Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3

PVH
20/05/2022 - 17:29
Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3

Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phát biểu

Chiều nay (20/5), Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Dự kiến, kỳ họp kéo dài 19 ngày làm việc, phiên khai mạc ngày 23/5 và dự kiến bế mạc 16/6/2022.

Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 5 dự án luật, 03 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến đối với 06 dự án luật khác. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Trong đó, các dự án luật được xem xét, thông qua gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân...

Đặc biệt, các dự án luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến được đông đảo cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm là dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)...

Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3 - Ảnh 1.

Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chủ trì buổi họp báo

Riêng với dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), theo Văn phòng Quốc hội, dự án luật này được ban hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Ngoài ra, tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua các nội dung quan trọng khác, như: báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế  - xã hội và ngân sách nhà nước; Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 202; xem xét, quyết định Chủ trương đầu tư 05 Dự án lớn; Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Theo Văn phòng Quốc hội, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này gồm 6 chương, 62 Điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 42 Điều trong Luật hiện hành; xây dựng mới hoàn toàn 17 Điều; bỏ 3 Điều, so với Luật hiện hành tăng 16 Điều.

Nội dung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tập trung vào 03 nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020, bao gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm