Quy trình tiêm chủng được thực hiện như thế nào?

Linh Trần
05/11/2021 - 09:45
Quy trình tiêm chủng được thực hiện như thế nào?

Tiêm chủng vaccine cho trẻ em. Ảnh minh họa

Liên quan đến vụ tiêm nhầm vaccine "5 trong 1" thành vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 2-6 tháng tuổi khiến dư luận lo lắng. Vậy, quy trình tiêm chủng được cơ quan chức năng quy định như thế nào?  

Theo Bộ Y tế, việc thực hiện tiêm chủng vaccine được thực hiện theo Thông tư số 12/2014/TT-BYT ngày 20/3/2014 của Bộ Y tế, Quyết định số 1731/QĐ-BYT ngày 16/5/2014 của Bộ Y tế về Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng.  

Các bước tổ chức tiêm chủng chính bao gồm: Lập kế hoạch trước tiêm chủng, khám sàng lọc, tư vấn tiêm chủng, thực hiện tiêm chủng và theo dõi phản ứng sau tiêm chủng. 

Việc thực hiện quy trình tiêm chủng này áp dụng đối với tất cả các loại vaccine và các nhóm đối tượng tham gia tiêm chủng. 

Cụ thể:

Trước khi tiêm chủng

- Tư vấn cho gia đình, người được tiêm chủng về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vaccine và những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng;

- Khám sàng lọc cho người được tiêm chủng theo quy định;

- Chỉ định tiêm chủng hoặc loại trừ các trường hợp có chống chỉ định hoặc trì hoãn tiêm chủng;

- Cung cấp thông tin về loại vaccine liều sử dụng, hạn dùng cho người được tiêm chủng hoặc cha mẹ, người giám hộ của trẻ.

Trong khi tiêm chủng

- Kiểm tra nhiệt độ bảo quản, hạn dùng, đối chiếu với chỉ định sử dụng vaccine;

- Thực hiện tiêm chủng theo đúng chỉ định đối với từng loại vaccine và các quy định về tiêm an toàn;

- Thực hiện theo đúng quy định về các bước trước và trong khi tiêm chủng.

Sau khi tiêm chủng

- Yêu cầu người được tiêm chủng phải ở lại cơ sở tiêm chủng tối thiểu 30 phút để theo dõi;

- Hướng dẫn và phối hợp với gia đình hoặc người được tiêm chủng cách theo dõi và chăm sóc trẻ tại nhà ít nhất 24h sau tiêm;

- Ghi đầy đủ thông tin về từng trường hợp tiêm vaccine vào sổ tiêm chủng (lưu tại cơ sở tiêm chủng) và phiếu tiêm chủng hoặc sổ tiêm chủng cá nhân trả lại cho gia đình hoặc người được tiêm chủng;

- Các lọ vaccine đã mở quá thời gian quy định thì không được phép sử dụng tiếp;

- Vaccine, bơm kim tiêm chưa sử dụng còn lại sau buổi tiêm phải được bảo quản theo quy định.

Quy trình tiêm chủng được thực hiện như thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Liều lượng, đường dùng vaccine

Liều lượng, đường dùng của từng loại vắc xin phải tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã đăng ký với Bộ Y tế, nếu có bất kỳ thay đổi nào về liều lượng, đường dùng phải được Bộ Y tế cho phép và nhà sản xuất có trách nhiệm thông báo về sản phẩm của mình sản xuất cho các cơ sở tiêm chủng.

Tổ chức chiến dịch tiêm chủng

Việc tổ chức chiến dịch tiêm chủng thực hiện theo các hướng dẫn riêng của Bộ Y tế đối với từng chiến dịch.

Chỉ những cơ sở tiêm chủng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm chủng mới được phép thực hiện chiến dịch tiêm chủng.

Phát hiện, xử trí tai biến nặng sau tiêm chủng

- Tất cả đối tượng sau khi tiêm chủng phải được theo dõi tối thiểu 30 phút tại địa điểm tiêm chủng, sau đó tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau khi tiêm chủng để phát hiện sớm những tai biến nặng sau tiêm chủng.

- Tại cơ sở tiêm chủng: khi đang triển khai tiêm chủng mà xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, người đứng đầu cơ sở tiêm chủng phải chỉ đạo thực hiện các nội dung sau đây:

+ Dừng ngay buổi tiêm chủng;

+ Xử trí cấp cứu, chẩn đoán nguyên nhân tai biến nặng sau tiêm chủng; trường hợp vượt quá khả năng thì phải chuyển người bị tai biến nặng sau tiêm chủng đến bệnh viện gần nhất;

+ Ghi chép đầy đủ thông tin:

+ Họ tên, tuổi, giới, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của người được tiêm. Họ tên bố, mẹ, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) đối với trẻ em;

+ Ngày, giờ tiêm chủng;

+ Loại vaccine; tên vaccine; số lô; hạn dùng; nhà sản xuất; đơn vị cung cấp vaccine; số đăng ký lưu hành hoặc số giấy phép nhập khẩu;

+ Ngày, giờ xuất hiện tai biến nặng sau tiêm chủng; các triệu chứng chính; kết quả điều trị; kết luận nguyên nhân (nếu có);

+ Thống kê toàn bộ số lượng vaccine đã sử dụng trong buổi tiêm chủng; số người đã được sử dụng theo loại vaccine; tên vaccine, số lô, hạn dùng của vaccine; tình trạng sức khỏe của những người đã được tiêm chủng;

+ Thống kê toàn bộ số vỏ lọ vaccine bơm kim tiêm đã sử dụng trong buổi tiêm chủng…

Trước đó, như PNVN đã thông tin, ngày 3/11, Trạm Y tế xã Yên Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội) tổ chức tiêm chủng cho các cháu có độ tuổi từ 1 tháng đến 6 tháng tuổi. Trong quá trình tiêm chủng đã xảy ra sự cố tiêm nhầm vaccine Comirnaty ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNtech cho 18 trẻ từ 2 đến 6 tháng tuổi.

Ngay sau khi nhận được thông tin, thành phố đã chỉ đạo khẩn trương đưa toàn bộ các cháu đến BV Đa khoa Xanh Pôn để được chăm sóc y tế trong điều kiện tốt nhất.

Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội đã báo cáo Bộ Y tế và tham vấn ý kiến chuyên môn của các giáo sư hàng đầu trong nước, các chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam. Đồng thời, thành phố đã mời các chuyên gia hàng đầu của BV Nhi trung ương trực tiếp thăm khám cho các cháu.

Các chuyên gia đánh giá, tình trạng sức khỏe của 18 cháu hiện tại đều ổn định, một số cháu có biểu hiện sốt, sưng đỏ nơi tiêm là những phản ứng thông thường sau tiêm; không có trường hợp nào sốc phản vệ.

Huyện Quốc Oai đã có chỉ đạo, yêu cầu Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế xã Yên Sơn đình chỉ dây chuyền tiêm gồm 4 cán bộ y tế và đình chỉ công tác đối với cán bộ y tế trực tiếp tiêm để xem xét trách nhiệm, đồng thời rà soát lại quy trình tiêm chủng vắc xin cho trẻ em.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm