cụ thể để khắc phục tình trạng này.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Tình trạng về an toàn thực phẩm thời gian qua đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên vẫn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ như thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.

 

201810311049494323_bt-nguyen-thi-kim-tien.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

 

Để khắc phục tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, theo trưởng ngành y tế, cần tập trung vào 2 nội dung chính là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện.

Hiện nay, hệ thống pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm khá đồng bộ, hoàn thiện. Ngân hàng Thế giới đã có đánh giá hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực này đã tiếp cận được phương thức quản trị tiên tiến theo hướng quản lý rủi ro dựa vào các yếu tố nguy cơ, tăng cường hậu kiểm thay vì tiền kiểm và phân cấp cho địa phương.

bua-an-cong-nhan.JPG
Bữa ăn của công nhân. Ảnh minh họa
 

Mặc dù vậy, vấn đề quan trọng nhất là tổ chức thực hiện, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế là đầu mối của lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, phối hợp với các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Công Thương… Đặc biệt là có sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội như Hội LHPNVN. Qua đó tạo ra sự liên kết, tổ chức liên ngành trong việc thực hiện.

Cùng với đó, quản lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã được phân cấp nhiều cho chính quyền địa phương. Có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và Chính phủ, tình trạng “trên nóng dưới lạnh” ở lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm đã được cải thiện rất nhiều; nay đã “trên nóng - dưới nóng”, các địa phương ra quân quyết liệt”, bà Kim Tiến khẳng định.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm được đẩy mạnh, chỉ tính riêng thanh tra ở địa phương có tới gần 500 ngàn cuộc; cùng với đó giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm. Vì vậy, số vụ ngộ độc tập thể thời gian qua đã giảm, tổng số mẫu vi phạm an toàn vệ sinh đã giảm.

Trưởng ngành y tế cho biết, trong thời gian tới, mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này sẽ được nâng lên cao hơn nữa.

Xem video trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến:

Mặc dù có nhiều giải pháp như lời trưởng ngành y tế, cũng như cơ quan quản lý vào cuộc quyết liệt nhưng số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 44 vụ ngộ độc thực phẩm với trên 1.200 người mắc, 7 trường hợp tử vong. Riêng trong tháng 6/2018, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 284 người mắc, 190 người phải nằm viện và 1 trường hợp tử vong.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm