Sinh viên trường tư đang phải chịu nhiều loại thuế

22/09/2017 - 07:05
Ông Trần Hữu Nghị- Phó Chủ tịch hiệp hội các trường ĐH, CĐ cho rằng, luật đang thể hiện sự phân biệt đối xử giữa trường công và trường tư. Trong khi sinh viên trường công được hưởng ngân sách thì sinh viên trường tư phải đóng nhiều loại thuế

Trường công - tư đang bị đối xử phân biệt

- Ông có đánh giá gì về Luật Giáo dục (GD) và Luật Giáo dục Đại học (ĐH) hiện hành?

Luật hiện chưa quy định cụ thể nhiều nội dung. Vì không cụ thể nên “anh” nào cũng cần điều chỉnh. Đã không cụ thể, chung chung thì cần phải kèm theo hướng dẫn, thông tư mới thực hiện được luật. Bên cạnh đó, Luật mang tính chất định hướng nên mọi người hoàn toàn có thể hướng theo kiểu này hay kiểu khác, có thể biến luật trở thành không có luật.

Ông Trần Hữu Nghị chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo góp ý sửa đổi Luật giáo dục diễn ra sáng 21/9 tại Hà Nội. Ảnh: D.H

- Nếu sửa đổi, theo ông cần sửa theo hướng nào?

Rất nhiều nội dung mà tôi quan tâm, trong đó Luật tới đây sửa đổi cần làm rõ quyền lợi, trách nhiệm của đối tượng giảng dạy và học tập giữa trường công và trường tư. Người học ở trường công hay trường tư đều được hưởng quyền lợi như nhau, giống như là bố mẹ đóng thuế thì các con đều được hưởng. Trong khi thực tế là trường công được hưởng nhiều quyền lợi thì trường tư phải chịu thuế.

Bất cập nhất hiện nay là nguyên tắc cơ chế cấp kinh phí ngân sách và hỗ trợ nhà nước cho người học, qua đó chưa thấy rõ sự công bằng giữa những người đi học ở các cơ sở GD khác nhau. Sinh viên trường tôi phải chịu nhiều khoản thuế như thuế ký túc xá, ăn uống, gửi xe, thậm chí là thuế đi thuê đất xây trường. Cũng là công dân nhưng tại sao các em học trường ngoài công lập phải chịu thuế, trong khi người học trường công thì không? Thậm chí sinh viên trường công còn nhận nhiều quyền lợi khác nữa.

- Như vậy, cần nhìn nhận thế nào để Luật đảm bảo công bằng cho người học?

Khi NQ2 TW khóa 8 nói về xã hội hóa GD, tôi nghĩ nếu nói ở mặt nào đó thì nên coi người học ở trường công lập cũng như ở trường tư thục. Mà chưa chắc ai hơn ai vì nói cho cùng, các điều kiện đảm bảo cơ sở vật chất của các trường ĐH ngoài công lập bây giờ không thua kém gì trường công lập.

Đội ngũ giảng viên khối ngoài công lập cũng luôn tìm cách nâng cao chất lượng. Trừ một số trường vì lý do này hay lý do khác mà Nhà nước cho mở, nó non quá thì không đảm bảo chất lượng thôi!

Quan điểm của tôi là thế này: Cơ sở vật chất mà đơn thuần chỉ là nhà cửa thì dễ xây nhưng nguồn lực là giáo viên, là thư viện thì cực kỳ khó. Ít ra phải 10 - 15 năm sau mới có thể xây dựng được cơ sở vì chúng ta chỉ có chừng ấy con người, mà muốn có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư hay giáo sư đều không dễ. Vì vậy trường nào mà “đẻ” non quá thì chất lượng để truyền đạt cho các em có kiến thức, chất xám áp dụng làm ra của cải vật chất bị hạn chế.

Quản lý ĐH tầm vĩ mô đang có vấn đề

- Nói như ông, quản lý nhà nước đối với GD ĐH đang có vấn đề?

Theo tôi, để giải quyết khó khăn hiện tại, quản lý tầm vĩ mô chúng ta phải làm rõ được sẽ khống chế bao nhiêu trường trong tỉ lệ dân số, diện tích nhất định. Làm sao đảm bảo thầy giáo trong tất cả các trường từ nam chí bắc. Đừng nâng CĐ lên ĐH ngay. Có một câu chuyện đáng chú ý là trong những năm chúng ta thi nhau nâng cấp CĐ lên ĐH thì Liên Xô (cũ) làm một việc ngược lại là là hạ hơn 200 trường từ ĐH xuống CĐ vì không đủ chất lượng giảng dạy.

- Không chỉ người học, mà ngay cả giảng viên trường công và tư cũng đang bị phân biệt đối xử. Thầy cô trường công thì có biên chế, trong khi thầy cô trường tư chỉ ăn lương. Ông suy nghĩ gì về điều này?

Khi bắt đầu tự chủ ĐH, quan điểm của tôi với tư cách là hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập thì tôi nghĩ làm thế nào để lương của GV các trường tư thục cao đến mức mà người ta toàn tâm toàn ý giảng dạy để thu hút học sinh.

Tiền lương của tất cả giáo viên trong ngành GD hiện nay đều không thỏa đáng, quá thấp! Lương của giáo viên cần phải nâng lên để họ cảm thấy lương đảm bảo cuộc sống.

- Tự chủ ĐH đang bị nhìn nhận là đơn thuần tự chủ kinh tế thay vì tự chủ một cách tổng thể. Ông có đồng tình với điều này?

Khi nói tự chủ thì phải ở tất cả mọi phương diện, đặc biệt là nội dung chương trình, tổ chức giáo viên để đảm bảo chất lượng. Khi các trường đảm bảo chất lượng thì mới có tự chủ, trên cơ sở là học thuật, là quan hệ với quốc tế, làm thế nào để có được sức mạnh mà nói với xã hội rằng, khi tôi tự chủ, tôi sẽ chịu trách nhiệm với xã hội về đầu ra, làm sao đạt chất lượng tốt nhất về ngoại ngữ, tin học, ứng xử, kỹ năng mềm… Nếu tôi không đáp ứng thì xã hội có quyền trách tôi là tôi chưa làm tròn.

Để làm được điều này, buộc các trường phải tự khẳng định chất lượng, phải đăng ký kiểm định chất lượng để khắc phục những mặt yếu bên trong. Khi đảm bảo với nhà nước xã hội rằng tôi đào tạo ra được con người mà xã hội có nhu cầu, khi đó mới có thể gọi là tự chủ đúng nghĩa.

Một điều quan trọng nữa mà tôi cũng hết sức băn khoăn là điều 32 Luật GD ĐH quy định tự chủ nghĩa là quyền lợi. Đây là cách hiểu sai, vì đã nói quyền lợi thì các trường có nhận hay không nhận quyền lợi đó là tùy ở các trường. Nhà nước theo đó không thể bắt buộc một cơ sở công lập nào thực hiện tự chủ.

Tôi cho rằng, cần thể hiện rõ quan điểm tự chủ là trách nhiệm, là thuộc tính của cơ sở ĐH. Nhà nước không thể cứ mãi nuôi nấng, bao bọc và chịu trách nhiệm hết các cơ sở GD ĐH. Theo đó, Luật cần sửa theo tinh thần: Những gì Nhà nước không chịu trách nhiệm thì hãy giao cho các trường chịu trách nhiệm. Nhà nước chỉ nắm vai trò định hướng, giám sát để đảm bảo cơ sở đạt đúng trách nhiệm. Trường ĐH không có quyền từ chối trách nhiệm tự chủ này.

- Xin cám ơn ông!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm