Rosa Parks: Biểu tượng về chống phân biệt chủng tộc

Thiên Ánh (Tổng hợp)
04/02/2023 - 07:16
 Rosa Parks: Biểu tượng về chống phân biệt chủng tộc

Rosa Parks vào năm 1978

Rosa Louise McCauley Parks sinh ngày 4/2/1913, là một nhà hoạt động dân quyền người Mỹ. Bà nổi tiếng với vai trò nòng cốt trong phong trào "tẩy chay xe buýt Montgomery" và trở thành một biểu tượng về chống phân biệt chủng tộc. Quốc hội Hoa Kỳ đã gọi bà là "đệ nhất phu nhân dân quyền" và "mẹ đẻ của phong trào tự do".

Rosa Parks sinh ra ở bang Alabama, Mỹ. Khi cha mẹ ly thân, Rosa cùng mẹ chuyển đến Pine Level, bên ngoài thành phố Montgomery của bang Alabama. Rosa lớn lên tại trang trại với ông bà ngoại, mẹ và em trai. Thời Rosa học tiểu học, sự phân biệt chủng tộc giữa người da màu và người da trắng ở Mỹ xuất hiện khắp nơi, bao gồm cả các phương tiện giao thông công cộng. 

Các công ty xe buýt và xe lửa đã thực hiện "chính sách chỗ ngồi" với việc chia khu vực ngồi riêng dành cho người da đen và người da trắng. Học sinh da màu ở miền Nam không có phương tiện đưa đón. Bà chia sẻ: "Xe buýt là một trong những cách đầu tiên tôi nhận ra có một thế giới đen và một thế giới trắng".

 Rosa Parks: Biểu tượng về chống phân biệt chủng tộc - Ảnh 1.

Tượng Rosa Parks tại Hành lang Tượng đài Quốc gia ở Tòa nhà Quốc hội Mỹ, bang Washington D.C

Theo luật thời đó, xe buýt được chia làm 2 khu vực cho người da màu và người da trắng; người da màu phải nhường chỗ cho người da trắng nếu như đã hết ghế ở khu vực dành cho người da trắng. Ngày 1/12/1955, Rosa đã thẳng thừng từ chối yêu cầu nhường ghế cho một người đàn ông da trắng, sau đó bà đã bị bắt. 

Ngày 5/12/1955, Rosa bị đưa ra xét xử và bị phạt 10 USD, cộng với 4 USD tiền án phí. Vụ xét xử Rosa Parks đã khiến cộng đồng người da màu trên toàn nước Mỹ phẫn nộ. Dưới sự lãnh đạo của Martin Luther King, những người da màu đã tổ chức một cuộc tẩy chay các phương tiện giao thông công cộng, còn được gọi là phong trào "tẩy chay xe buýt Montgomery". 

 Rosa Parks: Biểu tượng về chống phân biệt chủng tộc - Ảnh 2.

Rosa Parks bị bắt vào tháng 2/1956 trong phong trào “tẩy chay xe buýt Montgomery”

Họ chọn đi bộ hoặc đi taxi. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của các công ty xe bus, do hồi đó người da màu chiếm đến 75% số lượng người đi xe bus. Sau đó, chính quyền thành phố Montgomery buộc phải bãi bỏ luật yêu cầu phân biệt đối xử trên xe buýt công cộng.

Đừng bao giờ sợ hãi về những việc bạn đang làm khi việc ấy là việc đúng”.

Rosa Parks

Sau khi bị bắt, mặc dù Rosa trở thành biểu tượng của phong trào dân quyền nhưng bà và gia đình vẫn phải chịu thiệt thòi vì hành động của mình. Bà bị sa thải và nhận nhiều lời dọa giết trong một thời gian dài. Sau đó, bà cùng chồng chuyển đến Detroit, bà làm thư ký cho John Conyers, nghị sỹ đại diện cho người Mỹ gốc Phi, từ năm 1965 đến 1988. 

 Rosa Parks: Biểu tượng về chống phân biệt chủng tộc - Ảnh 4.

Rosa Park và Martin Luther King Jr. (ngồi sau) năm 1955

Bà đồng sáng lập "Quỹ học bổng Rosa L. Parks" dành cho học sinh cuối cấp trung học muốn học đại học, đồng thời tích cực tham gia các phong trào ủng hộ dân quyền. Năm 1992, Rosa cho xuất bản tự truyện "Rosa Parks: My Story" kể lại cuộc đời mình.

Rosa Parks qua đời ngày 24/10/2005, hưởng thọ 92 tuổi. Sau khi bà mất, quan tài của bà được đặt tại nhà thờ lớn của Điện Capitol (hay Tòa nhà Quốc hội Mỹ) trong vài ngày. Rosa là người phụ nữ đầu tiên và người da đen thứ 2 được vinh danh bằng hình thức này. Bà được chôn cùng chồng và mẹ tại Nghĩa trang Woodlawn, Detroit. Nhà nguyện chôn cất bà sau đó được đổi tên thành Nhà nguyện Tự do Rosa L. Parks.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm