pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quyết liệt ngăn chặn tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Thanh Hóa
Em Giàng Thị Văn (bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát) bỏ học lấy chồng khi mới 16 tuổi, không có công ăn việc làm chỉ có thể ở nhà làm việc nương rẫy hoặc trông em phụ mẹ chồng
Lấy chồng tuổi trăng tròn
16 tuổi, em Giàng Thị Văn (bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát) bỏ học chuyển đến sống với gia đình nhà chồng mặc kệ những lời khuyên ngăn hết lời của bố mẹ hai bên. Không có bằng cấp, không có công ăn việc làm, Văn chỉ có thể theo mẹ chồng lên rẫy làm việc đồng áng và ngày ngày ở nhà ngóng chồng đi học.
Mẹ chồng của Văn, một người phụ nữ Mông chỉ mới ngoài 30 tuổi vẫn còn bế trên tay đứa út 2 tuổi cho biết, con trai và con dâu chị quen nhau qua mạng. Chị kể: "Không biết chúng nó gặp nhau lúc nào, đến qua Tết vừa rồi thì nó dắt về xin cưới. Mình bảo lấy vợ bây giờ khổ lắm, nhà nghèo bố mẹ không nuôi được đâu nhưng chúng nó không nghe lời, cứ thế theo về đây rồi ở với nhau thôi".
Sau khoảng nửa năm chung sống, trước những áp lực cuộc sống về cái ăn cái mặc, sự bất đồng trong những quan điểm và cả sự thay đổi trong tâm - sinh lý của những đứa trẻ "ăn chưa no, lo chưa tới", Giàng Thị Văn ngậm ngùi rằng nếu có cơ hội được làm lại, chắc chắn em sẽ tiếp tục đi học và không lấy chồng. Tuy nhiên, những quan niệm cổ hủ, lạc hậu đã ăn sâu trong tâm trí của người đồng bào khiến rất nhiều cô gái trẻ như Văn không dám đứng lên làm lại cuộc đời.
Theo bà Ngô Thị Hồng Hảo - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, kể từ khi các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Thanh Hóa thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2015 - 2025" và Hội LHPN trực tiếp chủ trì thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: 2021-2025, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào DTTS tại tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Trên toàn tỉnh, nếu như năm 2020 có 125 cặp tảo hôn/6.306 cặp kết hôn, chiếm tỷ lệ 1,98% thì đến cuối năm 2023, số cặp tảo hôn là 101 cặp/6.036 cặp kết hôn, tỷ lệ tảo hôn giảm còn 1,67%. Tuy nhiên, ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tình trạng này vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân được cho là do nhiều địa phương còn chưa chủ động, đổi mới trong công tác tuyên truyền, vận động. Các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết nhiều nơi chưa bị xử lý nghiêm. Đặc biệt tại các vùng biên giới, phong tục hứa hôn hiện đang còn xảy ra, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành để tiến tới xóa bỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống một cách bền vững.
Tăng cường tuyên truyền xóa bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết
Theo đó, để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người dân, các dân tộc, địa bàn có tỷ lệ tảo hôn cao, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trong giai đoạn 2021-2025". Ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các bên liên quan tổ chức các hội nghị tập huấn về kiến thức và kỹ năng tuyên truyền cho hơn 200 đại biểu là đội ngũ báo cáo viên, tuyên tuyền viên cấp xã thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp huyện của các huyện vùng DTTS và miền núi của tỉnh.
Cùng với Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, Hội LHPN tỉnh cũng tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho hàng ngàn đại biểu là cán bộ thôn bản, người có uy tín, người dân thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn bản có đồng bào dân tộc Mông, Khơ Mú sinh sống. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội và công tác phối hợp với các nhà trường rất được chú trọng để giáo dục cho các học sinh về hậu quả của tảo hôn. Các sản phẩm truyền thông cũng được các cơ quan, ban ngành tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành và cấp phát đến tận cấp thôn bản để người dân có thể tiếp cận thông tin.
Qua công tác tuyên truyền, đa số người dân đã nhận thức được việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết không chỉ có tác động xấu tới sức khỏe, sinh sản… mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về Hôn nhân và Gia đình; tạo được sự đồng thuận trong xã hội cùng chung tay để ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Bà Ngô Thị Hồng Hảo - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa - cho biết: Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành trong tỉnh chú trọng tuyên truyền đến nhiều đối tượng, đặc biệt là đối tượng trẻ vị thành niên, thanh niên trước độ tuổi kết hôn, thông qua các hình thức gần gũi, cuốn hút như: sân khấu hóa, tổ chức các buổi ngoại khóa tại trường học, các cuộc thi tìm hiểu, hoạt động tư vấn sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, tư vấn Luật Hôn nhân và Gia đình, các vấn đề liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...