Số phận thương tâm của các cô dâu Pakistan ở Trung Quốc

Nguyên Bách - CTV
17/12/2019 - 05:20
Số phận thương tâm của các cô dâu Pakistan ở Trung Quốc
Cái chết của cô dâu người Pakistan Samiya David (37 tuổi) đã vạch trần tội ác mà những phụ nữ là nạn nhân bị buôn bán phải chịu đựng. Họ bị cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài và không có bất kỳ sự hỗ trợ nào, bị lạm dụng cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhiều cô gái trẻ liên tục bị cưỡng hiếp.

Bị ngược đãi nơi xứ người

Cô Samiya David sang Trung Quốc cùng người đàn ông đã mua cô làm vợ. Trở về Pakistan sau 2 tháng, người phụ nữ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng, đi lại khó khăn, giọng nói yếu ớt, rời rạc. "Đừng hỏi về những gì xảy ra ở đó" là câu duy nhất mà cô gái Pakistan trả lời trước các thắc mắc của những thành viên trong gia đình. Sau vài tuần, cô qua đời. Cái chết bí ẩn của David gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng ngược đãi và lạm dụng đối với những phụ nữ Pakistan bị bán sang Trung Quốc như những món hàng.

Samiyah David giơ bức ảnh chụp cùng người chồng Trung Quốc

Samiyah David giơ bức ảnh chụp cùng người chồng Trung Quốc

Theo các cuộc điều tra của AP, Pakistan là một trong những quốc gia có tỷ lệ buôn người cao nhất thế giới. Người theo đạo Thiên chúa chiếm chỉ 2% trên tổng số 220 triệu dân của đất nước Hồi giáo Pakistan. Đây cũng là một cộng đồng nghèo đói và dễ tổn thương, nơi phụ nữ ít được tôn trọng và dễ dàng trở thành "món đồ" hy sinh để nuôi sống gia đình. Những kẻ buôn người trong 2 năm qua trả tiền cho các "gia đình tuyệt vọng" để họ cho con gái và em gái mình, một số còn ở độ tuổi vị thành niên, kết hôn với những người đàn ông Trung Quốc. Đã có 629 trẻ em gái và phụ nữ Pakistan bị bán sang Trung Quốc làm vợ trong năm 2018 và đầu năm 2019. Khi đặt chân tới Trung Quốc, những phụ nữ này thường bị cô lập, bỏ rơi, lạm dụng và bán vào những ổ mại dâm. Một số người kể rằng, chồng họ thậm chí có lúc còn không cho họ ăn. "Những người nghèo bán con gái để lấy tiền, họ không quan tâm con mình sẽ bị đối xử ra sao… Đây thật sự là tột cùng tội ác", Masih, anh họ Samiya David chia sẻ. Chính sách một con kéo dài 35 năm đã gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng tại Trung Quốc khiến nam giới nhiều hơn nữ 34 triệu người. Đây là nguyên nhân gây ra nạn buôn người trái phép, chủ yếu là phụ nữ vào nước này.

Anh họ và người thân tới thăm mộ của Samiya David

Anh họ và người thân tới thăm mộ của Samiya David

Cái chết của David ở tuổi 37 đã vạch trần tội ác mà những phụ nữ bị buôn bán phải chịu đựng. David giờ đây được chôn dưới ngôi mộ không tên tại một nghĩa trang Công giáo gần ngôi làng cổ kính Mazaikewale thuộc tỉnh Punjab, phía Đông Pakistan. Một số phụ nữ khác cho biết, họ bị cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài và không có bất kỳ sự hỗ trợ nào, bị lạm dụng cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhiều cô gái trẻ còn liên tục bị cưỡng hiếp.

Trước khi kết hôn, cô sống trong một căn nhà hai phòng chật chội cùng người anh tên Saber và mẹ ở Francisabad Colony, một khu dân cư xập xệ tập trung người Công giáo thuộc thành phố Gujranwala. Được một mục sư địa phương thúc giục, anh trai David đã nhận tiền từ những kẻ môi giới để ép em gái mình kết hôn với một người đàn ông Trung Quốc. Viên mục sư đã bị bắt với cáo buộc hợp tác với những kẻ buôn người. Vài tháng sau đám cưới vào cuối năm ngoái, David và chồng rời Pakistan đến Trung Quốc. "Lúc rời đi, cô ấy vẫn khỏe mạnh. Cô trông rất ổn và tràn đầy sức sống", Masih nhớ lại.

Chồng David đến từ một vùng nông thôn tương đối nghèo thuộc tỉnh Sơn Đông. Văn hóa bảo thủ ở những khu vực này coi trọng đàn ông hơn phụ nữ. Sau 2 tháng, anh trai Samiya nhận được một cuộc điện thoại tới đón em gái tại sân bay ở thành phố Lahore. Khi tới sân bay, anh trai thấy Samiya phải ngồi xe lăn, sức khỏe quá yếu, không đi lại được. Trong cuộc gặp với AP, Samiya đã cho phóng viên xem ảnh cưới của cô. Cô mặc một chiếc váy trắng, mái tóc đen dài, bồng bềnh và nở nụ cười rạng rỡ. Samiya trong ảnh khác hẳn với người phụ nữ ngoài đời thực với gò má hốc hác, nước da đen sạm, gương mặt mệt mỏi và giọng nói yếu ớt. Khi được hỏi về đám cưới hoặc khoảng thời gian ở Trung Quốc, cô bắt đầu mất tập trung, Samiya lẩm bẩm và nhìn vô định vào không trung: "Tôi ổn. Tôi ổn".

Cô chết vài tuần sau khi trở về từ Trung Quốc. Bác sĩ Meet Khan Tareen, người điều trị cho Samiya tại phòng khám ở Lahore cho biết, cô bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, thể trạng yếu, thiếu máu, vàng da và suy nội tạng. Bác sĩ nói với anh trai cô rằng Samiya cần nhập viện gấp, tuy nhiên cô đã không được vào viện chữa trị. Sau khi qua đời, Samiya không được khám nghiệm tử thi. Không ai rõ cô có "qua đời do lý do tự nhiên" thực sự như trong giấy khai tử ghi không, trong khi anh trai cô từ chối nói chuyện với cảnh sát về cái chết của em gái. Theo người anh họ Masih, gia đình cô đang cố che giấu sự thật vì họ sợ mất mặt khi đã bán cô ấy sang Trung Quốc làm vợ để lấy tiền.

Sự thật trần trụi sau những giấc mộng vàng

Nhà hoạt động Công giáo Salim Iqbal, một trong những người đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn buôn bán cô dâu, đã liên lạc với một số phụ nữ Pakistan ở Trung Quốc thông qua các nhóm trên ứng dụng nhắn tin WeChat. Theo lời Iqbal, một cô gái mới đây nói với ông rằng, chồng cô không chu cấp cho cô thực phẩm lẫn thuốc thang. Một phụ nữ khác, Samia Yousaf, bị ép lấy chồng năm 24 tuổi, cũng kể cho AP về những trái ngang mà cô phải chịu ở Trung Quốc.

Samia Yousaf bị ép kết hôn với chồng Trung Quốc khi 24 tuổi

Samia Yousaf bị ép kết hôn với chồng Trung Quốc khi 24 tuổi

Yousaf cùng chồng đến Trung Quốc sau khi cô mang thai. Tin tưởng vào lời hứa của chồng rằng sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, cô sang Trung Quốc và phát hiện mình phải sống trong một căn phòng lụp xụp ở rìa cánh đồng, giăng đầy mạng nhện. Sau khi sinh con, Yousaf không được nhà chồng cho bế con và cho con bú, bị kiểm soát thời gian gặp con trong 6 ngày nằm viện. Chồng cô cũng không giúp đỡ cô đi lại, để cô ngã mà không đỡ dậy. Rời bệnh viện về nhà, Yousaf vẫn tiếp tục bị ngược đãi. Chồng không cho cô ăn. "Anh ta thực sự độc ác. Tôi nghĩ anh ta muốn giết tôi", cô nói.

3 tuần sau, nhà chức trách đe dọa sẽ tống giam Yousaf vì visa của cô đã hết hạn. Người chồng giữ hộ chiếu của cô. Sợ hãi và ốm yếu, Yousaf năn nỉ chồng để cô và con trai trở về nhà ở Pakistan. Tuy nhiên, anh ta không chịu trao cho cô đứa bé. Yousaf phát hiện ra tên cô không được ghi trong giấy khai sinh của đứa trẻ mà chỉ có tên chồng. Lần cuối cùng cô gặp con trai là tháng 9/2017 trước khi cô trở về nước. "Ngày nào tôi cũng nghĩ đến con. Tôi tự hỏi con sẽ trông như thế nào. Trái tim tôi luôn chìm trong đau buồn", Yousaf giãi bày. Điều đáng buồn hơn là sau khi bị bán đi, rất ít phụ nữ quay lại Pakistan. Phần lớn trở thành vợ hoặc bị bán vào nhà chứa, nơi họ rất khó liên lạc với gia đình hoặc có cơ may trở về quê hương. Nhiều người cam chịu ngược đãi chứ không tiết lộ với người thân hay báo cáo với cấp có thẩm quyền, chủ yếu vì lo sợ điều tiếng hay bị xã hội tẩy chay. Nhiều phụ nữ bị đe dọa phải im lặng, trong khi nhiều người khác lo sợ không thể hòa nhập trở lại nếu quay về.

Nguồn: AP
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm